Taliban Afghanistan không muốn làm quân cờ cho Pakistan trong xử lý khủng bố TTP
Chính quyền Pakistan đặt nhiều kỳ vọng vào lực lượng Taliban Afghanistan. Thế nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy các thủ lĩnh Taliban không muốn làm quân cờ cho Pakistan vì điều này sẽ làm xói mòn vị thế của họ ở trong nước.
Pakistan đang kỳ vọng Taliban giúp xử lý vấn đề TTP
Mới đây trong một cuộc phỏng vấn, Thủ tướng Pakistan Imran Khan trả lời rằng chính phủ của ông đang đàm phán với một số phái trong lực lượng Tehreek-e-Taliban Pakistan (TTP) đang tìm cách hòa giải với nhà nước Pakistan.
Ông Khan nói với hãng truyền thông TRT World: “Có các nhóm khác nhau tạo nên TTP. Một vài nhóm như vậy muốn đàm phán hòa bình với chính phủ chúng tôi. Do vậy, chúng tôi đang thương lượng với họ. Đó là một quá trình hòa giải”.
Khi phóng viên hỏi liệu Taliban Afghanistan có làm trung gian cho quá trình này hay không, Thủ tướng Khan đã trả lời theo hướng khẳng định: “Do quá trình thương lượng vẫn đang diễn ra ở Afghanistan, nên theo nghĩa này thì đúng như vậy”.
Việc ông Khan thừa nhận Pakistan đang đàm phán với TTP giúp chúng ta nhìn sâu hơn vào cách tiếp cận của Pakistan đối với vấn đề này và các khía cạnh phức tạp khác nhau của nó.
Pakistan có vẻ tin rằng Taliban có thể đóng một vai trò hiệu quả trong việc vô hiệu hóa mối đe dọa do TTP đặt ra cho Pakistan trong bối cảnh giới lãnh đạo của TTP đóng ở Afghanistan và chỉ đạo các hoạt động của tổ chức này từ đây.
Các tuyên bố của giới lập pháp Pakistan trong quá khứ cho thấy Pakistan kỳ vọng Taliban đóng vai trò quyết định trong vấn đề này. Niềm tin đó có thể bắt nguồn từ sự ủng hộ mà Pakistan dành cho Taliban trong nhiều năm qua.
Sự ủng hộ của Pakistan dành cho Taliban kéo dài cho đến ngày nay, khi Pakistan hối thúc cộng đồng quốc tế công nhận “thực tế mới ở Afghanistan” dưới hình thức chế độ Taliban.
Liệu Taliban có đền đáp “công lao” của Pakistan?
Hiện nay không rõ liệu sự bảo trợ của Pakistan dành cho Taliban có giúp ích cho Pakistan lần này hay không, khi họ đàm phán với TTP.
Những diễn biến ban đầu cho thấy Taliban sẽ thực hiện một số hành động mang tính lấy lệ liên quan đến các mối quan ngại an ninh của Pakistan nhưng chúng ta cũng không nên trông đợi có điều kỳ diệu nào vì tổ chức Taliban ít khả năng sẽ trục xuất hay trao các chiến binh TTP cho giới chức Pakistan (vì một số lý do như TTP và Taliban có mối quan hệ gần gũi, từng chiến đấu, nếm mật nằm gai với nhau, và hàng ngũ chiến binh của hai bên nhiều khi có quan hệ họ tộc, kết hôn, bạn bè...).
Hơn nữa, thủ lĩnh cấp thấp và cấp trung của Taliban ít có khả năng chấp nhận quyết định của giới lãnh đạo cấp cao của Taliban nếu họ dùng vũ lực với TTP thể theo mong ước của Pakistan. Ban lãnh đạo Taliban có thể không muốn các chiến binh của mình xem họ như các con tốt của Pakistan – điều có thể làm xói mòn chính quyền của họ thông qua các cuộc tấn công trực tiếp hoặc sự chia rẽ trong nội bộ tổ chức này.
Người ta đã chứng kiến nhiều đoạn video ghi cảnh chiến binh Taliban muốn mở rộng thực hiện luật Hồi giáo Sharia sang Pakistan, thậm chí có cảnh họ giật cờ Pakistan khỏi xe tải mang viện trợ nhân đạo sang Afghanistan. Cũng có những báo cáo về các vụ đụng độ giữa quân Pakistan và chiến binh Taliban. Đối với nhiều người, hàng ngũ chiến binh Taliban không dành nhiều tình cảm cho việc Pakistan mở rộng vai trò của họ trong quản lý Afghanistan và các khu vực bộ lạc dọc theo biên giới Pakistan-Afghanistan.
Mặc dù Taliban có thể đã nhất trí làm trung gian, trên thực tế ít có khả năng nhóm này nỗ lực vượt quá đề xuất hỗ trợ. Chẳng hạn, các cuộc đàm phán giữa Pakistan và TTP đã diễn ra trong hơn một tháng nhưng các cuộc tấn công của TTP vào lực lượng an ninh Pakistan lại gia tăng.
Trong một chừng mực nào đó, điều trên chỉ ra rằng Taliban không ép TTP tuân theo các đòi hỏi của lực lượng an ninh Pakistan. Vào tháng 9/2021, TTP nhận trách nhiệm đã thực hiện 37 vụ tấn công, bao gồm 2 vụ liều chết nhằm vào lực lượng an ninh Pakistan. Nhóm này khẳng định, các cuộc tấn công đó đã giết chết hơn 70 cán bộ an ninh Pakistan.
Thế nan giải của Pakistan
Bản chất của các cuộc đàm phán nói trên đặt ra câu hỏi về ý đồ của Pakistan trong việc xử lý vấn đề TTP vào thời điểm nhóm này dường như đã lấy lại sức mạnh đã mất. TTP mới đây tuyên bố rằng nhóm ly khai Sheheryar Mehsud đã gia nhập hàng ngũ của TTP.
Sự quay trở lại của nhóm Sheheryar Mehsud đã cải thiện thế đứng tổng thể của TTP và năng lực của chúng trong việc tấn công các khu vực bộ lạc ở Pakistan. Những diễn biến này cho thấy TTP đang có thế để gia tăng tấn công và không quan tâm đến đề xuất ân xá của Pakistan cho đến khi nào chính phủ chịu áp đặt luật Hồi giáo Sharia ở đất nước Nam Á này.
Tình hình này đang đặt ra câu hỏi về các hạn chế của Pakistan trong mối quan hệ với Taliban và khả năng của Pakistan thuyết phục Taliban ra tay chống lại TTP.
Ở giai đoạn hiện nay, câu hỏi quan trọng là điều gì sẽ xảy ra nếu Taliban không ép TTP đạt được một thỏa thuận với Pakistan? Liệu Pakistan tiếp tục hứng chịu thương vong cho đến khi Taliban chịu quan tâm đến các quan ngại của Pakistan? Nhưng khả năng đó là khó, trừ phi có cuộc nổi loạn bên trong hàng ngũ Taliban.
Như vậy Pakistan đang đứng trước các quyết định khó khăn. Liệu Pakistan sẽ ra điều kiện cho sự ủng hộ mà họ dành cho Taliban? Liệu Pakistan sẽ tiến hành hoạt động quân sự thọc vào lãnh thổ Afghanistan khi Taliban không chịu chế ngự TTP?
Có thể Pakistan sẽ thắt chặt điều kiện nhập cảnh đối với các công dân Afghanistan sang Pakistan. Pakistan cuối cùng có thể áp đặt một số điều kiện lên quan hệ thương mại song phương với Afghanistan. Các lực kéo và đẩy qua lại như thế này có khả năng tiếp tục trong các tuần và tháng tới. Về lâu dài, quan hệ giữa Taliban và Pakistan sẽ xấu đi.