Tin tức

Tài xế GrabBike bức xúc sau việc Grab bất ngờ tăng mức khấu trừ

(VOVTV) - Thực hiện diễu hành và tập trung đông đảo tại trụ sở Grab ở ngõ 78 Duy Tân cả ngày 7/12, các tài xế Grab cần đại diện công ty đứng ra giải quyết, đàm phán để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho bản thân mình.

Tác giả Linh Trịnh / VOVTV
07/12/2020 18:41

Chính sách mới của Grab khiến phần đông tài xế công nghệ bức xúc. Ảnh: Nam Anh

Tài xế Grab diễu hành phản đối việc Grab tăng chiết khấu

Lý giải việc tăng giá, Grab cho biết, họ "mong muốn đảm bảo thu nhập cho đối tác Grab sau khi Nghị định 126 đi vào hiệu lực". Tương tự, các dịch vụ xe hai bánh của Grab gồm GrabBike, GrabBikePremium, GrabExpress và GrabFood cũng đã được điều chỉnh tăng từ 5/12.

Tuy nhiên, trên thực tế, nếu thuế giá trị gia tăng (GTGT) với xe công nghệ tăng từ 3% lên 10% trên doanh thu và cước vận tải giữ nguyên, thu nhập của tài xế sẽ giảm 8%. Ví dụ, "với một chuyến xe có cước phí 100.000 đồng, ban đầu, tài xế nhận về khoản doanh thu 76.400 đồng (sau khi trừ thuế và phí dịch vụ kết nối), nhưng với quy định hiện tại, tài xế sẽ chỉ nhận được 70.800 đồng", anh Nguyễn Văn T., tài xế GrabBike cho biết.

Tài xế GrabBike bức xúc sau việc Grab bất ngờ tăng mức khấu trừ - Ảnh 1.

Các tài xế tập trung đông đảo ở trụ sở của Grab. Ảnh: Nam Anh

Phản đối việc mức chiết khấu thuế GTGT tăng từ 20% lên 30%, hàng trăm tài xế tập trung tại trụ sở Grab ở ngõ 78 Duy Tân thực hiện livestream trên mạng xã hội, đồng thời kêu gọi các tài xế Grab khác tiếp tục biểu tình, diễu hành quanh đường phố Hà Nội để phản đối. 

Theo ghi nhận của phóng viên, đã có đại diện của nhóm tài xế vào làm việc với đại diện công ty Grab tại Việt Nam nhưng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng. Và hiện tại, Grab đã đóng cửa trụ sở ở Hà Nội và từ chối trả lời báo chí.

Tài xế Grab mong muốn điều gì?

Tại trụ sở Grab ở Hà Nội, nhiều tài xế GrabBike đều cho rằng, nếu Grab muốn thu các khoản phí thì phải rõ ràng, minh bạch và cần cân nhắc mức phí phù hợp với lợi ích của đôi bên, trên cương vị các tài xế là đối tác của Grab. "Chúng tôi muốn phía Grab phải làm rõ mức thuế tăng lên 10% này, theo đúng pháp luật là do tài xế đóng hay do doanh nghiệp vận tải đóng? Bên cạnh đó, chúng tôi đề nghị Grab xem xét điều chỉnh lại mức chiết khấu về ban đầu là tốt nhất", anh Đặng Tiến V., tài xế GrabBike cho biết.

Các tài xế GrabBike tập trung ở trụ sở Grab cả ngày 7/12 để phản đối về mức chiết khấu mới. Ảnh: Nam Anh

Đồng quan điểm,  anh Nguyễn Văn S., tài xế GrabBike chia sẻ: "Mỗi ngày, tài xế chúng tôi phải chạy liên tục từ 14 – 16 tiếng đồng hồ mới đạt được 400.000 đồng. Sau khi trừ đủ loại phí như phí sử dụng app, tiền điện thoại, xăng xe..., nay lại bị trừ 10% VAT nữa thì chỉ còn hơn 200.000 đồng - 250.000 đồng. Nên chúng tôi muốn Grab tính lại mức VAT đó. Vì không ai bảo vệ chúng tôi cả nên đành phải tập trung ở đây để phản đối và có người đại diện vào nói chuyện với ban lãnh đạo công ty".

Từ trước ngày 5/12, các hãng taxi truyền thống đã kê khai 10% thuế VAT trên toàn bộ doanh thu thu từ khách hàng, trong khi Grab đẩy trách nhiệm cho tài xế đóng mức 3% thuế VAT cá nhân và "né" được rất nhiều thuế.

Theo quy định mới, với đúng bản chất, nếu Grab giữ nguyên mức chia phần trăm với đối tác tài xế và thực hiện nghĩa vụ thuế thì tài xế sẽ giảm được 3% thuế VAT cá nhân. Tuy nhiên, trên thực tế, với biểu giá tăng lên, đồng thời thay đổi tỷ lệ chiết khấu của Grab, thu nhập tài xế lại giảm đáng kể và người dùng cũng phải chi trả nhiều hơn.

Còn khi đã xác định là đơn vị kinh doanh vận tải, buộc hãng phải xây dựng một khung giá và khách hàng là người lựa chọn khung giá đó. Giá cả hoàn toàn do thị trường quyết định, cơ quan thuế không có chức năng quản lý vấn đề này. Các hãng xe công nghệ cạnh tranh nhau, từ đó khiến cho Grab phải tự điều chỉnh mức giá phù hợp. Grab và tài xế cần phải ngồi lại với nhau để điều chỉnh hợp đồng một cách thỏa đáng, đảm bảo quyền lợi của cả hãng, tài xế và khách hàng.

Ý kiến của bạn