Tách Luật Giao thông đường bộ làm 2: Nhiều ý kiến không tán thành
Nhiều ý kiến cho rằng việc sửa Luật là cần thiết nhưng phải trả lời rõ được câu hỏi tách Luật để làm gì, mang lại hiệu quả ra sao?
Thống nhất về một mối để dễ xử phạt lái xe vi phạm
Ngày 27/1, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị trực tuyến với các Bộ, ngành, Đoàn đại biểu Quốc hội 63 tỉnh, thành phố lấy ý kiến Dự thảo Luật Giao thông Đường bộ (GTĐB) sửa đổi.
Nội dung nổi bật được nhiều ý kiến quan tâm là việc có nên tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành 2 Luật, một luật như hiện nay do Bộ GTVT soạn thảo và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì.
Cùng với việc tách luật, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) không còn quy định về đăng ký, cấp biển số phương tiện; quản lý đào tạo, sát hạch lái xe; cấp giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ. Các nội dung này dự kiến đưa vào Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cảnh sát giao thông, khi xây dựng dự thảo Luật mới, ngành công an sẽ quy định rõ hơn các nội dung như giấy phép lái xe, tổ chức giao thông và có cơ chế chống ùn tắc, trường hợp nào mới được dừng phương tiện...
Ông Bình cũng phủ nhận việc Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ bãi bỏ các trung tâm sát hạch giấy phép lái xe do Bộ GTVT quản lý lâu nay. Các trung tâm này vẫn được xã hội hóa đầu tư, nhà nước chỉ quản lý chất lượng.
Đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho rằng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và quản lý sau cấp phép là quản lý hành vi của con người, và nội dung này liên quan đến đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Cơ sở dữ liệu về cấp giấy phép lái xe được kết nối với dữ liệu vi phạm sẽ giúp lực lượng chức năng xử phạt vi phạm hành chính. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều quốc gia giao lực lượng cảnh sát làm công tác này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...
Bộ Công an đang tiếp tục chỉnh lý dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ với tên gọi đề xuất là Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; trong đó đề cập quy định đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe mang tính nguyên tắc. Nội dung cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành liên quan sẽ do Chính phủ quy định sau khi Luật được ban hành.
Nhiều ý kiến không tán thành
Theo ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, việc sửa Luật là cần thiết nhưng đặt ra hàng loạt câu hỏi như cần làm rõ tách Luật để làm gì, mang lại hiệu quả ra sao và có cần thiết hay không?
Theo ông Liêm, lĩnh vực giao thông dù là đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa hay đường bộ đều có yếu tố về hạ tầng, phương tiện và con người và các yếu tố này không thể tách rời. Việc tổ chức giao thông cũng phải dựa trên các cơ sở này.
“Trước đây chúng ta chưa có quy định hạn chế tốc độ đối với xe khách 2 tầng chạy đường miền núi. Căn cứ vào địa hình phải giảm tốc độ để đảm bảo an toàn, đó là tổ chức giao thông”, ông Liêm dẫn chứng.
Ông Liêm cũng cho rằng cần có cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc tách Luật. Áp đặt ý chí sẽ không có hiệu quả và không đi vào cuộc sống. Các yếu tố phương tiện, con người, hạ tầng phải gắn liền với nhau, khi tách sẽ vô hình chung chia nhỏ từng công đoạn.
Đồng quan điểm, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho rằng, cần lựa chọn phương án tốt nhất, có cùng mối liên hệ về con người, hạ tầng và phương tiện để người dân, doanh nghiệp hiểu và thực thi pháp luật.
Cũng không ủng hộ phương án tách Luật, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, hoạt động đảm bảo ATGT có tất cả các khâu trong quản lý GTVT đường bộ, có quan hệ hữu cơ, không thể tách rời.
Quản lý kết cấu hạ tầng thể hiện trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn ở khâu thiết kế, khâu thẩm định ATGT, tổ chức giao thông trên đường. Bên cạnh đó, các điều kiện kinh doanh trong quản lý vận tải cũng chủ yêu nhằm mục đích đảm bảo ATGT. Quản lý phương tiện cũng nhằm mục tiêu này.
Về việc chuyển thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an, ông Quyền cho rằng, những thành tựu quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX trong nhiều năm qua đã có bước phát triển mạnh mẽ, được người dân và quốc tế đánh giá cao.
"Khi chuyển đổi thẩm quyền, ngành Công an sẽ lại phải đầu tư mới hệ thống, sẽ tốn kém nguồn vốn ngân sách và nhân lực. Bên cạnh đó, các chi phí cho dân sự cũng sẽ thấp hơn chi phí cho lực lượng vũ trang", ông Quyền nói.
Ông Quyền cho biết, quan điểm của Hiệp hội là không nên chuyển chức năng này sẽ gây xáo trộn bộ máy thực hiện và công tác quản lý.
Đại diện Tổng cục còn nêu ý kiến từ Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho hay, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2020), đa số ý kiến đại biểu không tán thành phương án chuyển giao chức năng quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch và cấp phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.
Tuy nhiên, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) không điều chỉnh nội dung này, tức là chưa tiếp thu theo ý kiến của đa số đại biểu. Do vậy, Bộ GTVT cần đánh giá kỹ lưỡng tác động và giúp Chính phủ tiếp tục làm rõ, giải trình thuyết phục hơn để báo cáo Quốc hội.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho hay, Bộ GTVT tổ chức hội nghị nhằm lấy ý kiến của các thành phần kinh tế, các tổ chức, đoàn thể để đảm bảo tính khách quan, công khai, minh bạch. Các ý kiến sẽ được tổng hợp báo cáo Thủ tướng chính phủ.
Chính phủ đã thống nhất giao Bộ GTVT tiếp tục hoàn thiện Luật Đường bộ trên cơ sở tách Luật GTĐB. Bộ Công an nghiên cứu hoàn thiện Luật đảm bảo ATGT trên cơ sở tách từ Luật GTĐB. Khi xây dựng phải đảm bảo nguyên tắc là Luật chung, phải đi vào cuộc sống. Khi thực hiện Luật phải nghiêm và hiệu quả.
"Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo việc xây dựng Luật phải đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận. Trách nhiệm của 2 Bộ cần phải làm rõ sự cần thiết và những yếu tố tác động của việc tách luật.
Bộ GTVT và Bộ Công an sẽ phối hợp làm tốt vấn đề này, đưa ra các luận cứ thuyết phục, các kịch bản để so sánh về sự cần thiết hay không cần thiết tách Luật", Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.
Tin nổi bật
Tin Video