Tác động kéo dài của bệnh COVID-19 đối với người đã khỏi bệnh ở Vũ Hán
Một nghiên cứu ở Vũ Hán cho thấy gần 1/3 số bệnh nhân mắc COVID-19 nhẹ vẫn có các triệu chứng như khó thở, mệt mỏi và đau khớp.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, mặc dù chỉ thực hiện trên 120 bệnh nhân, nhưng nghiên cứu đã cung cấp một cái nhìn tổng quan về những ảnh hưởng sức khỏe lâu dài của COVID-19 tới những người nhiễm virus đã khỏi bệnh, đặc biệt là những người không mắc bệnh nặng.
Trung Quốc, nơi phát hiện ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên, vẫn chưa công bố bất kỳ dữ liệu quy mô lớn nào về những bệnh nhân có các triệu chứng COVID-19 kéo dài. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet hồi tháng 8 được thực hiện trên khoảng 1.200 bệnh nhân tại bệnh viện Jinyintan Vũ Hán, nơi tiếp nhận hầu hết những bệnh nhân trong đợt bùng dịch vào đầu năm 2020 cho thấy, gần một nửa vẫn gặp phải các triệu chứng sau 1 năm mắc bệnh.
Tạp chí Frontiers in Medicine của Trung Quốc hôm 23/11 đã đăng tải báo cáo về những phát hiện ở 120 bệnh nhân được điêu trị tại Bệnh viện Liên hiệp Vũ Hán và Bệnh viện Fangcang từ ngày 29/1 đến ngày 1/4 năm ngoái. Theo các nhà nghiên cứu, họ đã theo dõi các bệnh nhân này sau thời gian khỏi bệnh khoảng 314,5 ngày.
Nghiên cứu cho thấy khó ngủ, khó thở, mệt mỏi và đau khớp là những triệu chứng phổ biến nhất được ghi nhận. Gần 1/3 số bệnh nhân không nghiêm trọng, chiếm 86,7% tổng số người được theo dõi, gặp phải những triệu chứng này.
Hơn 56% bệnh nhân COVID-19 ban đầu có các triệu chứng không nghiêm trọng vẫn phát hiện những bất thường trong kết quả chụp CT của họ gần một năm sau mắc bệnh, bao gồm đục thủy tinh thể, giãn phế quản, có nốt trên phổi và xơ phổi.
Nhưng so với mức độ tổn thương phổi trong nghiên cứu ở thời điểm 6 tháng sau khi khỏi bệnh, mức độ tổn thương phổi 2 bên ít hơn đáng kể. Có ý kiến cho rằng, mặc dù một số bệnh nhân có biểu hiện bất thường trên hình ảnh chụp X-quang, mức độ tổn thương đã ít hơn và các tổn thương đang dần hồi phục.
Về kết quả chức năng gan bất thường, các nhà nghiên cứu cho rằng điều đó không có nghĩa là tổn thương này vẫn kéo dài sau khi mắc bệnh. Tổn thương này có thể do các yếu tố như thuốc hoặc chế độ dinh dưỡng quá mức gây ra. Họ cho rằng cần nghiên cứu kỹ hơn vì thiếu dữ liệu do những bệnh nhân này không được kiểm tra chức năng gan và thận trước khi mắc COVID-19.
Nghiên cứu cũng cho biết gần 40% bệnh nhân có điểm số cao hơn bình thường theo thang đánh giá lo âu Hamilton. Trên 37% bệnh nhân có điểm số vượt mức thông thường trong thang đánh giá trầm cảm Hamilton. Một số người tham gia nghiên cứu cũng bị suy giảm chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe, có thể liên quan đến sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm phổi bị tổn thương do nhiễm virus, thời gian dài bị cách ly và lo lắng do đại dịch gây ra.
“Tại thời điểm theo dõi gần một năm, những người hồi phục sau COVID-19 vẫn có các vấn đề về đa hệ thống, bao gồm các vấn đề về chức năng hô hấp, chất lượng cuộc sống, lo lắng và trầm cảm. Việc tiến hành theo dõi và ngăn ngừa sự tái nhiễm của SARS-CoV- 2 trong nhóm này là điều rất cần thiết”, nghiên cứu cho biết.
Song các nhà khoa học lưu ý rằng đây chỉ là một nghiên cứu nhỏ. Hơn nữa, có nhiều dữ liệu cơ bản của bệnh nhân trong giai đoạn trước khi mắc bệnh không có sẵn, vì vậy tình trạng sức khỏe bất thường của những người sống sót sau COVID-19 không thể chỉ do nhiễm virus.
COVID-19 kéo dài được Tổ chức Y tế Thế giới chính thức công nhận là tình trạng sau COVID-19. Các triệu chứng kéo dài ở những bệnh nhân đã hồi phục - thường là 3 tháng kể từ khi xuất hiện các triệu chứng và kéo dài ít nhất 2 tháng - đã trở thành mối quan tâm sức khỏe cộng đồng toàn cầu.
Vào tháng 5, Trung Quốc đã ban hành hướng dẫn về phục hồi chức năng giúp hồi phục và chữa lành cho những bệnh nhân đã khỏi COVID-19 nhưng vẫn gặp các triệu chứng dai dẳng ở tim phổi, vận động cơ thể và sức khỏe tâm thần.
Tin nổi bật
Tin Video