Sudan: Đảo chính quân sự, người dân biểu tình, quốc tế phản đối
(VOVTV) - Ngày 25/10, quân đội Sudan đã tiến hành đảo chính, bắt giữ hầu hết các thành viên Hội đồng tối cao dân sự và chính phủ chuyển tiếp, được thành lập để điều hành chính phủ lâm thời của nước này từ tháng 8/2019.
Thông tin về vụ đảo chính tại Sudan được đưa trên Đài truyền hình Alhadath của Sudan ngày 25/10. Ban đầu, Alhadath cho biết, một lực lượng quân sự chưa rõ danh tính của nước này đã bắt giữ 4 bộ trưởng trong nội các và một thành viên dân sự của hội đồng tối cao cầm quyền và sau đó bắt thêm những người khác.
Thông tin sau đó đã được xác nhận và Bộ Thông tin Sudan cho biết, người đứng đầu hội đồng chủ quyền chuyển tiếp Sudan, Tướng Abdel Fattah al-Burhan đứng sau vụ đảo chính quân sự này.
Tới chiều 25/10 (theo giờ Việt Nam), người đứng đầu Hội đồng cầm quyền Sudan - Tướng Abdel Fattah al-Burhan - đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, đồng thời thông báo giải tán Hội đồng tối cao dân sự và chính phủ chuyển tiếp của nước này.
Ông Abdel Fattah al-Burhan tuyên bố sẽ thành lập một chính phủ "có thẩm quyền", cam kết lập ra các thể chế nhà nước như tòa án tối cao. Ngoài ra, ông cũng cho biết Sudan vẫn kiên định với các thỏa thuận quốc tế mà nước này đã ký kết, đồng thời nhắc lại cam kết của mình về "sự chuyển đổi sang một chính phủ dân sự".
Theo Bộ Thông tin Sudan, quân đội nước này hiện đang giam giữ Thủ tướng Abdalla Hamdok tại một địa điểm chưa được xác định, sau khi ông từ chối đưa ra tuyên bố ủng hộ cuộc đảo chính.
Ngoại trưởng Sudan Mariam Sadig al-Mahdi khẳng định, người dân nước này phản đối cuộc đảo chính quân sự đang diễn ra và sẽ đấu tranh đến cùng.
Trong khi đó, một thành viên Hội đồng tối cao dân sự Sudan - ông Mohammed Hassan Eltaishi cũng phát biểu trên trang Facebook cá nhân rằng cuộc đảo chính quân sự này là "sự ngu ngốc chính trị", đồng thời tuyên bố ông sẽ chống lại cuộc đảo chính này.
Cũng trong ngày 25/10, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki Mahamat đã kêu gọi "lập tức nối lại" đối thoại giữa lực lượng dân sự và quân sự tại Sudan, sau khi quân đội nước này bắt giữ các nhân vật cấp cao trong chính phủ chuyển tiếp.
Trong tuyên bố đăng trên trang Twitter, ông Faki cho biết: "Chủ tịch kêu gọi lập tức nối lại hiệp thương giữa lực lượng dân sự và quân sự trong khuôn khổ các tuyên bố chính trị và sắc lệnh hiến pháp". Ông đồng thời bày tỏ "sự thất vọng sâu sắc" trước tình hình hiện nay ở Sudan. Chủ tịch AU nêu rõ "đối thoại và đồng thuận" là con đường duy nhất để cứu rỗi Sudan trong tiến trình chuyển tiếp dân chủ đang gặp khó khăn. Chủ tịch tiếp tục kêu gọi trả tự do cho tất cả các nhà lãnh đạo chính trị đang bị giam giữ, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tôn trọng quyền con người".
Cũng cùng quan điểm trên, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) - bà Nabila Massrali, cho biết Liên minh châu Âu (EU) lo ngại về tình hình bất ổn ở Sudan và kêu gọi lập tức thả các quan chức chính phủ nước này.
Phát biểu tại cuộc họp báo, bà Massrali nói: "EU rất lo ngại về việc các lực lượng quân sự Sudan bắt giữ Thủ tướng Hamdok cũng như các thành viên khác trong chính phủ nước này. Chúng tôi kêu gọi nhanh chóng trả tự do cho họ".
Các nhà ngoại giao cho biết Hội đồng bảo an (HĐBA) LHQ có thể sẽ họp kín trong ngày 26/10 để thảo luận về tình hình Sudan, sau khi Anh, Ireland, Na Uy, Mỹ, Estonia và Pháp yêu cầu tổ chức một cuộc họp.
Trong diễn biến mới nhất, Liên minh các lực lượng Thay đổi và Tự do - liên minh đối lập chính ở Sudan - đã kêu gọi tiến hành các hoạt động hòa bình nhằm lật độ việc quân đội nắm quyền sau vụ đảo chính. Trong thông báo đăng trên Twitter, liên minh này cho biết sẽ sử dụng tất cả các hình thái hòa bình để thực hiện mục tiêu, bao gồm các cuộc tuần hành hay phong tỏa đường phố.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 25/10 đã thông báo quyết định đình chỉ khoản viện trợ trị giá 700 triệu USD dành cho quá trình chuyển tiếp ở Sudan sau khi xảy ra cuộc đảo chính quân sự tại quốc gia châu Phi này, đồng thời kêu gọi khôi phục ngay lập tức một chính phủ dân sự.
Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nhấn mạnh: “Chính phủ chuyển tiếp do lực lượng dân sự lãnh đạo nên được khôi phục ngay lập tức và đại diện cho nguyện vọng của nhân dân. Trước những diễn biến này, Mỹ sẽ tạm ngừng khoản viện trợ khẩn cấp 700 triệu USD dành riêng cho các quỹ hỗ trợ kinh tế cho Sudan”./.