Sửa đổi Nghị định 64: Ai cũng được kêu gọi làm từ thiện!
Nghị định mới được xây dựng dựa trên nguyên tắc tạo điều kiện tối đa cho mọi đối tượng, tổ chức, cá nhân tham gia làm từ thiện...
Thủ tướng vừa chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi để xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 64/2008. Mục đích là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh. Báo Giao thông trao đổi với ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính xung quanh vấn đề này.
Tạo điều kiện tối đa cho các tổ chức, cá nhân
Vừa qua, câu chuyện một số cá nhân đứng ra vận động tiền, hàng cứu trợ cho đồng bào bão lụt khiến dư luận đặc biệt quan tâm, thậm chí có phần hoang mang. Trong đó, có ý kiến cho rằng việc cá nhân đứng ra vận động như vậy là sai luật, người lại bảo không. Vấn đề này sẽ được giải quyết thế nào trong dự thảo Nghị định mà Bộ Tài chính đang soạn thảo?
Ngay sau khi Thủ tướng giao nhiệm vụ, Bộ Tài chính đã bắt tay lập ra ban soạn thảo trong nội bộ để nghiên cứu các nội dung đưa vào dự thảo. Tất cả sẽ dựa trên nguyên tắc tạo điều kiện tối đa cho mọi đối tượng, tổ chức, cá nhân tham gia. Đồng thời, có cơ chế nhằm nâng cao hiệu quả công tác vận động hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho người trực tiếp đi hỗ trợ…
Tuy nhiên, hiện nay hoạt động quyên góp hỗ trợ từ thiện đang chịu chi phối bởi nhiều luật liên quan như Luật Phòng chống thiên tai, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Hoạt động chữ thập đỏ, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… Chính vì thế, ngay sau khi dự thảo được nội bộ hoàn tất, chúng tôi sẽ đưa ra tổ biên tập xem xét. Tổ biên tập sẽ bao gồm đại diện Bộ NN&PTNT, Bộ Tư pháp, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một vài địa phương.
Chưa hết, để nội dung nghị định mới phù hợp với thực tiễn, chúng tôi sẽ tổ chức công bố nội dung dự thảo trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ để lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân.
Với nguyên tắc như ông đã nêu, những nội dung chính sẽ được sửa đổi, bổ sung là gì?
Trước hết, cơ quan soạn thảo hướng tới nội dung mở rộng đối tượng được phép huy động, tiếp nhận nguồn lực hỗ trợ. Thay vì các tổ chức được quy định trong Nghị đinh 64 như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; báo, đài của Trung ương, địa phương…, Nghị định mới sẽ không giới hạn, bất cứ tổ chức, cá nhân nào cũng có thể tham gia.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đang nghiên cứu mở rộng nội dung chi, mức chi trong hỗ trợ thiện nguyện; quy định một cách linh hoạt hơn về thời hạn chi, tính từ thời điểm công bố thảm họa thiên tai là bao lâu...
Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cũng đang tham khảo ý kiến để chấp bút sửa đổi chức năng, nhiệm vụ trong hoạt động cứu trợ khi Mặt trận Tổ quốc và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đang có những quy định chưa ăn khớp nhau…
Tăng trách nhiệm giải trình
Việc hỗ trợ khẩn cấp, kịp thời mỗi khi có thiên tai, dịch bệnh, sự cố là rất cần thiết. Song cũng có những trường hợp cần quy định kéo dài thời gian giải ngân hỗ trợ, chẳng hạn như không phải hỗ trợ tiền mà hỗ trợ xây nhà thì có khi mất cả năm trời. Làm thế nào để các quy định này đáp ứng được nhu cầu thực tế đồng thời tránh được tiêu cực?
Sửa đổi quy định tạo điều kiện cho tổ chức cá nhân tham gia hoạt động từ thiện, vận động hỗ trợ không phải vấn đề khó mà cái khó nằm ở chỗ khác…
Chẳng hạn liên quan tới quy định về mức chi hay thời hạn giải ngân nguồn tiền hỗ trợ. Thực tế, hiện có rất nhiều tổ chức thiện nguyện có quy mô lớn, hoạt động mang tính chất thường xuyên.
Chẳng hạn như thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc và thành viên trong hệ thống của mình đã huy động được nguồn lực lớn với nhiều mục đích, hỗ trợ cả về nhất thời lẫn lâu dài sau khi thiên tai xảy ra.
Ví như thiệt hại bão lũ không chỉ làm chết người, sập nhà mà còn khiến những công trình trạm y tế, trường học bị sập đổ cần được xây dựng lại. Do đó, thời gian thực hiện phải mất cả năm, thậm chí vài năm. Như vậy thì có được hỗ trợ hay không? Quy định trong bao lâu? Tổ chức thiện nguyện có được giữ tiền lâu như thế hay không?
Các vấn đề này đã được đặt ra, tránh trường hợp huy động tiền hỗ trợ công trình thiện nguyện xong lại “gửi ngân hàng”, 5 năm vẫn chưa xây được thì ai kiểm soát? Đây cũng chính là điểm khó được nhiều bộ, ngành có ý kiến trong thời gian qua, cần làm rõ thêm.
Liệu quy định như vậy có mang tính nhạy cảm, nhất là đối với các tổ chức tôn giáo làm thiện nguyện?
Nếu sợ nhạy cảm thì không bao giờ ra quy định được! Quy định trên nhằm hướng hướng tới công khai minh bạch, tăng hiệu quả gắn với trách nhiệm giải trình đối với công tác từ thiện nhân đạo.
Lâu nay, người dân làm từ thiện dựa trên niềm tin với nhau chứ không hề có yêu cầu ràng buộc trách nhiệm gì đối với tổ chức thiện nguyện. Do đó rất cần có quy định tổ chức thiện nguyện có trách nhiệm công khai minh bạch đối với những người đóng góp; hình thức công khai và giám sát như thế nào cho hiệu quả thì cũng cần phải xem thêm.
Nói gì thì nói, khi một cá nhân, kể cả tổ chức đứng ra vận động, quyên góp được cả trăm tỷ đồng thì chắc chắn vẫn sẽ có ý kiến băn khoăn, thậm chí nghi ngờ việc phân phối có minh bạch hay không. Cơ chế giám sát, chế tài xử lý sẽ như thế nào và có được đưa vào Nghị định lần này hay không?
Chúng tôi không đưa chế tài cụ thể vào Nghị định. Bởi, tùy từng mức độ sai phạm đã có các văn bản luật khác quy định rõ. Nếu để thất thoát phải chịu trách nhiệm dân sự; trong trường hợp cố tình lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì lại quy chiếu sang trách nhiệm hình sự.
Ông có kỳ vọng khi Nghị định này ra đời, sẽ không còn những lo lắng không đáng có của những người có tâm đứng lên làm thiện nguyện, hay chấm dứt mọi sự lùm xùm quanh việc vận động, tiếp nhận và phân phối tiền, hàng từ thiện?
Nếu đúng với tâm từ thiện, trên tinh thần “lá lành đùm lá rách”, đúng thời điểm, đúng người, đúng việc thì không việc gì phải lo cả!
Cũng không thể khẳng định dự thảo Nghị định mới có thể giải quyết hết 100% các vấn đề trong hoạt động quyên góp hỗ trợ từ thiện. Do đó, chúng tôi hi vọng bằng cách xin ý kiến rộng rãi trên phương án đồng thuận cao nhất, Nghị định sẽ giải quyết được tối đa nhu cầu phát sinh trong thực tiễn.
Cảm ơn ông!
Ông Trần Đăng Tuấn (Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ trò nghèo vùng cao):
Thay đổi tư duy, thiết lập bản đồ từ thiện online
Giải pháp tối ưu hóa nguồn lực từ tâm của xã hội “lá lành đùm lá rách” không ở chỗ phân tích cái hay dở của từ thiện “tự phát”, không phải ở chỗ quy chế hóa hoạt động cứu trợ, cũng không ở chỗ nghi ngờ giữa khu vực xã hội dân sự và quản lý Nhà nước, mà chính là ở công nghệ thông tin.
Xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 64 phải dựa trên tư duy công nghệ 4.0. Đó mới chính là cách giúp cho các đơn vị quản lý chuyển từ mô hình “đưa lại đây, tôi phân phát vì tôi biết rõ hơn ai thiếu ai thừa” sang mô hình “các bạn hãy giúp đồng bào, tôi cùng các bạn đưa cho mọi người thông tin để các nguồn ủng hộ đến chỗ cần nhất, việc nên làm nhất”.
Chúng ta đã có Blue -zone thì Poor - zone hay cái gì đó tương tự là hoàn toàn khả thi, công nghệ thông tin giúp tối ưu hóa mọi nguồn lực và mọi phân công hợp lý, giảm thiểu rủi ro. Như vậy, Nhà nước hãy nắm lấy cơ hội mà mở ra một bản đồ từ thiện online. Theo đó, người quản lý ở địa bàn và mọi người làm công việc xã hội, mọi người dân sẽ là đồng tác giả của bản đồ này. Các nhóm thiện nguyện sẽ vào đó xác nhận những địa chỉ mình sẽ đi, dự kiến giá trị phần quà. Các nhóm khác sẽ dựa vào đó để phát bổ sung hoặc chuyển qua địa chỉ khác.
Nếu không thay đổi tư duy quản lý thì rất khó!
Bà Trương Thị Ngọc Ánh (Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam):
Giám sát nguồn lực cứu trợ một cách tập trung
Không phải tới thời điểm này chúng tôi mới lên tiếng về việc sửa đổi nội dung Nghị định 64 của Chính phủ. Gần một năm qua, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với Bộ Tài chính khảo sát tình hình và trao đổi với nhiều bên liên quan về nội dung này.
Có thể nhận thấy nhìn chung Nghị định 64 đã quy định khá cơ bản về hoạt động quyên góp và hỗ trợ. Chúng tôi chỉ mong muốn điều chỉnh một số nội dung theo hướng quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức tham gia công việc này nhưng không bó hẹp quyền được làm từ thiện của mọi người. Trên cơ sở đó sẽ có quy định việc quản lý giám sát nguồn lực một cách tập trung để đảm bảo phân bổ thiết thực, phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Cụ thể, theo quy định hiện hành, bên cạnh Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức khác cũng được đứng ra kêu gọi, vận động nhân dân ủng hộ. Tuy nhiên, các tổ chức này khi tiếp nhận nguồn lực, thường không chuyển về một đầu mối theo quy định. Đây là khó khăn lớn nhất. Bởi, nếu nguồn lực tập trung vào một đầu mối, sẽ được phân bổ hiệu quả hơn. Sự hỗ trợ mà phân tán sẽ khó đạt hiệu quả cao.
Đối với cá nhân đứng ra kêu gọi quyên góp cứu trợ, cũng cần phải có cơ chế phù hợp để kiểm soát, thúc đẩy tính công khai, minh bạch. Bởi, theo quy định, một đồng tiếp nhận từ người hỗ trợ phải được chuyển đủ một đồng đến với người cần hỗ trợ. Nghĩa là những chi phí phục vụ cho hoạt động cứu trợ cần do ngân sách Nhà nước hoặc cá nhân tự đảm bảo. Chẳng hạn, Mặt trận Tổ quốc nhận được 1 tỷ đồng ủng hộ, thì chúng tôi sẽ chuyển một tỷ đồng đến địa phương cần cứu giúp. Còn việc đi lại, ăn ở của chúng tôi do ngân sách đảm bảo.
Việc làm từ thiện không hạn chế với bất cứ cá nhân, tổ chức nào. Ai cũng có quyền vận động để hỗ trợ những người gặp khó khăn, hoạn nạn. Nhưng làm thế nào để đồng tiền cứu trợ được sử dụng thiết thực, ý nghĩa mới là vấn đề.
Lòng tốt thì không ai hạn chế, nhưng dù là cá nhân hay tổ chức, khi đã đứng ra kêu gọi quyền góp ủng hộ thì phải theo quy định để đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Ông Trần Quốc Hùng (Phó Chủ tịch T.Ư Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam):
Đề xuất 5 bước trong quy trình hoạt động từ thiện
Để tránh những nội dung có thể dẫn tới xung đột hiện nay như trong Nghị định 64, tôi cho rằng, Nghị định mới vừa tạo điều kiện khuyến khích mọi người tham gia từ thiện đồng thời phải thống nhất cơ chế quản lý và phân phối nguồn lực hỗ trợ.
Nguyên tắc Nhà nước sẽ giao cho một số cơ quan có chức năng pháp lý với hệ thống đủ năng lực và kinh nghiệm để ra lời kêu gọi, tiếp nhận và phân phối nguồn lực hỗ trợ phù hợp theo nguyện vọng của người hỗ trợ và tình hình thực tiễn; sau đó các cơ quan này phải có trách nhiệm giải trình minh bạch. Đây là một hình thức để giám sát, quản lý để tránh tình trạng trục lợi.
Quy định như vậy vừa đảm bảo tính chặt chẽ nhưng cũng không làm khó khăn cho cá nhân muốn tham gia từ thiện. Chúng tôi cũng kiến nghị cần có chế tài cụ thể hơn, cập nhật trong tình hình mới, tránh nhập nhằng giữa ranh giới “anh hùng với tội phạm” trong hoạt động thiện nguyện.
Thời gian qua, Hội Chữ thập đỏ đã nhiều lần kiến nghị tới Bộ Tài chính và Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần thống nhất 5 bước trong quy trình hoạt động từ thiện. Theo đó Mặt trận Tổ quốc sẽ là cơ quan ra lời kêu gọi đóng góp; sau đó Hội Chữ thập đỏ sẽ đứng lên tiếp nhận và chủ trì tổ chức triển khai nguồn lực. Tới khâu kiểm tra giám sát sẽ do Mặt trận Tổ quốc chủ trì; cuối cùng Hội Chữ thập đỏ sẽ đề xuất tôn vinh và Mặt trận Tổ quốc chủ trì trao thưởng.
Đề xuất này nhằm mục đích đưa về 1 đầu mối tiếp nhận trong nước và quốc tế, sau đó công tác điều phối phân bổ sẽ có hiệu quả tốt hơn. Có như vậy mới chủ động đánh giá được bức tranh toàn cảnh, tránh tình trạng khoảng trống trong cứu trợ, nơi nhiều, nơi lại không được gì.
Cũng cần được nhấn mạnh, không nhất thiết các nguồn lực cứu trợ phải chuyển trực tiếp tới cơ quan đầu mối phân bổ nguồn lực. Nói cách khác, cơ quan này có nhiệm vụ tư vấn thông tin, hỗ trợ mọi cá nhân hay tổ chức có nhu cầu từ thiện.
Tôi cũng khẳng định, toàn bộ nguồn tiền hàng cứu trợ thiên tại dịch bệnh được chuyển tới Hội Chữ thập đỏ sẽ không bị hao hụt một chút nào bởi toàn bộ chi phí hoạt động của Hội đã được Nhà nước chi trả.
Tin nổi bật
Tin Video