Sự trung thành đến phút cuối của Ngoại trưởng Mike Pompeo với Tổng thống Trump
Ngoại trưởng Mike Pompeo trung thành tuyệt đối với những gì ông đã nhận nhiệm vụ từ Tổng thống Mỹ Donald Trump cho đến ngày cuối cùng tại nhiệm.
Trong những ngày cuối cùng nhiệm kỳ Tổng thống của ông Donald Trump, nhà ngoại giao hàng đầu, Ngoại trưởng Mike Pompeo vẫn thể hiện sự trung thành kiên định, ngay cả khi những người khác tỏ ra xa cách hoặc từ chức vì không đồng tình với Tổng thống.
Ông Pompeo, không những thế tiếp tục lên tiếng bênh vực ông Trump, chỉ trích những người đã bỏ đi. Điều này, theo NBC, có thể làm hài lòng những người ủng hộ ông Trump và từ đó có lợi cho tham vọng tranh cử Tổng thống của chính Pompeo.
"Tôi nghĩ lịch sử sẽ ghi nhớ chúng ta rất rõ", Pompeo nói với một nhóm các thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện chỉ vài ngày sau khi đám đông ủng hộ ông Trump xông vào điện Capitol ngày 6/1.
"Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều thấy bạo lực diễn ra ở nơi mà tất cả các bạn làm việc, điện Capitol, là thảm kịch, nhưng tôi đã chứng kiến mọi người rời bỏ vị tổng thống này. Họ không hiểu người dân Mỹ”, Pompeo nói.
Tương lai gắn liền với Trump
Mối quan hệ gần gũi của Pompeo với Trump đã khiến ông trở thành nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ. Cả những người ủng hộ ông và những người chỉ trích ông đều tin rằng Pompeo đã làm việc để bước vào hàng ngũ kế vị chính trị, cho dù Trump vẫn là lãnh đạo hay sẽ tạo ra nhà lãnh đạo tiếp theo.
Pompeo chấp nhận sự hoài nghi của Trump đối với các đồng minh châu Âu và các tổ chức quốc tế, cùng có những phát ngôn “không kiêng dè” giống như Tổng thống. Ông cũng bỏ qua một quy tắc bất thành văn khi các ngoại trưởng được cho là phải tránh các cuộc tranh chấp đảng phái, khi không ngần ngại nhắm vào chính quyền tiền nhiệm và các đảng viên Dân chủ trong Quốc hội.
Ông từng chỉ trích cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama là "ngu ngốc" khi ủng hộ một hiệp ước kiểm soát vũ khí mang tính bước ngoặt, được cả chính quyền Cộng hòa và Dân chủ ủng hộ.
Pompeo đạt được điều mà ít người có thể trong chính quyền: Xây dựng mối liên hệ trực tiếp với Tổng thống Trump. Người tiền nhiệm của ông, Rex Tillerson, cùng với các thành viên nội các khác và các quan chức cấp cao, đã xung đột với Trump, gây ra những "cơn thịnh nộ Twitter".
Nhưng Pompeo vẫn ở lại.
Do đó, các chính phủ nước ngoài tin rằng Pompeo có ảnh hưởng với Trump.
"Khi bạn đi vòng quanh thế giới và gặp gỡ các nhà lãnh đạo hoặc khi bạn nói chuyện với họ qua điện thoại, họ cần biết rằng bạn có mối quan hệ với Tổng thống ở mức độ có thể thay mặt ông ấy phát ngôn", Pompeo nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Bloomberg.
Những người ngưỡng mộ Pompeo, và thậm chí một số người chỉ trích ông, nói ông đã hướng Trump đi theo một con đường mang tính xây dựng hơn.
Đánh đổi
Các nhà ngoại giao ban đầu cảm thấy nhẹ nhõm khi ông Pompeo đến, loại bỏ các sáng kiến không được ưa chuộng của cựu Ngoại trưởng Tillerson để cải tổ Bộ Ngoại giao Mỹ và nâng một số quan chức ngoại giao có kinh nghiệm lên các vị trí cấp cao.
Nhưng sau đó, Tổng thống vướng vào cuộc điều tra luận tội liên quan đến Ukraine, Trump và những người ủng hộ ông cáo buộc các nhà ngoại giao từ chối hợp tác điều tra Joe Biden và con trai Hunter.
Pompeo đã chọn không "qua mặt" Trump. Và các nhân viên tại Bộ Ngoại giao sốc khi Marie "Masha" Yovanovitch, một nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm, đột ngột bị loại khỏi vị trí đại sứ tại Ukraine.
"Điều đó khiến những người trong Bộ Ngoại giao vô cùng lo lắng, bởi vì Masha được tôn trọng và yêu mến", một cựu quan chức ngoại giao cấp cao nói.
Trong một đòn giáng mạnh vào Pompeo, Michael McKinley, một nhà ngoại giao từng là cố vấn cấp cao của ông, đã từ chức vì tức giận. Sau vụ Ukraine, Pompeo được cho là đã đánh mất niềm tin của nhiều người.
Đặt nền móng cho năm 2024
Khi nhiệm kỳ của Trump kết thúc, trong khi hầu hết các nhân vật cấp cao không để lại dấu ấn nổi bật, Pompeo lại khác. Ông đưa ra một loạt các quyết định chính sách và các dòng tweet, thể hiện mình là một ngoại trưởng làm nên lịch sử và một trợ lý trung thành của Tổng thống.
Trong tháng này, Pompeo đã lật ngược chính sách lưỡng đảng trong nhiều thập kỷ và dỡ bỏ các hạn chế với Đài Loan, xem lực lượng Houthi ở Yemen là khủng bố, chỉ định Cuba là nhà nước bảo trợ khủng bố và tuyên bố Iran đã trở thành một "căn cứ địa" cho Al Qaeda.
Các tuyên bố nhanh chóng gây ra sự đau đầu cho đội ngũ của Biden, vì rõ ràng là đang đi ngược lại với kế hoạch chính sách của họ. Tuy nhiên, việc Pompeo hoạch định ra các chính sách diều hâu như vậy có thể sẽ có hiệu quả với các cử tri đảng Cộng hòa, bao gồm cả những người Mỹ gốc Cuba ủng hộ Trump, theo NBC.
Các động thái gần đây của Pompeo "không chỉ được hoạch định để gây khó khăn cho Biden về mặt ngoại giao mà còn để ông có thể đến các khu vực bầu cử chủ chốt của mình và tuyên bố, 'tôi đã đứng lên vì bạn, không giống như người khác'", theo Laura Kennedy, một đại sứ đã nghỉ hưu.
Các biện pháp trừng phạt
Ngoại trưởng Pompeo lập luận rằng nước Mỹ dưới thời Trump đã đẩy lùi các đối thủ và chế độ bất hảo, đứng lên chống lại Trung Quốc về thương mại và các vấn đề khác và rút khỏi các tổ chức quốc tế hoặc các thỏa thuận đa phương không còn phục vụ lợi ích của nước này. Nhưng những người chỉ trích thì nói rằng chính quyền Trump xa lánh đồng minh, làm suy yếu quyền lực mềm của Mỹ và tiến lại gần với các nhà độc tài.
Trong đó, các biện pháp trừng phạt trở thành vũ khí ngoại giao được ưa chuộng của Pompeo và chính quyền Trump dù chúng có thực sự hiệu quả hay không. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: "Dưới sự lãnh đạo của Ngoại trưởng Pompeo, Mỹ đã tạo ra những thành tựu lịch sử". Họ nhắc đến ví dụ như việc một số chính phủ Ả-rập công nhận Israel, được xem là một bước đột phá ngoại giao thực sự ở Trung Đông.
Trong khi các sáng kiến do cố vấn kiêm con rể Tổng thống Trump là Jared Kushner dẫn đầu, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng chiến dịch "gây áp lực tối đa" với Iran đã giúp tạo cơ sở cho các nước Ả-rập đạt được bước tiến nhảy vọt.
Làm mờ ranh giới
Các chuyến công du trong nước của Pompeo, các vụ tấn công đảng phái của ông và các cuộc gặp gỡ của ông với các nhà tài trợ đảng Cộng hòa đều đặt ra câu hỏi về việc liệu ông có đang sử dụng cơ hội để thúc đẩy sự nghiệp chính trị của mình hay không.
Pompeo đã tổ chức những bữa tối sang trọng trong Phòng Madison tại Bộ Ngoại giao, theo NBC News, trong đó các nhà tài trợ của Đảng Cộng hòa, cũng như các nhà lập pháp và thẩm phán Tòa án Tối cao được mời.
Việc ông có thể đang làm mờ ranh giới giữa hoạt động chính phủ hợp pháp và hoạt động chính trị đã khiến Quốc hội, Văn phòng Luật sư đặc biệt và Tổng thanh tra của Bộ Ngoại giao yêu cầu kiểm tra.
Pompeo khuyến nghị Trump sa thải Tổng thanh tra Steve Linick, người đã mở một số cuộc điều tra về ông. Quyết định này khiến các nhà lập pháp Dân chủ khởi động cuộc điều tra của riêng họ về vụ việc loại bỏ Linick. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, Gregory Meeks, cho biết cuộc điều tra sẽ tiếp tục. Pompeo khẳng định rằng động thái của ông không phải là hành động trả đũa.
Trong các giao tiếp báo chí, Pompeo dường như cũng giống Trump, đả kích giới truyền thông là một phe cánh tả có ý định làm xấu mặt Tổng thống. Ông gọi các câu hỏi của các phóng viên tại các cuộc họp báo là "điên rồ", "lố bịch" và "nực cười", và ông ủng hộ việc trả lời phỏng vấn cho các tờ báo nổi tiếng với quan điểm cánh hữu.
Mối quan hệ gay gắt của Pompeo với giới truyền thông có thể có tác động tới các cử tri đảng Cộng hòa nếu ông quyết định ứng cử cho đề cử của đảng trong 4 năm nữa. Hiện tại, ông đã từ chối nói về những gì sẽ làm sau thời gian ở Bộ Ngoại giao, nhưng khuyến khích những người theo dõi trên Twitter tiếp tục theo dõi.
"Được phục vụ với tư cách là Ngoại trưởng của bạn là vinh dự của cả cuộc đời tôi", ông viết. "Bạn có thể tiếp tục theo dõi tôi tại @mikepompeo".
Tin nổi bật
Tin Video