Sự thật về tấm ảnh 'Trung tâm CTXH Vĩnh Long để cụ bà ngủ giường gắn bồn cầu'
Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội gây xôn xao dư luận được chụp tại Trung tâm Công tác Xã hội tỉnh Vĩnh Long, nhưng chưa thể hiện đúng bản chất sự việc.
Sáng 28/6, ông Võ Văn Tấn Hùng, Giám đốc Trung tâm Công tác Xã hội tỉnh Vĩnh Long, thông tin về tấm hình giường nuôi dưỡng người già ở Vĩnh Long xây bằng gạch men có gắn bồn cầu ở giữa gây xôn xao mạng xã hội những ngày qua.
Theo ông Hùng, Trung tâm Công tác Xã hội tỉnh Vĩnh Long, chăm sóc, nuôi dưỡng hơn 200 trường hợp từ trẻ sơ sinh bị bỏ rơi cho đến những cụ già không nơi nương tựa.
Thời gian trước, nhiều người cao tuổi, khuyết tật khi được đưa vào trung tâm bị suy kiệt sức khỏe, khuyết tật nặng hoặc bị tai biến, không thể tự sinh hoạt cá nhân. Mỗi cụ có giường cá nhân riêng theo quy định, mỗi phòng 6 giường và có nhà vệ sinh riêng cho từng phòng.
Tuy nhiên, do không còn tự chủ được, nhiều cụ tiểu tiện tại chỗ, gây hôi thối, mất vệ sinh, ảnh hưởng cuộc sống của các cụ xung quanh. Cán bộ chăm sóc phải hết sức vất vả để chăm sóc các cụ này. Nhiều đoàn khách đến thăm trung tâm than phiền khu vực người cao tuổi quá hôi thối.
Trước thực tế đó, từ năm 2011, trên cơ sở tham khảo nhiều đơn vị, Ban Giám đốc Trung tâm cho thiết kế loại giường có gắn ống thông ra bên ngoài và có nắp đậy dạng bồn cầu. Loại giường này giúp các cụ không thể đi lại, sức khỏe yếu đi vệ sinh thuận tiện và khi cán bộ chăm sóc đỡ vất vả hơn nhiều trong điều kiện đơn vị còn thiếu nhân lực phục vụ.
Giường có chiều dài 215 cm, rộng 115 cm, cao 70 cm, được xây bằng gạch, ốp gạch men, ở gần cuối giường có một lỗ tròn có nắp chứa bồn vệ sinh gắn ống thông ra ngoài. Giường lót tấm nhôm nhẹ và trải chiếu để nằm.
Khi các cụ đi vệ sinh, hoặc khi nhân viên chăm sóc, tắm rửa, sẽ kéo chiếu và tấm nhôm, mền gối lên để lau dọn.
“Loại giường này chỉ dành cho các cụ tai biến mạch máu não, các trường hợp không đi được, tiểu tiện, đại tiện tại chỗ… Trước đó, khi các cụ nằm ở giường bình thường thì rất hôi thối nên trung tâm mới nghiên cứu, đưa ra phương án về chiếc giường này. Từ khi có giường cho các cụ tiêu tiểu tại chỗ, không còn hôi thối nữa. Mỗi lần vệ sinh xong bồn cầu được đạy lại. Tiếp theo là lót tấm nhôm rồi lót thêm tấm chiếu”, ông Hùng lý giải.
Cũng theo ông Hùng, hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội những ngày qua được chụp từ năm 2015. Lúc nhân viên chuẩn bị vệ sinh cho các cụ nên tấm nhôm và chiếu được lấy ra khỏi giường để lau rửa. Cụ bà trong tấm hình lan truyền trên mạng đã mất cách đấy mấy năm. Khi được đưa vào trung tâm, cụ này bị mù, liệt 2 chân và bị đãng trí, vệ sinh cá nhân tại chỗ.
Hiện, Trung tâm Công tác Xã hội tỉnh Vĩnh Long vẫn còn 6 cụ khuyết tật đang sử dụng loại giường nói trên, trung tâm cũng xây dựng một khu riêng gồm 5 phòng với 30 giường được thiết kế tương tự.