Tin tức

Sứ mệnh khôi phục vị thế nước Mỹ: Ông Biden gặp khó

Mục tiêu của ông Biden là khôi phục vị thế lãnh đạo của Mỹ trên thế giới và thống nhất nội bộ đất nước, nhưng cam kết của ông chưa thuyết phục các nước đồng minh.

03/03/2021 09:15

Sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden cũng kế thừa cục diện khó xử do người tiền nhiệm để lại. Cựu Tổng thống Donald Trump đã làm mất lòng các nước vốn có quan hệ tốt với Mỹ trong cuộc họp với các nước đồng minh vào năm 2018. Ông Trump cáo buộc các nước đối tác “cướp đoạt” nước Mỹ và thiếu tôn trọng nước chủ nhà Canada.

Xuất phát từ sự kiện năm 2018, Canada trở thành yếu tố quan trọng trên con đường giành lại vị thế lãnh đạo của Mỹ trên chính trường quốc tế của ông Biden. Chính quyền của tân Tổng thống đang nỗ lực cải thiện quan hệ đồng minh với thông điệp: "Mỹ đã trở lại".

Sứ mệnh khôi phục vị thế nước Mỹ: Ông Biden gặp khó - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden

Nhưng thực tế cho thấy sứ mệnh mà ông Biden đặt ra không hề đơn giản. Bởi các đồng minh Mỹ hiểu, chủ nghĩa Trump (Trumpism) luôn có thể quay lại, có thể khi chính Donald Trump tái tranh cử vào năm 2024, hoặc từ bất kỳ một nhà lãnh đạo tiềm năng nào khác của Mỹ.

Trong bối cảnh Mỹ chia rẽ chính trị sâu sắc và khả năng thế hệ lãnh đạo lại phải thay đổi 4 năm tới, không chỉ các nước đối địch mà cả đồng minh đều hoài nghi về giá trị của các cam kết từ nước này. Do đó, đồng minh Mỹ phải cân nhắc các phương án dự phòng như lực lượng an ninh châu Âu và mở rộng thương mại với Trung Quốc. Ngay cả những nước thân cận nhất với Mỹ, điển hình là Anh, cũng lực chọn tương tự.

“Các đồng minh Biden có lý do chính đáng rằng họ nhận ra chủ đề của cuộc bầu cử Tổng thống trong vài năm qua 'không hoàn toàn là chính trị như thường lệ’. Đó là chủ đề mà họ hiểu rằng mình sẽ phải đương đầu", Karen Pierce, đại sứ Anh tại Mỹ, nói.

Ông Jake Sullivan, cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, cho biết việc chia rẽ trong nội bộ Mỹ đang khiến các nhà lãnh đạo nước ngoài băn khoăn về uy tín của nước này.

Theo ông Sullivan, Tổng thống Biden đã trực tiếp giải đáp những hoài nghi đó trong các cuộc hội đàm với những người đồng cấp nước ngoài. Ông Biden cũng nhấn mạnh về lịch sử ủng hộ của lưỡng đảng ở Mỹ với các thể chế như NATO.

“Tổng thống đã đưa ra ví dụ thuyết phục về nguyên nhân tại sao không thể xét riêng một đảng hay một vị Tổng thống cụ thể, rằng bốn năm qua chỉ là một nét lệch chứ không phải một điều bình thường mới”, ông Sullivan cho biết.

Sứ mệnh khôi phục vị thế nước Mỹ: Ông Biden gặp khó - Ảnh 2.

Kể từ khi nhậm chức, ông Biden đã trao đổi với khoảng 10 nguyên thủ nước ngoài

Bước đầu ngoại giao

Kể từ khi nhậm chức, ông Biden đã trao đổi với khoảng 10 nguyên thủ nước ngoài. Ngoài việc đưa Mỹ trở lại NATO, Liên hợp quốc và nỗ lực ngăn chặn biến đổi khí hậu, tân Tổng thống cũng gắn liền các chương trình nghị sự toàn cầu của Mỹ với việc chống dịch COVID-19 và vấn đề chia rẽ nội bộ đất nước.

“Công tác nội bộ rất quan trọng đối với uy tín của chúng tôi trên chính trường quốc tế”, ông Sullivan nói trích dẫn thông điệp của Tổng thống Biden.

Tuy ông Biden đã đưa Mỹ trở lại hiệp định khí hậu Paris, nỗ lực nối lại thỏa thuận hạt nhân Iran, gia nhập lại tổ chức Y tế Thế giới và hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, nhưng nhà lãnh đạo tiếp theo rất có thể sẽ đảo ngược tất cả các quyết định đó.

Hiện thách thức lớn của Tổng thống Biden là thuyết phục các đồng minh Mỹ rằng khả năng này rất khó xảy ra.

"Mỹ quyết tâm nối lại liên kết với châu Âu, để tham khảo ý kiến của các bạn, để giành lại vị trí lãnh đạo đáng tin cậy của chúng tôi", ông Biden nói trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại đầu tiên trên cương vị Tổng thống.

Vài ngày sau khi đưa ra tuyên bố trên, ông Biden có cuộc gặp trực tuyến với Thủ tướng Canada Justin Trudeau, nhà lãnh đạo từng bị ông Trump chỉ trích là “thiếu trung thực và yếu kém". Ông Trudeau là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên tham quan Nhà Trắng qua video.

Ông Biden cũng đồng thuận với tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương về nguyên tắc tấn công một thành viên NATO là tấn công tất cả, đi ngược lại với ý kiến của người tiền nhiệm Trump. Tân Tổng thống cũng trấn an các đồng minh lớn ở châu Á rằng Mỹ sẽ không bỏ rơi họ hay đột ngột cho rút quân.

Các hành động của ông Biden đã được các nước đồng minh từng bị ông Trump hạ thấp chào đón.

Thủ tướng Trudeau cảm ơn Tổng thống Biden về những thay đổi trong phong cách và nội dung của cuộc hội đàm.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đáp lại thông điệp của ông Biden: “Tôi tin rằng châu Âu đang nhận ra tầm quan trọng của việc gia nhập cùng các đồng minh Mỹ để một lần nữa khám phá khả năng lãnh đạo với tầm nhìn xa, tinh thần phiêu lưu và sự thống nhất xuyên Đại Tây Dương từng giúp hai lục địa của chúng ta trở nên vĩ đại”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng hưởng ứng lời cam kết của ông Biden về các vấn đề ở châu Âu và liên minh NATO, đồng thời nói rằng một số nền độc lập ở châu Âu do ông Trump tác động nên được duy trì.

Theo đại sứ Pierce của Anh, dù bối cảnh có thay đổi, vị thế của Mỹ vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc các nước khác xác định vị thế của chính họ: “Thật đáng chú ý khi sự lãnh đạo của Mỹ có xu hướng định hướng mọi việc, nếu thiếu đi nó, mọi thứ sẽ có xu hướng đình trệ”.

Sứ mệnh khôi phục vị thế nước Mỹ: Ông Biden gặp khó - Ảnh 3.

Ông Biden có cuộc gặp trực tuyến với Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Ảnh: Reuters

Nỗi lo “chủ nghĩa Trump”

Trả lời các e ngại từ phía quốc tế về cuộc bạo loạn ở Điện Capitol hôm 6/1, ông Sullivan cho biết: “Về việc liệu Mỹ có nền tảng vững chắc để gắn kết thế giới một cách hiệu quả hay không, câu trả lời của Tổng thống là, 'chúng tôi hoàn toàn có khả năng đưa đất nước trở lại thống nhất - nhưng chúng tôi còn nhiều việc phải làm’ ”.

Ian Bremmer, chủ tịch công ty Eurasia Group, cho biết: “Hầu hết các đồng minh quốc tế đều vui mừng khi thấy bất kỳ ai ngoài ông Trump đảm nhiệm vị trí Tổng thống, và ông Biden chính là ‘bất kỳ ai trừ Trump’ ”.

Tuy nhiên, ông Bremmer cũng lưu ý rằng các nhà lãnh đạo nước ngoài cảm thấy thất vọng khi nền chính trị Mỹ dường như không thay đổi sau sự kiện Capitol. Cộng đồng toàn cầu lo ngại rằng một nhà lãnh đạo có tư tưởng giống với Donald Trump sẽ trở lại.

Đáng chú ý là một số ứng cử viên Tổng thống tiềm năng của đảng Cộng hòa năm 2024 nằm trong số những người ủng hộ việc lật lại kết quả bầu cử 2020. Nhiều đảng viên Cộng hòa tiềm năng khác thì tham dự hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ tổ chức cuối tuần vừa qua. Tại đây, cựu Tổng thống Donald Trump tiếp tục phát biểu về việc cuộc bầu cử 2020 đã “bị đánh cắp”.

Sứ mệnh khôi phục vị thế nước Mỹ: Ông Biden gặp khó - Ảnh 4.

Các nhà lãnh đạo quốc tế e ngại sự trở lại của “chủ nghĩa Trump”

Ưu tiên đối nội

Ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Biden là xử lý hậu quả của đại dịch COVID-19. Chính quyền của ông hiện đang gặp khó khăn trong việc thúc đẩy gói cứu trợ khổng lồ do quốc hội Mỹ bị chia rẽ. Việc này làm chậm trễ quá trình xác nhận các quyết định mới, cũng như việc đẩy nhanh chiến dịnh tiêm chủng toàn quốc.

Hiện các quan chức Mỹ không thể tiến hành ngoại giao cá nhân vì đại dịch. Dù liên bang của Mỹ có đầu tư hàng tỷ USD và việc tiêm chủng được thực hiện, nền kinh tế nước này vẫn cần hàng tháng để vực dậy. Tổng thống Biden và Ngoại trưởng Antony Blinken cũng cần một khoảng thời gian tương đương để bắt đầu thực hiện các chuyến thăm nước ngoài .

Robert Zoellick, cựu chủ tịch ngân hàng Thế giới từng là quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao dưới thời Tổng thống George W. Bush, cho biết Tổng thống Biden hiện đang tập trung vào đối nội, cụ thể là chống dịch và phục hồi kinh tế.

Cố vấn Sullivan của Nhà Trắng cho biết công tác chống dịch của Mỹ bao gồm cả sứ mệnh toàn cầu: “Chúng ta không chỉ phải thực hiện tiêm chủng ở Mỹ mà còn cần xây dựng hệ thống y tế công cộng trên toàn cầu để phát hiện và ngăn chặn đại dịch tiếp theo”.

Dù Mỹ còn nhiều chính sách đối ngoại có tính khẩn cấp cần giải quyết, như việc thúc đẩy lập lại thỏa thuận hạt nhân Iran, các nhà ngoại giao cho biết phía đồng minh Mỹ thông cảm và muốn tạo điều kiện cho tân Tổng thống.

Sứ mệnh khôi phục vị thế nước Mỹ: Ông Biden gặp khó - Ảnh 5.

Ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Biden là xử lý hậu quả của đại dịch COVID-19

Chính sách thời Trump khó loại bỏ

Chính sách toàn cầu của Tổng thống Biden tương đối phức tạp, ông không vội vàng đảo ngược tất cả chính sách của người tiền nhiệm.

Ví dụ điển hình là việc ông không dỡ bỏ thuế quan trừng phạt của ông Trump đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Tân Tổng thống dự định sử dụng các khoản thuế này làm đòn bẩy trong cuộc đại tu quan hệ Mỹ - Trung Quốc.

Ông cũng giữ nguyên mức thuế đối với mặt hàng thép và nhôm, dù các nước đồng minh quân sự châu Âu cho rằng mức thuế này là một sự xúc phạm. Cựu Tổng thống Donald Trump đã áp đặt thuế này với các nước mà ông cho là đe dọa đến an ninh của Mỹ.

Ông Biden cũng gây thất vọng cho đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ là Canada với lệnh “Mua hàng Mỹ”. Lệnh được ban hành nhằm củng cố niềm tin của những công nhân Mỹ gặp khó khăn trong thời kỳ suy thoái kinh tế, nhưng các công ty Canada lo sợ rằng lệnh có thể khiến họ bị loại khỏi các hợp đồng của chính phủ Mỹ. Không chỉ vậy, Tổng thống còn từ chối cấp phép cho dự án đường ống Keystone XL trị giá 9 tỷ USD, giáng một đòn chí mạng vào dự án vận chuyển 830.000 thùng dầu mỗi ngày từ tỉnh Alberta (Canada) đến bang Nebraska (Mỹ).

Ý kiến của bạn