Sử dụng thuốc điều trị COVID-19 tại nhà, cần lưu ý gì?
Những lưu ý về việc sử dụng thuốc điều trị COVID-19 tại nhà cho trẻ em và người trên 18 tuổi.
Theo tài liệu hướng dẫn quản lý, điều trị và chăm sóc người bệnh COVID-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà của Sở Y tế Hà Nội, thuốc điều trị COVID-19 tại nhà cho người trên 18 tuổi gồm 3 nhóm. Nhóm A là những thuốc thông dụng bao gồm thuốc hạ sốt và thuốc nâng cao thể trạng. Trong đó, sử dụng Paracetamol 500mg (uống 1 viên khi sốt nếu sốt trên 38, có thể lặp lại mỗi 4 giờ đến 6 giờ nếu vẫn còn sốt); vitamin tổng hợp (uống 1 viên/lần/ngày); vitamin C (sáng 1 viên, tối 1 viên).
Nhóm B, là thuốc kháng viêm và thuốc chống đông chỉ sử dụng trong tình huống đặc biệt. Người bệnh khi cảm thấy khó thở (thở hụt hơi, thở khó tăng lên khi vận động, nhịp thở khi nghỉ ngơi lớn hơn 20 lần/phút hoặc đo Sp02 nhỏ hơn hoặc bằng 96%) phải liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn, hỗ trợ. Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng bệnh, nếu có chỉ định nhập viện, bác sĩ sẽ cho người bệnh sử dụng 1 liều duy nhất trước khi chuyển viện.
Thuốc được dùng là Dexamethasone 0,5 mg x12 viên uống 1 lần, (12 viên tương đương 6 mg) hoặc Methylprednisolone 16mg x 1 viên uống. Rivaroxaban 10 mg x 1 viên uống hoặc Apixaban 2,5 mg x 1 viên uống hoặc Dabigatran 220 mg x 1 viên uống.
Hướng dẫn cũng lưu ý không sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú, người mắc một trong những bệnh (viêm loét dạ dày tá tràng, suy gan, suy thận, các bệnh lý dễ gây chảy máu đường tiêu hóa, đường tiết niệu và các bệnh lý dễ gây chảy máu khác.
Nhóm C, là thuốc kháng virus. Thuốc được dùng là Molnupiravir viên 200 mg hoặc viên 400 mg uống ngày 2 lần (sáng 800 mg, chiều 800 mg), uống 5 ngày liên tục. Hoặc Favipiravir viên 200 mg (ngày đầu 1600 mg/lần x 2 lần/ngày), uống từ 7-14 ngày.
Ở nhóm này chống chỉ định không sử dụng trong trường hợp phụ nữ đang có thai hoặc có kế hoạch có thai, đang cho con bú.
Với thuốc điều trị COVID-19 tại nhà cho trẻ em, hướng dẫn của Bộ Y tế nêu rõ, hạ sốt khi nhiệt độ lớn hơn hoặc bằng 38,5 độ C sử dụng Paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần mỗi 6 giờ. Thuốc điều trị ho sẽ ưu tiên dùng thuốc ho thảo dược.
Theo hướng dẫn, cần cho trẻ uống nhiều nước, đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh thân thể, răng miệng, mũi họng. Hướng dẫn cũng lưu ý việc theo dõi cho trẻ như sau: Đo thân nhiệt tối thiểu 2 lần/ngày hoặc khi cảm thấy trẻ sốt. Đo SpO2 (nếu có thiết bị) tối thiểu 2 lần/ngày hoặc khi cảm thấy trẻ mệt, thở nhanh/khó thở.
Khi thấy trẻ xuất hiện triệu chứng bất thường cần báo nhân viên y tế như: sốt lớn hơn hoặc bằng 38,5 độ C, tức ngực, đau rát họng, ho, cảm giác khó thở, tiêu chảy, SpO2 <96% (nếu đo được), trẻ mệt, không chịu chơi, ăn/bú kém.
Dấu hiệu chuyển nặng cần báo cấp cứu 115 hoặc tổ y tế cộng đồng để được cấp cứu tại nhà hoặc đưa trẻ đến bệnh viện ngay: thở nhanh theo tuổi, cánh mũi phập phồng, rút lõm lồng ngực.