Tin tức

Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ, cảnh báo lạm phát có thể lên tới 40%

(VOVTV) - Lần đầu tiên trong lịch sử đất nước, Sri Lanka chính thức rơi vào tình trạng vỡ nợ. Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ nước này đang vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế, bất ổn chính trị và các cuộc biểu tình của người dân trên toàn quốc.

Tác giả Phan Tùng / VOV New Delhi
20/05/2022 08:50

Trong một cuộc họp ngày 19/5, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Sri Lanka Nandalal Weerasinghe cho biết, Chính phủ nước này đã thông báo với các chủ nợ rằng không còn khả năng trả các khoản nợ cho tới khi tái cơ cấu xong các khoản nợ này. Vì vậy, Sri Lanka được quyền tuyên bố vỡ nợ.

Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ, cảnh báo lạm phát có thể lên tới 40% - Ảnh 1.

Những người cầm biểu ngữ trong cuộc biểu tình đòi bắt giữ cựu Thủ tướng Mahinda Rajapaksa, trong bối cảnh đất nước đang khủng hoảng kinh tế ở Colombo, Sri Lanka, ngày 17/5/2022. Ảnh: Reuters

Các khoản thanh toán trái phiếu, vốn đến hạn vào ngày 18/4 trị giá khoảng 78 triệu USD, đi kèm với tín phiếu đáo hạn vào năm 2023 và 2028, thời gian ân hạn 30 ngày đã hết hạn vào ngày 18/5. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Sri Lanka cho biết, lạm phát vẫn đang tiếp tục leo thang tại nước này và có thể lên tới 40% trong những tháng tới.

Việc đồng nội tệ rupee mất giá mạnh, cùng khủng hoảng kinh tế khiến Sri Lanka thiếu hụt ngoại tệ để nhập khẩu lương thực và nhiên liệu. Cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng thổi bùng sự tức giận của người dân trước thành tích điều hành kinh tế yếu kém của chính quyền. Hồi tháng 4, Chính phủ Sri Lanka tuyên bố ngừng trả khoản nợ nước ngoài trị giá 12,6 tỷ USD để giành ngoại tệ cho việc nhập khẩu hàng hóa thiết yếu.

Sri Lanka hiện đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về các gói cứu trợ và cần đàm phán tái cơ cấu nợ với các chủ nợ. Trước đó, Chính phủ nước này cho biết cần 3 - 4 tỷ USD để thoát khỏi khủng hoảng hiện tại.

Ý kiến của bạn