Thế giới

Sông băng trên cực thứ 3 của thế giới sắp biến mất

Các dòng sông băng trên dãy Qilian (Kỳ Liên Sơn) dài 800km ở Cam Túc, tây bắc Trung Quốc đang tan chảy và có thể biến mất vào giữa thế kỷ này.

Tác giả Lương Anh / Reuters
13/11/2020 00:16

Theo cảnh báo của các nhà khoa học Trung Quốc, các dòng sông băng trên dãy Qilian ở Cam Túc, tây bắc Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục thu hẹp và thậm chí biến mất vào khoảng giữa thế kỷ này. Đây là lời cảnh báo về số phận của hàng chục nghìn sông băng ở nơi còn được gọi là cực thứ 3 của thế giới.

Những dòng sông băng trên cực thứ 3 của thế giới có nguy cơ nhanh chóng biến mất - Ảnh 1.

Nước chảy trên sông băng Laohugou số 12 trên dãy Qilian, Cam Túc, Trung Quốc ngày 27/9/2020. Dòng sông băng lớn nhất trên dãy núi dài 800 km ở rìa đông bắc cao nguyên Tây Tạng đã mất khoảng 450m kể từ những năm 1950. Ảnh: REUTERS

Nhiệt độ tăng cao khiến cho tương lai của 2.684 sông băng tại dãy Qilian khá ảm đạm, đặc biệt là những sông băng nhỏ với diện tích chỉ dưới 1km vuông.

Theo dữ liệu của Viện khoa học Trung Quốc (CAS), trên dọc vùng núi Qilian, quá trình sụt giảm diện tích các sông băng giai đoạn 1990-2010 diễn ra nhanh hơn giai đoạn 1956-1990 tới 50%.

Bề mặt sông băng Laohugou số 12 với diện tích 20km vuông bị xẻ ngang dọc bởi những con nước nhỏ. Kể từ khi các nhà khoa học bắt đầu tiến hành đo đạc, diện tích sông băng này đã giảm khoảng 7%. 

Bề mặt sông băng giảm 1.5km vuông diện tích

Theo ông Qin Xiang, giám đốc cao cấp trạm quan trắc núi Qilian, Viện Khoa học Trung Quốc, tổng diện tích bề mặt sông băng đã giảm tới 1.5km vuông, và độ dày trung bình của băng cũng giảm tới hơn 13 mét.

"Khi tôi mới tới đây vào năm 2005, băng vẫn còn xuất hiện ở khu vực đó, nơi con sông uốn khúc. Nhưng sau 15 năm, toàn bộ sông băng đã rút mất khoảng 150 mét. Tốc độ này thực sự đáng lo ngại," ông Qin Xiang chỉ tay về phía dòng chảy và nói.

Ông cũng cho biết, từ những năm 1950, nhiệt độ trung bình tại đây đã tăng tới hơn 1,5 độ, đồng thời, lượng tuyết rơi ngày càng giảm bớt, không đủ để bồi đắp lại cho những sông băng đang nhanh chóng tan chảy do nhiệt độ trái đất ấm lên. Băng tan nhanh dẫn đến sự gia tăng đáng kể của các dòng chảy. Ví dụ như dòng chảy hạ lưu sông băng Laohugou số 12, lượng nước tăng gấp đôi so với 60 năm trước.

Hiện tại, băng tan có thể cũng đem lại lợi ích cho khu vực khô hạn ở tây bắc Trung Quốc, tuy nhiên nước băng tan không chảy xuống đều đặn. Các hồ chứa và đập nước hiện có ở khu vực cũng làm phức tạp hóa việc dự báo nguồn cung cấp nước ở hạ du.

Nông dân Gi Jianwei cùng mẹ và những người nông dân khác đang phải làm ruộng trên những mảnh đất khô cằn

Gi Jianwei, 35 tuổi, nông dân trồng rau ở ngoại ô Jiuquan, thành phố nhỏ phía bắc Qilian, cho biết, trong s tháng qua, anh chỉ có thể tưới nước cho ruộng súp lơ của mình 2 lần.

Vụ súp lơ tháng 6 đến tháng 9 năm nay không tốt lắm. Bình thường một cây súp lơ nặng khoảng 3kg, trong khi đó súp lơ đợt này chỉ nặng 500gr. Điều này đồng nghĩa với việc thu nhập từ súp lơ của anh bị sụt giảm.

Xa hơn về phía hạ lưu ở phía tây là Đôn Hoàng, nơi trước đây từng là nút giao thông quan trọng trên con đường Tơ lụa cổ đại.

Theo truyền thông địa phương, lượng nước bổ sung từ các con đập ở thượng nguồn đã được xả ra dòng sông Shule ở gần đó, cung cấp nước cho một khu bảo tồn thiên nhiên rộng lớn, và lần đầu tiên trong vòng 300 năm qua, một hồ nước trong sa mạc đã hồi sinh.

Sông băng trên cực thứ 3 của thế giới sắp biến mất - Ảnh 4.

Những con lừa uống nước trong lòng sông khô cạn ở Đôn Hoàng

Tuy nhiên, phần lớn lòng sông Shule ở ngoại ô Đôn Hoàng đều đã cạn khô hoặc chỉ còn các vũng nước nhỏ.

Các chuyên gia tại Viện khoa học Trung Quốc dự đoán, đỉnh điểm của quá trình băng tan ở Qilian có thể sẽ xảy ra vào khoảng năm 2050. Sau thời gian đó, sông băng sẽ biến mất, hoặc thu hẹp diện tích đáng kể. Và cũng vì vậy, mực nước băng tan cũng sẽ giảm đáng kể. Đây cũng là dự đoán của các nhà khoa học Trung Quốc và nước ngoài, những người cho rằng dòng chảy sông băng trong các lưu vực chính của nơi này sẽ giảm mạnh sau năm 2020-2030.

Ý kiến của bạn