Sơn La: Mô hình trang trại nông nghiệp kết hợp điện áp mái bước đầu đem lại hiệu quả
(VOVTV) - Mô hình trang trại nông nghiệp kết hợp sử dụng điện mặt trời trong sản xuất nông nghiệp từ lâu đã được ứng dụng tại nhiều địa phương bởi ưu điểm nổi bật là tiết kiệm chi phí năng lượng, giảm phát thải khí CO2, tăng thu nhập cho nông dân. Hiện trên địa bàn tỉnh Sơn La, việc kết hợp sử dụng điện mặt trời trong sản xuất nông nghiệp đã được nhiều trang trại ứng dụng, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế.
Không giống với những cơ sở chăn nuôi khác, trang trại chăn nuôi, trồng trọt hỗn hợp, sản xuất và kinh doanh nấm hương với quy mô công nghiệp của ông Cầm Văn Sơn, bản Ỏ Tra, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn (Sơn La). Khu nhà trồng nấm cũng như chăn nuôi gia súc, gia cầm được lợp bằng tôn, sau đó lắp đặt những tấm pin năng lượng mặt trời phía trên với mục đích để sản xuất điện vận hành các kho lạnh bảo quản nấm cũng như phục vụ sinh hoạt hàng ngày của gia đình và công nhân.
Ông Sơn cho biết: Sau khi tìm hiểu thông tin về việc nhà nước hướng dẫn thực hiện mô hình trang trại nông nghiệp kết hợp lắm điện năng lượng mặt trời áp mái, tôi đã đầu tư cơ sở vật chất để xây dựng, thi công lắp đặt 38 mái nhà, kết cấu khung thép chịu lực, lợp tôn sau đó lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái.
Bên dưới hệ thống điện áp mái, tôi tiếp tục xây dựng khu trồng nấm hương (bao gồm các hạng mục: 2 nhà trồng nấm hương công nghệ cao; 3 nhà trồng nấm hương theo mùa vụ; hệ thống giàn giá, hệ thống nước; khu phối trộn nguyên liệu, đóng bịch nấm; khu cấy giống; khu sơ chế, đóng gói; kho lạnh bảo quản nấm) và 2 khu chăn nuôi (gồm các hạng mục: chuồng gà, hệ thống nước, 3 nhà úm gà; 1 chuồng lợn; 100 chuồng nuôi dúi sinh sản).
"Từ khi mô hình đi vào hoạt động, đến nay gia đình tôi đã sản xuất và xuất bán ra thị trường trên 19 tấn nấm hương; 12 tấn gà thịt; 1 tấn vịt thương phẩm… với doanh thu khoảng 2,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, với hoạt động của mô hình gia đình tôi còn tạo thêm công ăn việc làm cho 13 lao động địa phương với mức lương từ 6 đến 12 triệu đồng/tháng tùy từng công việc cụ thể"
"Điều khiến tôi tâm đắc nhất khi sử dụng điện mặt trời là rất phù hợp với điều kiện các trang trại ở xa khu dân cư, không tốn kém đầu tư đường dây nên không bị hao tổn điện năng như sử dụng điện lưới, lại đảm bảo an toàn điện trong mùa mưa bão" – ông Sơn nói.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Chí Trung, bản Pát, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La đã đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời cho khu vực trang trại chăn nuôi với quy mô khoảng 4 vạn con gà.
"Trước đây, khu vực này được gia đình trồng cây ăn quả, tuy nhiên hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Sau khi có quyết định số 13 của Thủ Tướng Chính Phủ về điện năng lượng mặt trời áp mái, gia đình cũng xác định đây là một hướng đi mới nên đã đầu tư hệ thống nhà xưởng, chuồng trại, lắp đặt hệ thống điện áp mái. Bên cạnh đó, vì thời gian của Quyết định quá ngắn để gia đình hoàn thiện toàn bộ khu vực chuồng trại, nhà xưởng, chăn nuôi..., định hướng về sau của khu vực này là khu vực chăn nuôi, trang trại quy mô nuôi gà, nuôi dê và nuôi bò".
"Hiện nay, phía gia đình đã ký hợp đồng với Công ty CPI Việt Nam về cung cấp thức ăn cũng cũng như đầu ra cho khoảng 4 vạn con gà của gia đình. Trong năm tới trang trại sẽ dự kiến phát triển đàn dê lên đến khoảng 1.000 con và xác định nuôi thêm 100 con bò giống cung cấp giống cho bà con chăn nuôi và bò thịt cho thị trường".
"Hiện tại, gia đình cũng đang hợp đồng với 7 lao động với mức lương là 5 triệu đồng/người/tháng và được đóng bảo hiểm lao động hàng tháng. Ngoài ra những lúc cần thêm nhân công gia đình chúng tôi thuê một số lao động mùa vụ với mức thù lao 250-300 nghìn đồng/người" – ông Trung nói thêm.
Như vậy với lợi ích "kép" trong việc giảm chi phí tiền điện, an toàn cho môi trường và tận dụng được khoảng không áp mái, mô hình sử dụng điện mặt trời này đang được nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp quan tâm đầu tư. Công nghệ điện năng lượng mặt trời đặc biệt phù hợp đối với những mô hình trang trại chăn nuôi ở xa khu dân cư hoặc nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản xa nguồn điện lưới, bởi không phải đầu tư trạm biến áp. Theo số liệu thống kê của Công ty Điện lực Sơn La, ngoài hai mô hình trên, hiện điện năng lượng mặt trời đã được sử dụng ở rất nhiều trang trại khác trên địa bàn tỉnh.
Với những ưu điểm vượt trội như: chủ động được nguồn điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất; thiết kế đẹp, tiện dụng, thay thế hoàn toàn các vật liệu làm mái truyền thống như bê tông, tôn, nhựa... có khả năng cách nhiệt, giúp chuồng trại mát mẻ hơn, giảm chi phí sản xuất, vừa góp phần bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp và giảm áp lực bù tải cho lưới điện quốc gia.
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ điện mặt trời trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Sơn La còn mang tính tự phát; mới có một số trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trong khi các trang trại nuôi thủy sản có nhiều tiềm năng và trong hoạt động sản xuất tiêu tốn nhiều năng lượng để ương ủ con giống, điều chỉnh nhiệt độ ao nuôi và quạt nước sục khí… lại chưa phát triển; chi phí ban đầu để lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời còn lớn nên nhiều chủ trang trại chưa có đủ kinh phí để đầu tư…
Để phát triển ứng dụng năng lượng điện mặt trời trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh Sơn La cần xây dựng lộ trình ứng dụng; hỗ trợ người dân trong việc chứng minh tính phù hợp và tiềm năng của các loại cây trồng, vật nuôi được lựa chọn khi sử dụng kết hợp với điện năng lượng mặt trời áp mái trong điều kiện sinh thái nông nghiệp của tỉnh; đồng thời có các biện pháp hỗ trợ tài chính cần thiết để khuyến khích người dân ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất.
Mô hình trang trại nông nghiệp kết hợp điện áp mái bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế
Tin nổi bật
Tin Video