Sơn La: Hoàn tất kiểm tra, rà soát việc chấp hành quy định pháp luật trong quản lý, phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà
(VOVTV) – UBND tỉnh Sơn La đã thành lập Tổ kiểm tra 1627 về việc kiểm tra, rà soát việc chấp hành quy định pháp luật trong quản lý, phát triển các hệ thống điện mặt trời mái nhà trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Từ ngày 30/7 đến ngày 10/8/2021, UBND tỉnh Sơn La đã thành lập 2 tổ công tác (kiểm tra – PV) tiến hành kiểm tra thực địa tại 37 hệ thống điện mặt trời áp mái các công trình có đăng ký hoạt động trang trại tại các huyện Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Thành phố và Sông Mã.
Qua kiểm tra, đánh giá việc chấp hành quy định pháp luật về đầu tư đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà cơ bản tuân thủ các quy định về đầu tư. Các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh hệ thống điện mặt trời mái nhà có đăng ký thành lập doanh nghiệp với cơ quan có thẩm quyền (Sở Kế hoạch và Đầu tư), có đăng ký ngành nghề kinh doanh sản xuất điện phù hợp với hoạt động đang sản xuất, kinh doanh.
Đối với việc chấp hành các quy định về đất đai thì các hệ thống điện mặt trời mái nhà được đầu tư xây dựng trên mái các công trình xây dựng trên đất nông nghiệp khác, đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm khác. Các khu đất trên hầu hết đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất với mục đích sử dụng là đất nông nghiệp khác hoặc đã được cơ quan có thẩm quyền đăng ký biến động chuyển mục đích từ đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm khác sang đất nông nghiệp khác. Chủ sử dụng đất là các hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp.
Các chủ đầu tư điện mặt trời đầu tư lắp đặt dưới các hình thức như: chủ đầu tư điện mặt trời là chủ đất, đầu tư xây dựng trang trại và lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái; là người thuê lại quyền sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân cá để đầu tư trang trại và lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà trang trại; chủ đầu tư điện mặt trời thuê lại mái nhà các trang trại của Doanh nghiệp, cá nhân khác để lắp đặt hệ thống điện mặt trời.
Theo quy định của Luật bảo vệ môi trường và các nghị định hướng dẫn thi hành, các hệ thống điện mặt trời mái nhà đa phần không thuộc đối tượng phải thực hiện thủ tục đánh giá tác động môi trường và lập kế hoạch bảo vệ môi trường. Trong đó, có 2 trang trại tại huyện Mai Sơn thuộc đối tượng lập báo đánh giá tác động môi trường và đã được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; 8 trang trại thuộc đối tượng xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường và được UBND cấp huyện xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường;18 trang trại thuộc đối tượng được miễn thực hiện đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường. Việc quản lý, xử lý chất thải và các nghĩa vụ khác về bảo vệ môi trường được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Tại thời điểm kiểm tra, các trang trại đã đi vào hoạt động, tuy nhiên chưa hoàn thiện công trình thu gom và xử lý chất thải. Hiện trạng môi trường tại các trang trại chưa có hiện tượng ô nhiễm môi trường do quy mô chăn nuôi còn nhỏ, có 36 hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp đặt trên mái các công trình xây dựng của 30 trang trại. Trong đó có 29/30 trang trại có đăng ký tờ khai kinh tế trang trại theo quy định của Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/02/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với cơ quan có thẩm quyền.
Cũng qua, kiểm tra hiện trường cho thấy, hầu hết các hệ thống điện mặt trời lắp trên mái các công trình xây dựng của các trang trại chăn nuôi và trang trại trồng trọt, trang trại tổng hợp. Các trang trại đang thực hiện các hoạt động chăn nuôi bò, lợn, dê, gà vịt, ngan, ngỗng, đà điểu, baba, ếch.. và trồng nấm, trồng phong lan, đinh lăng... Nhìn chung các trang trại đã bước đầu đi vào hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 150 lao động với mức lương từ 4-6 triệu đồng/người/tháng, hiệu quả kinh tế của hoạt động trang trại chưa cao.
Tất cả các công trình (bao gồm hệ thống truồng trại và hệ thống điện mặt trời trên mái) được xây dựng ở khu vực nông thôn, chưa có quy hoạch đô thị và quy hoạch chi tiết được phê duyệt. Các công trình không thuộc đối tượng phải cấp phép xây dựng, không thuộc đối tượng phải thẩm định thiết kế của cơ quan chuyên môn về xây dựng (riêng hạng mục đấu nối với cấp điện áp 22kV, 35kV của hệ thống điện mặt trời đã được sở Công Thương thẩm định).
Việc xây dựng và quản lý chất lượng công trình do chủ đầu tư tự tổ chức thi công và chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn công trình. Các công trình không thuộc đối tượng phải thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu của cơ quan chuyên môn về xây dựng trước khi đưa công trình vào sử dụng.
Có 27 Hệ thống điện mặt trời có hạng mục đường dây và trạm biến áp 35kV để đấu nối với hệ thống điện quốc gia. Qua kiểm tra thực tế tại hiện trường các chủ đầu tư thi công tuân thủ đúng hồ sơ thiết kế đã được thẩm định, phê duyệt, các hạng mục này đã được Sở Công Thương thẩm định.
Tất cả các hệ thống điện mặt trời sau khi thi công xong đã được Công ty Điện lực Sơn La tổ chức nghiệm thu và có biên bản nghiệm thu hoàn thành đủ điều kiện an toàn để đấu nối hệ thống điện mặt trời vào hệ thống điện quốc gia. Qua kiểm tra thực địa cho thấy các hệ thống điện mặt trời mái nhà đảm bảo về an toàn điện.
UBND tỉnh đã kịp thời quán triệt, chỉ đạo về định hướng phát triển điện mặt trời trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Quyết định số 13/2020/QĐ - TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Chủ động chỉ đạo các sở, ban ngành, UBND cấp huyện tăng cường công tác quản lý theo quy định của pháp luật đối với các lĩnh vực liên quan đến các dự án đầu tư điện mặt trời, hệ thống điện mặt trời mái nhà.
Các Sở, ngành UBND các huyện, thành phố, căn cứ hướng dẫn của các Bộ, ngành trung ương đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn liên quan đến việc công tác quản lý, phát triển các hệ thống điện mặt trời mái nhà.
Việc phát triển các hệ thống điện mặt trời mái nhà theo đúng quy định của pháp luật sẽ phát huy được nguồn lực xã hội, phát huy hiệu quả của các công trình xây dựng có công năng độc lập, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của các dự án đầu tư, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm tổn thất truyền tải của lưới điện.
Tổng công suất của 36 hệ thống điện mặt trời áp mái trang trại là 30,771 MWp, chiếm 49,68% tổng công suất điện mặt trời áp mái trên địa bàn toàn tỉnh. Sản lượng điện hàng năm đạt khoảng 40 triệu kWh (chủ yếu là bán điện cho EVN), doanh thu khoảng 77 tỉ đồng, tạo công ăn việc làm cho hơn 100 lao động thường xuyên (bảo vệ và công nhân vận hành hệ thống) với thu nhập bình quân từ 6-8 triệu đồng/tháng. Nhìn chung, các hệ thống điện mặt trời đóng góp thêm thu nhập, giúp các doanh nghiệp, hộ gia đình nâng cao hiệu quả hoạt động trang trại.
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và phát huy hiệu quả việc phát triển điện mặt trời trên địa bàn tỉnh, Đoàn kiểm tra (UBND tỉnh thành lập và do ông Lê Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh là trưởng đoàn – PV) có đề xuất và kiến nghị UBND tỉnh một số nội dung như: Đề nghị Bộ Công Thương sớm tham mưu cho Chính phủ ban hành cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhân dân tham gia đầu tư phát triển điện mặt trời đáp ứng nhu cầu năng lượng theo Quy hoạch, kế hoạch phát triển điện lực (quyết định số 13/2010/QĐ - TTg ngày 06/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ đến nay không áp dụng được để đầu tư phát triển các dự án điện mặt trời).
Ngoài ra, đoàn kiểm tra cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện các nội dung như: quản lý quy hoạch điện lực, đảm bảo an toàn lưới điện, hướng dẫn các nhà đầu tư thực hiện dự án đúng theo tiến độ và nội dung đã được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư; hướng dẫn các chủ trang trại hoàn thiện hệ thống chuồng trại theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, đảm bảo phòng chống dịch bệnh, đảm bảo môi trường.
Tăng cường công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng liên quan đến việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà đảm bảo an toàn cho người và công trình, tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng; Công an các huyện thành phố kiểm tra, hướng dẫn các chủ hệ thống điện mặt trời thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về PCCC&CNCH.