Sốc nặng khi chứng khoán 'đỏ lửa' ngay phiên đầu tiên HSX có hệ thống mới
Thị trường chứng khoán lao dốc ngay trong ngày vận hành hệ thống mới của HSX là điều mà gần như không nhà đầu tư nào lường tới.
Thanh khoản chưa cho thấy sự bứt phá, thị trường "đỏ rực"
Phiên giao dịch sáng 5/7 đã được nhà đầu tư chờ đợi trong phấp phỏng trong suốt 3 tháng qua. Đây là phiên mà HSX và FPT đưa vào vận hành hệ thống giao dịch mới với hứa hẹn sẽ khắc phục được tình trạng nghẽn lệnh.
Hệ thống nhìn chung vận hành tương đối mượt mà, tuy vậy, vào đầu phiên, nhiều nhà đầu tư phản ánh vẫn gặp khó khăn trong việc đặt lệnh ở hai công ty chứng khoán.
Điều bất ngờ là ngay đầu phiên giao dịch này, nhiều cổ phiếu đã bị bán mạnh và giảm giá. Chỉ số hầu như chỉ hoạt động dưới đường tham chiếu. Khoảng 10h40, VN-Index thủng 1.400 điểm trước khi được "cân" tại ngưỡng này rồi phục hồi sau đó.
Tạm đóng cửa, VN-Index mất 13,03 điểm tương ứng 0,92% còn 1.407,24 điểm; VN30-Index giảm 5,47 điểm tương ứng 0,35% còn 1.549,12 điểm. HNX-Index giảm 1,89 điểm tương ứng 0,58% còn 326,12 điểm; UPCoM-Index giảm 0,37 điểm tương ứng 0,4% còn 90,27 điểm.
Bức tranh thị trường "nhuốm đỏ" với 621 mã giảm, 6 mã giảm sàn, áp đảo hoàn toàn so với 201 mã tăng, 17 mã tăng trần.
Điều đáng nói là thanh khoản thị trường vẫn không cho thấy sự bứt phá nào so với tuần trước dù hệ thống mới đã chính thức vận hành. Nhà đầu tư còn tỏ ra thận trọng với quyết định giải ngân dù trong sáng nay nhiều cổ phiếu có mức giảm tương đối sâu.
Phần lớn cổ phiếu trong rổ VN30 bị sụt giảm. NVL giảm 2,6%; SSI giảm 2,9%; VRE giảm 2,7%; SBT giảm 2,6%; REE giảm 2,5%; VCB giảm 2,3%; MSN giảm 2,1%; VIC giảm 1,2%... Trong đó, VCB, VIC, BID, NVL, VHM là những mã có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến thị trường sáng nay.
Ngược lại, TCB, MWG, TPB lại có ảnh hưởng tích cực nhất. TCB tăng 3,5% lên 56.200 đồng, đóng góp 1,8 điểm; MWG tăng 5,2% lên 164.900 đồng, đóng góp hơn 1 điểm cho VN-Index.
Tổng thanh khoản trên HSX đến hết phiên sáng dừng lại tại 15.824,81 tỷ đồng với khối lượng giao dịch 461,34 triệu đơn vị giao dịch. HNX có 82,49 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 2.002,28 tỷ đồng và con số này trên UPCoM là 48,55 triệu cổ phiếu tương ứng 941,17 tỷ đồng.
TCB, STB, HPG, SHB là những mã được giao dịch sôi động nhất. Riêng TCB được khớp lệnh 28,5 triệu cổ phiếu và STB khớp 23,9 triệu đơn vị; HPG khớp hơn 21 triệu đơn vị trong sáng nay.
Một số công ty chứng khoán gặp trục trặc chỉ mang tính cục bộ
Trên trang thông tin nội bộ của FPT, tập đoàn này cho biết, 8h30 ngày 5/7, toàn bộ 73 công ty chứng khoán đã kết nối thành công vào hệ thống, sẵn sàng cho phiên giao dịch đầu tuần. Quá trình kết nối bắt đầu từ 7h30.
Khoảng 15 phút sau, 61 trong số 73 công ty chứng khoán đã kết nối thành công vào hệ thống. Các công ty đã được thử nghiệm nhiều lần trong 3 tuần cuối tháng 6 và gần nhất là 2 ngày cuối tuần qua.
Ông Lê Hải Trà - Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HSX) cho biết, mỗi công ty chứng khoán có một hệ thống giao dịch khác nhau để kết nối với Sở. Khi xây dựng hệ thống khớp lệnh mới, HSX và FPT hạn chế tối đa việc thay đổi hệ thống của các công ty chứng khoán. Do đó, việc một số công ty gặp trục trặc hiện tại chỉ mang tính cục bộ.
Đơn vị vận hành thị trường đã bố trí đội ngũ kỹ thuật để hỗ trợ các công ty chứng khoán khi họ gặp vấn đề. Tuy nhiên, việc dừng giao dịch trực tuyến trên hệ thống giao dịch trực tuyến (như trường hợp của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam) là quyết định nội bộ và HSX không thể can thiệp.
Trước "giờ G", Chủ tịch FPT IS Dương Dũng Triều cho biết, hệ thống giao dịch mới có công suất xử lý 3 - 5 triệu lệnh một ngày, đồng thời cũng bỏ cơ chế phân bổ số lượng lệnh hàng ngày cho các công ty chứng khoán và cũng được cải thiện khả năng xử lý số lượng lệnh gửi vào trong một giây.
Năng lực hệ thống mới trong quá trình kiểm thử đã chứng minh được các tham số trên đã đạt yêu cầu. Chính vì vậy, đại diện FPT tin rằng, tình trạng quá tải sẽ được giải quyết hoàn toàn sau khi hệ thống mới đi vào vận hành chính thức.
Bên cạnh việc hỗ trợ hệ thống đi vào vận hành, FPT còn hoàn toàn làm chủ hệ thống này thông qua việc đã lên các kịch bản xử lý tình huống để nhanh chóng khắc phục sự cố (nếu có) và dễ dàng nâng cấp, hiệu chỉnh để đáp ứng theo sự phát triển của nhu cầu thị trường.
FPT cũng cho biết đã cùng HSX và các bên liên quan nghiên cứu rất kỹ để lên các kịch bản phòng ngừa, cũng như lên giải pháp xử lý nếu phát sinh rủi ro.
Theo đó, để lên các kịch bản phòng ngừa, các bên liên quan đã liệt kê rất nhiều tình huống, rủi ro có thể xảy ra và phân loại chúng thành 3 nhóm gồm: hạ tầng, hệ thống, con người. Khả năng xảy ra rủi ro cũng được chia làm 4 cấp độ từ gần như "không thể", "rất thấp", "thấp" đến "vừa" và luôn có phương án hành động, nhân sự chịu trách nhiệm xử lý.
Tin nổi bật
Tin Video