Tin tức

Số F0 liên tục tăng, ĐBSCL đẩy mạnh nhiều biện pháp khống chế dịch bệnh

(VOVTV) - Hơn 10 ngày qua, tình hình dịch COVID-19 có dấu hiệu gia tăng trở lại ở ĐBSCL. Đáng lo ngại là dịch đang gia tăng trong các nhà máy có đông công nhân ở các khu công nghiệp. Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các tỉnh, thành phố đang ban hành nhiều kế hoạch, phương án để kiểm soát dịch bệnh trong tình hình mới.

Tác giả Nhóm PV / VOV ĐBSCL
02/11/2021 16:55

Theo Sở Y tế TP. Cần Thơ, trong ngày 1/11, thành phố ghi nhận 434 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới. Trong đó có 62 ca cách ly tại nhà, 270 ca trong khu cách ly, 82 ca ở khu phong tỏa và 20 ca tầm soát ở cơ sở y tế. Ðây là số ca nhiễm cao nhất trong ngày từ khi TP. Cần Thơ phát hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên.

Sở chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 Cần Thơ cho biết, khi chuyển qua trạng thái bình thường, TP. Cần Thơ với vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế của vùng nên tiếp nhận lượng lớn người dân từ các tỉnh, thành đến công tác, khám chữa bệnh. Do đó, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập trên địa bàn rất lớn.

Đồng thời, xuất hiện tình trạng lơ là, chủ quan của người dân. Do vậy, trong ngày 1/11 các xã, phường thuộc 9 quận, huyện đã nhanh chóng hướng dẫn người dân thực hiện biện pháp phòng dịch, phương án sản xuất, kinh doanh theo cấp độ dịch cấp 2, chỉ riêng quận Cái Răng là cấp độ 1.

Số F0 liên tục tăng, ĐBSCL đẩy mạnh nhiều biện pháp khống chế dịch bệnh - Ảnh 2.

Cần Thơ phong tỏa diện hẹp, khẩn trương tầm soát F0, F1, F2 nhanh chóng, sau khi số F0 liên tục tăng

Ngày 1/11, Sở Y tế TP. Cần Thơ đã có văn bản trình Sở Nội vụ về việc thành lập bệnh viện điều trị COVID-19 tại Bệnh viện Quân dân y thành phố và Trung tâm Y tế huyện Thới Lai.

Ông Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Cần Thơ chia sẻ, ngoài các nguồn lây từ lượng người ngoài thành phố đổ về các bệnh viện tuyến trung ương khám chữa bệnh, từ cộng đồng, các trường hợp về từ vùng dịch cách ly tại nhà, dịch đang gia tăng trong các nhà máy có đông công nhân ở các khu công nghiệp Trà Nóc 2 (quận Ô Môn) và Thốt Nốt (quận Thốt Nốt).

Hiện đa số các công ty, nhà máy tự tổ chức test sàng lọc định kỳ cho công nhân, khi phát hiện ca nghi ngờ, đơn vị sẽ báo y tế địa phương hỗ trợ đến xét nghiệm nhanh trong 24 giờ, khoanh vùng đưa đi cách ly nhanh chóng.

"Việc tầm soát lại cộng đồng, ngành cũng song song tiến hành ban hành kế hoạch tổ chức sàng lọc trọng điểm, trọng tâm, tầm soát F0 cộng đồng trên địa bàn nguy cơ, đặc biệt là những cụm ổ dịch nhỏ có liên quan đến các công ty. Các địa phương đã triển khai ráo riết việc thực hiện công tác sàng lọc. Qua đó, cũng phát hiện thêm một số F0. Hiện tại, thu dung tất cả những đối tượng có liên quan vào khu cách ly tập trung và số F0 phát hiện từ ngày 27/10 đến nay đa phần nằm trong khu cách ly tập trung, khu phong tỏa", ông Phạm Phú Trường Giang chia sẻ thêm.

Tại Bạc Liêu, sáng 2/11, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh thông tin, trong 24 giờ qua, toàn tỉnh ghi nhận thêm 316 trường hợp có kết quả RT-PCR khẳng định dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có đến 182 trường hợp ghi nhận tại cộng đồng. Các F0 trong cộng đồng tập trung nhiều tại TP. Bạc Liêu và TX Giá Rai.

Số F0 liên tục tăng, ĐBSCL đẩy mạnh nhiều biện pháp khống chế dịch bệnh - Ảnh 3.

Bạc Liêu đã quyết định nâng cấp độ dịch của tỉnh lên cấp độ 4 (nguy cơ rất cao - vùng đỏ) từ 12h trưa 2/11

Theo nhận định của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, trong số 316 F0 vừa ghi nhận, ngoại trừ 10 trường hợp về từ các tỉnh, thành không có khả năng lây lan ngoài cộng đồng do đã được cách ly từ trước. Các trường hợp còn lại có khả năng lây lan ngoài cộng đồng, do trước khi có kết quả dương tính đã tiếp xúc nhiều người.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trong những ngày qua, tỉnh Bạc Liêu đã quyết định nâng cấp độ dịch của tỉnh từ cấp độ 2 (vùng vàng) lên cấp độ 4 (vùng đỏ) từ 12h trưa 2/11.

Bạc Liêu cũng đã chủ động thành lập các cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Hiện Bạc Liêu có thể đáp ứng điều trị khoảng 4.000 ca bệnh cùng lúc trong điều kiện dịch bệnh bùng phát và số ca bệnh tiếp tục tăng. Tỉnh cũng đang khảo sát nhiều điểm để dự trù triển khai thêm các cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các địa phương với tổng số 5.000 giường bệnh.

Còn ở tỉnh Tiền Giang, báo cáo của Sở y tế tỉnh cho thấy trong ngày 1/11, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 163 ca mắc mới; trong đó có 19 ca ngoài cộng đồng. Địa bàn xảy ra nhiều ca nhiễm COVID-19 là huyện Cai Lậy, Cái Bè, Chợ Gạo và TP. Mỹ Tho. Đặc biệt gần đây, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xảy ra bệnh COVID-19 và lây lan rộng.

Để phòng chống dịch bệnh tái bùng phát, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh các địa phương khẩn trương thực hiện phong tỏa chặt, triển khai xét nghiệm tầm soát cộng đồng để bóc tách F0, đưa đi cách ly F1 và xử lý dứt điểm các ổ dịch phát sinh. Tăng cường công tác quản lý chặt chẽ địa bàn, đặc biệt các xã giáp ranh huyện Châu Thành, TP. Mỹ Tho và tỉnh Long An; quản lý chặt những người về từ vùng dịch.

Xử lý nghiêm các trường hợp về từ vùng dịch không khai báo y tế; đồng thời, quản lý, giám sát chặt chẽ đối tượng tài xế, người giao hàng. Cùng với đó, địa phương tăng tốc tiêm phòng hết số vaccine mà Bộ Y tế phân bổ.

Tại Bến Tre từ ngày 31/10 đến nay, số ca mắc COVID-19 mới gia tăng mạnh với gần 100 ca F0; trong đó có 56 ca trong cộng đồng. Đặc biệt nhiều ca nhiễm COVID-19 đã đến các quán cà phê và có tiếp xúc với nhiều người. Tại huyện Bình Đại, tỉnh phải thành lập thêm 1 Khu cách ly để cách ly các trường hợp F1. Toàn tỉnh Bến Tre hiện đang cách ly hơn 4.800 trường hợp, hơn 1.870 F1, 1.400 F2 và 1.570 người về từ vùng dịch.

Hiện nay, khu vực ĐBSCL trở thành "điểm nóng" khi các ca F0 liên tục tăng. Đặc biệt, trong thời gian nới lỏng giãn cách, nhiều hoạt động mở cửa. Trong khi đó, vaccine chưa được bao phủ nên nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng là rất lớn.

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn