Tin tức

Số ca F0 ở Hà Nội và TP.HCM tăng giảm thế nào trong những ngày giãn cách xã hội?

Hà Nội quyết định giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16 từ 6h ngày 24/7 trong 15 ngày, còn tại TP.HCM từ ngày 9/7 cho đến nay.

31/07/2021 09:45

Vậy trong thời gian giãn cách xã hội, số ca mắc COVID-19 hai thành phố thay đổi thế nào?

Hà Nội

Hôm nay tròn một tuần Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Số liệu báo cáo của CDC cho thấy, trong thời điểm giãn cách, thành phố tiếp tục ghi nhận thêm 2 ổ dịch COVID-19 mới là nhà thuốc Đức Tâm (95 Láng Hạ, Đống Đa) và Bệnh viện Phổi Hà Nội. Số lượng các ca dương tính từ 24/7 đến 29/7 là 434.

Số ca F0 ở Hà Nội và TP.HCM tăng giảm thế nào trong những ngày giãn cách xã hội? - Ảnh 1.

Số ca COVID-19 ở Hà Nội trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16. Nguồn số liệu: CDC Hà Nội

Ở ngày đầu giãn cách, Hà Nội ghi nhận số ca mắc giảm, nhưng những ngày sau đó lại tăng lên, tương đương hoặc nhiều hơn các ngày trước giãn cách. Đáng chú ý là hôm qua (30/7), tức là một tuần thực hiện Chỉ thị 16, Hà Nội ghi nhận số người nhiễm nhiễm SARS-CoV-2 cao với 119 người. Nhiều ngày khác ghi nhận số bệnh nhân cao như 25/7 (41 ca), ngày 26/7 (64), ngày 27/7 (76), ngày 28/7 (65).

Các trường hợp ghi nhận những ngày qua đều liên quan các chùm ca bệnh ghi nhận trước đó như nhà thuốc thuốc 95 Láng Hạ, BV Phổi Hà Nội; Tân Mai, Hoàng Mai... tức là họ thuộc diện khoanh vùng từ trước vì liên quan các ca COVID-19

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Chuyên gia cố vấn ở Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhận định, số ca dương tính với nCoV ở Hà Nội tăng nhẹ trong ngày đầu giãn cách do thành phố quyết liệt truy vết, phát hiện các ca bệnh còn lẩn khuất trong cộng đồng. “Số ca này tăng không quá lo ngại. Điều này thể hiện công tác truy vết, rà soát của Hà Nội đang hiệu quả", ông Phu nói.

Ngay cả khi chúng ta làm tốt thì số ca mới chưa thể giảm ngay được vì thời gian ủ bệnh lên tới 14 ngày. Đây cũng là một trong nguyên nhân ca mắc sau Chỉ thị 16 tăng hơn.

Ông cũng cho rằng, từ khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên, Hà Nội đã đưa ra biện pháp chống dịch từ rất sớm. Thành phố chủ động xét nghiệm sàng lọc người triệu chứng ho, sốt trong cộng đồng và khi dịch có dấu hiệu lan rộng, thành phố thực hiện giãn cách xã hội ngay. 

Bên cạnh đó, Hà Nội tổ chức phòng, chống dịch rất nghiêm, đến nay các ổ dịch tiếp tục được theo dõi, từng bước kiểm soát, hạn chế lây lan ra cộng đồng. Do đó hoàn toàn có thể hy vọng Hà Nội sớm dập dịch sau 15 ngày giãn cách.

Dù nhiều tín hiệu mừng trong phòng chống dịch ở Hà Nội nhưng theo ông thành phố vẫn còn những ca bệnh lẩn khuất trong cộng đồng, vẫn xuất hiện các ca qua sàng lọc nên nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào nếu chủ quan. Do đó, việc dập được dịch phụ thuộc nhiều vào ý thức của người dân.

TP.HCM

TP.HCM đang trải qua đợt bùng phát dịch COVID-19 lớn nhất từ trước tới nay với số ca bệnh ghi nhận mỗi ngày ở mức 4 con số. Thành phố đang áp dụng Chỉ thị 16 với các biện pháp siết chặt hơn nhằm sớm kiểm soát dịch bệnh.

Trước khi áp dụng Chỉ thị 16, từ 30/6 đến 8/7, số COVID-19 tại TP.HCM mỗi ngày ở mức 3 con số, đồng thời xuất hiện thêm một số ổ dịch mới. Số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho thấy, trước thời điểm 30/6, tổng ca bệnh là 3.908 người. Nhưng từ 27/4 - 8/7, con số này lên 10.295 người, trở thành địa phương có số người mắc COVID-19 cao nhất nước.

Số ca F0 ở Hà Nội và TP.HCM tăng giảm thế nào trong những ngày giãn cách xã hội? - Ảnh 2.

Số ca mắc COVID-19 tại TP.HCM từ 9/7 - 30/7, theo số liệu từ HCDC

Từ ngày 9/7, TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16. Cũng từ đây, số người mắc COVID-19 mới ở thành phố tăng vọt, vượt lên mức 4 con số mỗi ngày, thay vì chỉ 3 con số ở giai đoạn trước. Trong 12 ngày gần nhất, trung bình mỗi ngày TP.HCM ghi nhận từ 3.000 - 5.000 người mắc mới.

Tuy nhiên, trong 4 ngày gần nhất, thành phố yêu cầu người dân không ra đường sau 18h (26/7 - 30/7), số bệnh nhân COVID-19 ghi nhận mỗi ngày bắt đầu giảm, từ 5.997 hôm 26/7 xuống 4.282 hôm 30/7. Đặc biệt, số ca COVID-19 trong ba ngày gần đây (28, 29 và 30/7) đang đi ngang. Điều này cũng được Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nêu tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch COVID-19 ở TP.HCM chiều 30/7.

Về số lượng F0 tăng và vẫn ở mức cao những ngày qua, theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam, do thành phố đang tập trung lấy mẫu xét nghiệm vùng lõi của các ổ dịch. Với chiến dịch tách F0 ra khỏi cộng đồng, ngành y tế đến từng nhà để xét nghiệm cũng làm cho số F0 liên tục tăng.

“TP.HCM đang tập trung cho việc xét nghiệm ở khu vực trọng tâm, trọng điểm. Vùng lõi nguy cơ cao sẽ được lấy mẫu trước, sau đó mở rộng ra các khu vực bên ngoài với phương thức 'đi đến từng hẻm, gõ cửa từng nhà", cả ngày lẫn đêm vì mục tiêu tầm soát cho 5 triệu dân', ông Nam nói.

Số ca F0 ở Hà Nội và TP.HCM tăng giảm thế nào trong những ngày giãn cách xã hội? - Ảnh 3.

Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam

BS Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc HCDC nhận định, TP.HCM vẫn chưa đạt đỉnh dịch và có thể dịch diễn biến phức tạp trong vài ngày tới, số ca mắc sẽ vẫn còn tăng cao. Tuy nhiên, dù số ca mắc mới cao nhưng thành phố không phát sinh ổ dịch mới. Hầu hết các ca COVID-19 được phát hiện trong khu phong tỏa, cách ly đã được giám sát, khoanh vùng.

BS Tâm cũng cho biết, hơn 95% bệnh nhân COVID-19 được phát hiện qua lần xét nghiệm đầu tiên trong khu cách ly, phong tỏa, cho thấy số ca bệnh tăng là do diễn tiến của bệnh từ F1 thành F0. 

Nghĩa là các ca bệnh đã được cách ly từ trước chứ không phải người mắc ngoài cộng đồng. “Điều này cũng cho thấy không có cơ sở để khẳng định do lây nhiễm trong khu cách ly, phong tỏa”, BS Tâm nói.

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn