Số ca F0 cộng đồng tăng, Bộ yêu cầu dừng hoạt động tập trung đông người không cần thiết
Trước diễn biến phức tạp của dịch, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường các biện pháp giám sát, truy vết phát hiện nhanh các trường hợp tiếp xúc với ca bệnh, dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết.
Theo Bộ Y tế, đến nay, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, số ca mắc cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng gia tăng nhanh ở nhiều địa phương.
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương thường xuyên rà soát cập nhật các cấp độ dịch bám sát với thực tế tình hình dịch, trong trường hợp cần thiết tăng cường một số biện pháp phòng chống dịch theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT; Dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết; Tăng cường các biện pháp giám sát, truy vết phát hiện nhanh các trường hợp tiếp xúc với ca bệnh, cách ly F1 tại nhà, nơi lưu trú; Truyền thông nâng cao ý thức người dân Thực hiện triệt để 5K, truyền thông thống nhất nhận thức thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh phải dựa trên nguyên tắc “5K + vaccine, thuốc + biện pháp điều trị phù hợp + công nghệ + đề cao ý thức người dân” và các biện pháp khác...
CDC Hà Nội cho biết, từ 18h ngày 15/12 đến 18h ngày 16/12, TP. Hà Nội có thêm 1.330 ca Covid-19, trong đó có 574 ca cộng đồng, 756 ca trong khu cách ly, phong tỏa.
Tại buổi họp báo Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM chiều 16/12, ông Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo cho biết, từ ngày 13/12 đến nay, có tổng cộng 8 trường hợp F0 xuất hiện trong trường học. 8 ca F0 gồm 6 học sinh và 2 giáo viên, phát hiện trong trường học đã được báo cáo với UBND TP. Các trường thực hiện như phương án đã có và phối hợp cùng các trạm y tế địa phương để xử lý, đảm bảo việc học của các lớp diễn ra bình thường, an toàn.
UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Y tế xem xét, tiếp tục hỗ trợ bổ sung lực lượng y tế tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TP với số lượng 1.000 bác sỹ (trong đó có 300 bác sỹ có chuyên môn hồi sức) và 2.000 điều dưỡng (trong đó có 600 điều dưỡng có chuyên môn hồi sức, cấp cứu). Ngoài ra, UBND TP còn kiến nghị tiếp tục duy trì hoạt động của Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện Trung ương Huế.
Tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM có chiều hướng gia tăng, tỷ lệ bệnh nhân nặng khá cao. Thành phố vẫn đang tiếp tục duy trì hoạt động các Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19, Bệnh viện Hồi sức Covid-19, Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 16, Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện Đại học Y dược, Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện Trung ương Huế.
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Búk (Đắk Lắk) cho biết, trên địa bàn huyện vừa ghi nhận 5 trường hợp học sinh tại 3 trường học dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 3 học sinh đã có kết quả xét nghiệm RT-PCR khẳng định dương tính với SARS-CoV-2. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện Krông Búk đã nhanh chóng triển khai truy vết, lấy mẫu 300 em học sinh và giáo viên có tiếp xúc gần với các em học sinh vừa nêu. Kết quả test nhanh kháng nguyên đều âm tính với SARS-CoV-2.
Theo Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh có sự thay đổi. Toàn tỉnh đã có 3/11 huyện vùng xanh, công tác phòng, chống dịch Covid-19 tiếp tục được tăng cường, quyết liệt. Hiện nay, Tiền Giang tiếp tục duy trì ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình). Toàn tỉnh đã có 3 huyện ở cấp độ 1 (tức là vùng bình thường mới) gồm các huyện Gò Công Tây, Chợ Gạo và huyện Tân Phú Đông; có 6 huyện, thị xã ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình); 2 đơn vị cấp độ 3 (nguy cơ cao) là TP. Mỹ Tho và huyện Gò Công Đông (giảm 1 huyện Châu Thành so với lần đánh giá trước).
Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Cà Mau vừa có công văn khẩn gửi Bộ Y tế đề nghị hỗ trợ khẩn cấp thuốc kháng virus: Molnupiravir 50.000 liệu trình (ca) điều trị; Favipiravir 20.000 liệu trình (ca) điều trị. Tỉnh Cà Mau cũng kiến nghị Bộ Y tế cho phép khẳng định trường hợp mắc Covid-19 bằng test nhanh kháng nguyên.
Cụ thể, ngoài xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR, tỉnh Cà Mau sẽ khẳng định những người dương tính với SARS-CoV-2 trong các trường hợp sau: Người bị nghi ngờ nhiễm bệnh có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính; những người không có triệu chứng, không có yếu tố dịch tễ liên quan người nhiễm bệnh nhưng có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính với 2 loại test nhanh khác nhau (trường hợp chỉ có kết quả dương tính với 1 loại test nhanh thì sẽ xét nghiệm RT-PCR để khẳng định).
Tính từ 16h ngày 15/12 đến 16h ngày 16/12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 15.270 ca nhiễm mới, trong đó 3 ca nhập cảnh và 15.267 ca ghi nhận trong nước (giảm 255 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố (có 9.888 ca trong cộng đồng).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bình Phước (+564), Cà Mau (+267), Hải Phòng (+214).
Tin nổi bật
Tin Video