Tin tức

Sĩ số 40 - 50 học sinh/lớp: Hà Nội giải bài toán quá tải, thiếu trường thế nào?

Một số quận trung tâm Hoàng Mai, Hà Đông, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm của Hà Nội nỗ lực giải bài toán quá tải sĩ số, thiếu trường lớp trong năm học mới 2022 - 2023.

30/08/2022 18:13

Năm học 2022 - 2023, tình trạng quá tải trường lớp cục bộ vẫn diễn ra ở nhiều địa bàn ở Hà Nội, rõ nhất là một số quận huyện với nhiều chung cư cao tầng như Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông... Những nơi như phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai) trở thành "siêu phường" trong nhiều năm nay với dân số trên 80.000, hằng năm khoảng 1.500 - 1.800 trẻ được sinh ra. Hiện phường này chỉ có 1 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 2 trường THCS nên các trường luôn quá tải.

Sĩ số 40 - 50 học sinh/lớp: Hà Nội giải bài toán quá tải, thiếu trường thế nào? - Ảnh 1.

Học sinh lớp 1 tựu trường. Ảnh: Hà Cường

Ông Trần Quý Thái, Phó chủ tịch UBND Quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, năm nay toàn bộ quận tăng 3.700 học sinh khối công lập, chưa kể số học sinh đăng ký vào các nhóm trường ngoài công lập cũng quá tải. Đồng thời, toàn quận cũng thiếu khoảng 470 giáo viên.

Tính sơ bộ một trường khoảng 1.700 học sinh và quận cần ít nhất khoảng 3 trường mầm non nữa mới "đủ tải". Nguyên nhân của việc quá tải, theo ông Thái là do các khu đô thị mới được xây dựng nhanh chóng trên địa bàn. Đồng thời qua hai năm ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều nhóm mầm non ngoài công lập phá sản, phải đóng cửa, gây sức ép tuyển sinh lên các trường mầm non công lập trên địa bàn.

Nếu những năm trước, quận có tổng 416 nhóm trường ngoài công lập, thì năm nay toàn quận chỉ còn 354 nhóm lớp, đóng cửa gần 70 nhóm lớp. Một số nhóm lớp còn duy trì lại thiếu giáo viên nghiêm trọng, một phần vì nhà trường không đủ tiền thuê, một phần giáo viên mầm non cũng nghỉ việc vì lương quá thấp.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, bước vào năm học mới 2022 - 2023 tới đây, 100% học sinh trên địa bàn đều được đi học theo đúng tuổi, tuy nhiên tình trạng quá tải sĩ số vẫn chưa được giải quyết triệt để. Sĩ số học sinh trung bình là 49,7, bậc THCS trung bình là 42,7 em/lớp. Số lượng học sinh đông, sĩ số học sinh/lớp cao, quận khó nâng cao tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia. Tiểu học là bậc có tỷ lệ trường đạt chuẩn thấp nhất, chỉ 55%.

Hiện địa bàn quận có tổng số 138 trường mần non, tiểu học, THCS và THPT, trong đó 41 trường tư thục. So với năm ngoái, quận xây dựng thêm một trường mầm non mới và 23 phòng học tại các trường còn diện tích sử dụng. Đặc biệt, phường Dương Nội là nơi học sinh đông nhất toàn quận nên trong những năm qua phải mở tới 15 trường công lập và 4 trường tư thục mới tuyển sinh hết số lượng học sinh, trẻ mầm non trên địa bàn.

Theo ông Phạm Văn Ngát, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì (Hà Nội), tuy là huyện ngoại thành nhưng ở bậc tiểu học có tới 11 trường sĩ số học sinh 40-45; 6 trường sĩ số học sinh 46-50 và 1 trường có sĩ số trên 50 em. Nguyên nhân do tốc độ đô thị hóa nhanh kéo theo việc tăng dân số theo hình thức cơ học là chủ yếu, dân số tự nhiên tăng không nhiều dẫn đến quy mô dân số các xã, thị trấn lớn hơn nhiều so với quy mô hạ tầng cơ sở xã hội. Những khu vực chung cư xây mới nhiều (Thanh Liệt, Tứ Hiệp) đang khiến các trường học ở khu vực này quá tải.

Trách nhiệm bảo đảm trường, lớp chỗ học cho học sinh thuộc về ngành giáo dục và UBND quận, huyện trên địa bàn, do đó, năm học 2022-2023, Phòng GD&ĐT đã tham mưu UBND huyện xây mới 2 trường tiểu học để tách trường có quy mô lớn, giảm sĩ số.

Bà Nguyễn Thị Hương, Trưởng phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) chia sẻ, năm học 2022 - 2023 toàn quận có 99 trường/4 cấp học (mầm non, tiểu học , THCS và THPT), trong đó 41 cơ sở giáo dục công lập.

Để giải quyết tình trạng thiếu trường lớp và quá tải sĩ số, quận thực hiện song song hai kế hoạch. Thứ nhất, kế hoạch ngắn hạn, quận phân tuyến nghiêm ngặt từ khâu tuyển sinh đầu cấp với mầm non, lớp 1, lớp 6. Với những khu vực đông dân cư, tập trung nhiều khu đông thị, tòa chung cư mới, quận sẽ phân tuyến và dàn đều học sinh sang các phường lân cận, tránh tình trạng bốc thăm chia lớp hay để lớp học quá đông, giới hạn khoảng 40 em/lớp.

Thứ hai, kế hoạch dài hạn. Dự kiến trong vài năm tới, quận sẽ xây dựng thêm thêm 2 trường mầm non, 2 trường tiểu học, 1 trường THCS, đáp ứng đủ nhu cầu học sinh tới trường.

Sĩ số 40 - 50 học sinh/lớp: Hà Nội giải bài toán quá tải, thiếu trường thế nào? - Ảnh 2.

Học sinh lớp 1 đến trường. Ảnh minh hoạ: Hà Cường

Theo ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, hiện một số phường ở Hà Nội hết quỹ đất xây trường công lập. Một số phường khác có trường nhưng dân số trên địa bàn gia tăng quá đông nên vẫn không đủ chỗ học. Sở đang đề xuất giải pháp cho phép nâng cao tầng các khối xây dựng và được phép xây dựng. Bên cạnh đó tận dụng các tầng hầm đảm bảo an toàn cho học sinh để tăng diện tích cho các trường học đang bị quá tải. Các trường có thể bố trí học sinh học ở các tầng thấp, các phòng chức năng, phòng dành cho cán bộ, giáo viên ở tầng cao.

Theo số liệu của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2022 - 2023, Hà Nội có 2.835 trường, trên 70.000 lớp học với trên 2,2 triệu học sinh các cấp mầm non, phổ thông. Để chuẩn bị cho năm học mới, Hà Nội xây dựng thêm 51 phòng học mới, với kinh phí trên 2.800 tỷ đồng; cải tạo, sửa chữa 605 trường học, với kinh phí trên 5.000 tỷ đồng.

Bên cạnh việc thiếu trường lớp, theo Sở GD&ĐT Hà Nội thống kê, hiện tượng sĩ số học sinh/lớp tại Hà Nội vẫn cao hơn quy định, chủ yếu ở bậc tiểu học. Cụ thể sĩ số học sinh tiểu học/lớp ở Hà Nội khoảng 42 học sinh/lớp. Có nơi thấp hơn khoảng 38 - 39 học sinh/lớp nhưng vẫn có những trường sĩ số vọt lên 50 - 55 học sinh/lớp.

Ý kiến của bạn