Shipper tại Hà Nội cần lưu ý gì khi hoạt động?
Bên cạnh tin nhắn xác nhận của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, shipper khi hoạt động trên địa bàn thành phố chỉ được phép giao hàng hóa do cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm.
Tính đến ngày 29/7, Sở Công Thương Hà Nội đã gửi danh sách gần 700 tài xế giao hàng bằng môtô 2 bánh (shipper) lên Sở Giao thông Vận tải Hà Nội. Ngoài ra, Sở thông tin và Truyền thông cũng gửi thêm thông tin của 14.484 shipper khác.
Tổng cộng, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã nhận được hơn 15.200 thông tin đăng ký vận chuyển hàng hóa, cấp mã xác nhận cho 14.270 xe, từ chối 275 xe do biển số không phải là xe môtô 2 bánh, đồng thời tiếp tục xét duyệt 663 xe còn lại.
Trao đổi với Zing, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội - cho biết shipper muốn hoạt động trên địa bàn thành phố cần phải có tin nhắn xác nhận đồng ý cấp phép của Sở. Shipper có trách nhiệm chụp ảnh màn hình tin nhắn lại và cung cấp cho lực lượng chức năng mỗi khi được yêu cầu.
Ngoài ra, đây phải là lực lượng shipper thuộc các cơ quan bưu chính, siêu thị, sàn thương mại điện tử.
“Việc đảm bảo mặt hàng thiết yếu do các đơn vị quản lý shipper chịu trách nhiệm. Shipper cũng chỉ được phép vận chuyển hàng hóa, bưu phẩm do cơ quan, đơn vị đó quản lý”, lãnh đạo Sở thông tin.
Shipper là đối tác của các ứng dụng như Grab, Be, Gojek, My Go và Fast Go vẫn chưa được hoạt động. Trước đó, hôm 27/7, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã có văn bản hỏa tốc gửi 5 đơn vị trên, yêu cầu dừng ngay việc cung cấp dịch vụ cho các đối tác hoạt động vận chuyển hành khách và hàng hóa bằng xe máy.
Về mặt giấy tờ, chia sẻ với Zing, đại diện Viettel Post khẳng định ngoài tin nhắn xác nhận của Sở, shipper của Viettel Post không cần mang theo giấy tờ xác nhận nào thêm. Tuy nhiên, shipper khi ra đường cần đảm bảo đầy đủ các loại giấy tờ cá nhân như bằng lái xe, CCCD/CMND…
Tin nổi bật
Tin Video