Tin tức

Sẽ kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19

(VOVTV) - Phạm vi kiểm toán bao gồm việc huy động quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 tại 32 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

19/01/2022 21:55

Ngày 19/1, tại Hà Nội, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa chủ trì Hội thảo khoa học "Kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19".

Ngày 19/1, tại Hà Nội, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa chủ trì Hội thảo khoa học “Kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19” để lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà quản lý và nhất là ý kiến của các lực lượng tuyến đầu chống dịch nhằm hoàn thiện Đề cương kiểm toán chuyên đề này trước khi ban hành.

Phát biểu khai mạc, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa cho biết, nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 rất đa dạng và phong phú, từ ngân sách nhà nước đến kinh phí và quỹ của các cơ sở y tế; nguồn viện trợ và tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn thu từ dịch vụ xét nghiệm; sự đóng góp của các lực lượng tuyến đầu chống dịch, chính sách thuế (miễn, giảm, gia hạn thuế…), chính sách tín dụng (giảm lãi, kéo dài thời gian trả nợ, gia hạn, giữ nguyên nhóm nợ…).

Hội thảo tổ chức nhằm lấy ý kiến các chuyên gia, giúp Kiểm toán Nhà nước xác định đúng và chính xác các nguồn viện trợ, tài trợ bằng hiện vật; thu từ dịch vụ xét nghiệm; chính sách thuế và chính sách tín dụng, nguồn lực từ các cơ sở khám chữa bệnh.

Sẽ kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Kiểm toán chuyên đề cũng chú trọng tới những khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức xây dựng, thanh quyết toán (chi phí xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp các cơ sở thu dung, cơ sở cách ly, cơ sở điều trị, bệnh viện dã chiến…); việc tiếp nhận, bảo quản phân phối và sử dụng các khoản viện trợ, tài trợ bằng hiện vật (như vaccine, phương tiện vận tải, máy thở, oxy và các trang thiết bị y tế khác…); xây dựng và ban hành giá các loại dịch vụ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 (nhất là giá các dịch vụ xét nghiệm nhanh và PCR); thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh thông thường và khám chữa bệnh cho người bệnh COVID-19.

Phạm vi kiểm toán bao gồm việc huy động quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 tại 32 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các bộ, ngành, cơ quan Trung ương (Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam…); không kiểm toán việc mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, kit xét nghiệm tại tất cả các đơn vị (nội dung này Thanh tra chính phủ thực hiện), Kiểm toán Nhà nước chỉ tổng hợp số liệu theo báo cáo của các đơn vị.

Thời gian kiểm toán dự kiến từ ngày 16/2/2022 đến 31/3/2022, phát hành báo cáo kiểm toán trước ngày 31/5/2022.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng, việc kiểm toán này là cần thiết vì trong thời gian qua, Việt Nam nhận được khá nhiều nguồn tài trợ, viện trợ. Tuy nhiên, do nguồn hỗ trợ đa dạng cả về nhà tài trợ, viện trợ và cả về chủng loại mặt hàng nên mặc dù Bộ Y tế đã hỗ trợ tới 8 kho để lưu giữ và bảo quản hàng hóa phòng, chống dịch nhưng trên thực tế vẫn chưa đáp ứng yêu cầu nên việc tiếp nhận gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, do chưa có phần mềm quản lý kho nên việc tổng hợp và theo dõi số liệu tiếp nhận và xuất cấp mất nhiều thời gian.

Bộ Y tế căn cứ diễn biến dịch để thực hiện việc điều chuyển tài sản đã xuất cấp từ địa phương này sang địa phương khác để kịp thời phục vụ công tác chống dịch và điều trị bệnh nhân COVID-19. Hoạt động này cũng sẽ tạo ra khối lượng công việc lớn cho Bộ Y tế và các đơn vị, địa phương do phải thực hiện thủ tục điều chuyển tài sản trong trường hợp vượt quá định mức.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành, những quy định của pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã tương đối đầy đủ, kịp thời, khả thi, nhiều quy định có tính dự báo cao, góp phần tạo cơ sở pháp lý triển khai hiệu quả hoạt động phòng, chống dịch trong thời gian qua.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, vẫn có một số vấn đề phát sinh, còn tình trạng áp dụng các quy định chưa đồng bộ, thống nhất, cần sớm được giải quyết dứt điểm, kịp thời…

Ông Ngô Trung Thành cho rằng, cần khẩn trương rà soát một cách tổng thể các quy định có liên quan đến công tác phòng, chống dịch nói chung, đặc biệt là hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực cho phòng, chống dịch; phân bổ, sử dụng có hiệu quả số tiền huy động từ các nguồn lực xã hội ủng hộ cho phòng, chống dịch COVID-19 theo các cuộc vận động do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.

Các đại biểu nhận định, dịch bệnh diễn biến bất ngờ và hết sức phức tạp, công tác phòng, chống dịch hết sức cấp bách, nhiều cơ chế, chính sách ban hành khác các quy định pháp luật hiện hành và chưa có tiền lệ.

Do đó, việc kiểm toán đánh giá công tác nghiên cứu, tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách trong công tác phòng, chống dịch cần đặt trong bối cảnh dịch bệnh bất thường, bảo đảm đánh giá khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, làm rõ hiệu lực, hiệu quả của các cơ chế, chính sách, cũng như làm rõ có việc cài cắm, trục lợi của các cá nhân, cơ quan, tổ chức và các ngành, lĩnh vực liên quan khi tham mưu, ban hành, tổ chức triển khai các cơ chế, chính sách này hay không.

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn