Sẽ khó đón khách quốc tế từ 15/3 nếu áp điều kiện hạn chế đi lại
Các doanh nghiệp du lịch chuyên đón khách quốc tế (inbound) cho rằng, nếu thực hiện theo phương án đề xuất của Bộ Y tế với khách quốc tế nhập cảnh, Việt Nam sẽ khó thu hút khách.
Bộ Y tế vừa có công văn phúc đáp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc xin ý kiến đối với dự thảo Phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cân nhắc bổ sung, sửa đổi nội dung Dự thảo một số nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, việc mở lại các hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới cần căn cứ trên kết quả đánh giá cấp độ dịch bệnh tại mỗi địa phương, khu vực dự kiến cung cấp dịch vụ lưu trú, thăm quan, vui chơi, giải trí... cho khách du lịch, đồng thời địa phương cần có kế hoạch dự phòng, đáp ứng với các tình huống dịch bệnh COVID-19 có thể xảy ra trong quá trình mở cửa đón khách du lịch nhằm đảm bảo an toàn tuyệt cho du khách và cộng đồng.
Đáng chú ý, ngành y tế không chấp nhận kết quả test nhanh với khách quốc tế khi nhập cảnh, đồng thời yêu cầu những khách quốc tế không rời khỏi nơi lưu trú trong vòng 24 giờ đầu (kể từ khi nhập cảnh). Bộ Y tế cũng khuyến cáo khách không nên rời khỏi nơi cư trú trong 72 giờ đầu. Trong ngày thứ 2 và thứ 3, nếu muốn rời khỏi nơi cư trú, du khách phải xét nghiệm SARS-CoV-2 hàng ngày (xét nghiệm nhanh hoặc PCR âm tính).
Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từng đề xuất công nhận kết quả âm tính qua test nhanh trong vòng 24 giờ trước khi xuất cảnh và trong vòng 72 giờ đối với test PCR.
Nhận xét về đề xuất quy định phòng dịch này với khách quốc tế khi thực hiện mở cửa du lịch từ 15/3, ông Phạm Hà, CEO Lux Group cho biết: Việc có nhiều yêu cầu hạn chế đi lại sau nhập cảnh, chính sách không nhất quán sẽ đánh mất cơ hội thu hút khách quốc tế. Hiện Thái Lan đã gỡ bỏ nhiều rào cản với khách quốc tế, không yêu cầu phải hạn chế đi lại sau nhập cảnh. Khi khách nhập cảnh thì thực hiện như khách nội địa. Thực tế hiện nay, khách nội địa khi đến các điểm du lịch chỉ phải tuân theo các quy định phòng dịch như 5K, tự khai báo, không phải thực hiện test COVID-19...
“Do đó, trường hợp mở cửa du lịch từ 15/3, tôi cho rằng sẽ chưa có khách quốc tế. Đơn vị tôi đã giới thiệu sản phẩm về tàu du lịch nghỉ dưỡng tại Hạ Long từ tháng 6/2021 nhưng chưa thông tin cụ thể về giá vì sợ chính sách thay đổi. Việc đón khách quốc tế còn phụ thuộc vào chính sách cấp visa, điều kiện cách ly y tế. Kể cả trường hợp thông thoáng nhất thì phải đến quý III/2022 mới có đoàn khách”, ông Phạm Hà cho biết.
Còn ông Dương Xuân Tráng, Giám đốc công ty du lịch Mai Việt, chuyên dòng khách Pháp cho biết: Phản hồi của Bộ Y tế chưa sát với thực tiễn bởi thực tế khách nội địa hiện nay gần như không phải thực hiện cách ly. Trong giai đoạn số ca F0 tăng cao như hiện nay thì 24 giờ đầu khách đến có thể ở tại khách sạn bởi họ mới sang đang còn mệt. Nhưng ngày 2 và ngày 3 thì không cần thiết hạn chế đi lại. Khách có thể thực hiện test nhanh định kỳ rồi báo lại cơ quan quản lý tại địa phương.
“Chúng tôi đã gửi giới thiệu sản phẩm du lịch từ đầu năm tới đối tác nhưng riêng phần giá, tôi vẫn phải ghi rõ là có thể thay đổi theo chính sách của cơ quan quản lý Nhà nước. Hiện chúng tôi vẫn cập nhập thông tin với các hãng đối tác. Nhưng phản hồi từ phía đối tác cho thấy do sự không nhất quán từ phía Việt Nam nên khi lập kế hoạch khách sẽ lựa chọn các điểm đến có tính ổn định hơn để không phát sinh chi phí và những thủ tục không cần thiết”, ông Tráng cho biết.
Trong khi đó, ông Đào Hồng Thương, Giám đốc Vietsky Travel, chuyên khách Âu – Mỹ nhận định: “Những thủ tục về quy định hạn chế đi lại trong 3 ngày đầu khiến đơn vị chưa triển khai chương trình xúc tiến, quảng bá đến hãng đối tác. Với tình hình dịch như hiện nay, chúng tôi đang phải tính toán đến rất nhiều điều kiện phòng dịch và các tình huống phát sinh. Đơn cử như đoàn 10 người, không may 2 người mắc thì xử lý ra sao, điều trị ở đâu, chi phí ai chịu? Do đó, không chỉ đơn giản là điều kiện hạn chế đi lại 3 ngày đầu mà cả hành trình khi khách quốc tế đến Việt Nam. Do đó, dù có mở cửa hoàn toàn thì cũng phải đến cuối năm mới có khách vào ổn định".
Các doanh nghiệp đón khách quốc tế cũng chung nhận định, việc mở cửa từ 15/3 mới chỉ là bước đầu để các doanh nghiệp có cơ sở thông báo với đối tác nước ngoài và triển khai quảng bá. Còn thực tế lúc vận hành là cả vấn đề, nhất là trường hợp khách mắc COVID-19 thì chữa trị ra sao? cơ sở y tế của Việt Nam có đáp ứng đủ tiêu chuẩn? các khách sạn có chấp nhận để F0 lưu trú? Khách đi theo đoàn thì có thể tuân thủ các điều kiện phòng dịch do còn có doanh nghiệp bảo đảm, còn với khách đi lẻ không tuân thủ, khi mắc COVID-19 thì ai chịu trách nhiệm...
Do đó, theo đánh giá của doanh nghiệp lữ hành, mở cửa du lịch từ 15/3 thì nếu nhanh đến tháng 6/2022 mới bắt đầu có khách đến du lịch theo đúng nghĩa. Còn thời gian đầu vẫn chủ yếu là khách công vụ, Việt kiều.
Theo Hiệp hội du lịch Việt Nam, thực tế đã chứng minh khi thí điểm đón khách quốc tế của Việt Nam từ tháng 11/2021 đến nay, lượng khách quốc tế vào không đạt như kỳ vọng. Một trong những lý do là việc công bố thời điểm triển khai quá sát và những quy định cách ly y tế đối với khách du lịch quốc tế chưa thông thoáng, rõ ràng. Khách lo lắng có sự phân biệt đối xử giữa khách quốc tế và khách nội địa trong phòng chống dịch. Các doanh nghiệp du lịch không dám đầu tư xúc tiến, quảng bá vì sợ các chính sách mở cửa đón khách có thể bị thay đổi.
Tin nổi bật
Tin Video