Tin tức

Sau tuần đầu khôi phục đường bay quốc tế: Khắc phục tiếp những bất cập

Việc Chính phủ cho phép khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách tới những địa bàn có hệ số an toàn cao đã thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, du lịch, tạo điều kiện cho công dân Việt Nam trở về quê hương đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Tuy nhiên, bên cạnh số lượng chuyến bay và hành khách chưa nhiều cũng đã xuất hiện một số bất cập cần tiếp tục khắc phục, tháo gỡ.

10/01/2022 09:58
Sau tuần đầu khôi phục đường bay quốc tế: Khắc phục tiếp những bất cập - Ảnh 1.

Hành khách trên chuyến bay của Bamboo Airways đáp xuống Cảng hàng không quốc tế Nội Bài vào tối 5-1-2022.

Khôi phục các chuyến bay quốc tế

Chuyến bay mang số hiệu VN852 do Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines khai thác với hành trình từ Phnom Penh (Campuchia) chở theo 121 hành khách hạ cánh tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vào ngày 1-1-2022 là chuyến bay quốc tế thường lệ đầu tiên đến Việt Nam kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19. Sau chuyến bay này, chỉ trong 3 ngày đầu tiên của năm 2022, đã có tổng cộng 17 chuyến bay được thực hiện với 1.753 hành khách nhập cảnh vào Việt Nam. 4 cảng hàng không đón các chuyến bay quốc tế là: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Thực hiện chủ trương khôi phục hoạt động vận tải hành khách quốc tế; thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, du lịch, tạo điều kiện để công dân Việt Nam về quê hương trong bối cảnh Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 cận kề, các hãng hàng không đều khẩn trương lên kế hoạch và tổ chức các chuyến bay. Ngày 5-1, Bamboo Airways cũng có chuyến bay quốc tế chở khách thường lệ đầu tiên trong năm 2022.

Từ ngày 6-1, Vietjet Air bắt đầu khai thác một số chặng, như Hà Nội - Tokyo (Nhật Bản), Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc) - Hà Nội, Đài Bắc - thành phố Hồ Chí Minh. Vietnam Airlines đã triển khai bán vé trên các đường bay đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Lào, Đài Loan (Trung Quốc)… Hãng này cũng sẵn sàng khai thác các đường bay đi châu Âu, Australia trong tháng 1-2022 khi cơ quan chức năng cho phép, tiến tới khôi phục hoàn toàn mạng bay quốc tế.

Anh Jason Vũ, 31 tuổi, người Việt sinh sống tại Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc) trở về quê nhà trên chuyến bay của Bamboo Airways, nói: “Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, việc đi lại rất khó khăn. Chuyến bay này giúp những người Việt tại Đài Loan được trở về quê hương ngay trước Tết Nguyên đán”.

Nhằm bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19, các hành khách đều phải đáp ứng quy định xét nghiệm âm tính, tiêm vắc xin hoặc đã khỏi Covid-19 trước khi khởi hành, theo dõi sức khỏe, cách ly sau khi hạ cánh. Các hãng đều duy trì biện pháp phòng dịch với chuyến bay, như phun khử khuẩn máy bay, đơn giản hóa dịch vụ để hạn chế tiếp xúc… Về phía các sân bay, Phó Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đón trước chủ trương mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế, Nội Bài đã chuẩn bị đầy đủ các biện pháp phòng dịch theo những tiêu chí “hành lang xanh” và các điều kiện khác bảo đảm phục vụ bay an toàn, hiệu quả. Tất cả những biện pháp mà cảng triển khai đã được các tổ chức hàng không quốc tế đánh giá cao.

Cần thống nhất quy định về xét nghiệm trước chuyến bay

Dù rất mong đợi và có sự chuẩn bị chu đáo, song thực tế trong những ngày qua, số lượng chuyến bay cũng như lượng khách vận chuyển còn rất thấp. Theo thống kê của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, đến hết ngày 6-1, trung bình mỗi ngày, cảng đón 77 lượt chuyến bay với số lượng từ 1.500 đến 2.000 lượt khách đi và đến/ngày, trong đó chủ yếu là các chuyến bay chở hàng. Các chuyến bay chở khách đến Nội Bài hiện vẫn rất ít. Ngày cao nhất cũng chỉ có 7-10 chuyến bay. Như vậy, số chuyến bay chở khách chỉ chiếm hơn 10% tổng số chuyến bay quốc tế đi và đến sân bay này.

Bên cạnh số lượng chuyến bay và khách di chuyển thấp, nhiều hãng hàng không than phiền về một số bất cập, như yêu cầu thực hiện test nhanh trước khi lên máy bay và sau khi xuống máy bay trong khi đã có kết quả xét nghiệm theo phương pháp RT-PCR là không hợp lý. Hay yêu cầu hãng hàng không thu phí test nhanh qua vé máy bay và hãng thanh toán với đơn vị y tế; nhiều yêu cầu về khai báo y tế tại các địa chỉ, ứng dụng khác nhau…, cũng gây khó cho các hãng hàng không và hành khách.

Nhằm tháo gỡ khó khăn này, vừa qua, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Sơn đã có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ thống nhất quy định về xét nghiệm SARS-CoV-2 trước chuyến bay theo thông lệ chung là chỉ sử dụng kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR như các quốc gia, vùng lãnh thổ cũng như Việt Nam đang áp dụng trong thời gian qua. Trong trường hợp vẫn duy trì test nhanh, thống nhất việc thu phí xét nghiệm nhanh trực tiếp tại sân bay từ hành khách và chỉ xét nghiệm 1 lần đối với tổ bay nước ngoài khi nhập cảnh Việt Nam để chờ chuyến bay tiếp theo về nước (xét nghiệm tại sân bay hoặc tại khách sạn cách ly)...

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn