Sau trưng bày, tàu điện Nhổn - ga Hà Nội bao giờ vận hành?
Việc đào tạo lái tàu, các các nhân sự trực tiếp vận hành đang chậm trễ và có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ khai thác, vận hành...
Hai ngày cuối tuần qua, hàng trăm người dân Thủ đô hào hứng tham quan tàu điện tuyến Nhổn - ga Hà Nội. Đa phần khen tàu đẹp, bắt mắt song nhiều người quan tâm hơn dự án khi nào sẽ vận hành chính thức…
Nhiều người khen tàu đẹp, ga hiện đại
Trong các ngày 23-24/1, ông Nguyễn Đạt Đức (phố Nhổn, phường Tây Tựu) hồ hởi dẫn hai cháu nội đi xem tàu điện Nhổn - ga Hà Nội. “Cả bên ngoài và bên trong đều rất đẹp. Ghế ngồi, dây nắm cho người đứng đều vừa tầm cả với người già và khá thoải mái. Các vật liệu, kết cấu của tàu nhìn rất chắc chắn”, ông Đạt nói.
Ông Nguyễn Sâm, nguyên giảng viên Học viện Tài chính, từng có nhiều năm công tác, sinh sống ở Pháp nhận xét: “Ở Pháp cũng có tuyến tàu điện vừa đi trên cao kết hợp đi ngầm như tuyến Nhổn - ga Hà Nội.
Ở một số ga ngầm là quần thể không gian công cộng có sức chứa hàng nghìn người, có cả khu để vui chơi, sân thể thao. Nhà ga tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội có quy mô nhỏ so với ga tàu ở châu Âu, song đoàn tàu hiện đại và rất đẹp mắt”.
Nữ sinh viên Lê Thu Hà (Đại hoc Công nghiệp Hà Nội) cho rằng, phải chờ đến khi tàu hoạt động thực tế mới biết chất lượng thế nào. “Đoàn tàu nhìn rất bắt mắt, nhưng phải trải nghiệm lúc tàu chạy mới biết có bị rung lắc, dừng đột ngột như xe buýt hay không. Khi tuyến tàu điện này hoạt động, em sẽ đi những chuyến đầu tiên”, Hà nói.
Ghi nhận của PV, trong các ngày 23-24/1 có hàng trăm lượt người dân đến tham quan, trong đó có nhiều học sinh, sinh viên và người cao tuổi sinh sống, học tập tại các khu vực dọc tuyến đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy, thậm chí có cả người nước ngoài. Khi được hỏi, hầu hết khách tham quan đều đánh giá đoàn tàu, nhà ga có thiết kế đẹp, hiện đại, đặc biệt đoàn tàu có màu sắc trang nhã, nội thất phù hợp.
Thời điểm này, nhà ga S1 cũng như 7 ga trên cao khác của tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội vẫn đang trong giai đoạn thi công hoàn thiện, thang máy chưa vận hành. Tuy vậy, hầu hết khách tham quan đều hào hứng với thiết kế của ga. Hướng dẫn viên cho biết, nhà ga cách mặt đường 8m, dài 108m, rộng 24m và cao 22m.
Nhà ga được lắp tấm cách âm đặc biệt, cửa thông gió thoáng, được thiết kế 2 tầng. Tầng 1 là nơi khách mua vé, qua cửa soát vé để đi lên tầng đi tàu. Tầng 1 cũng là nơi có các dịch vụ tiện ích phục vụ hành khách như mua sắm, ăn uống nhẹ. Bên trong ga có các thiết bị camera an ninh, hệ thống thu soát vé tự động AFC… Đường thoát hiểm được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế.
Cuối năm 2021 vận hành chính thức
Dù khen tàu đẹp, nhiều người vẫn quan tâm đến tiến độ dự án khi nào sẽ vận hành chính thức. Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), tuyến Nhổn - ga Hà Nội đã hoàn thành thi công gói thầu đoạn tuyến trên cao và công trình hạ tầng kỹ thuật khu Depot. Hiện các nhà ga đang được lắp đặt thang cuốn, thang máy và đang chế tạo thử mẫu máy bán vé, cổng soát vé tàu…
Một trong những mốc tiến độ quan trọng khác là đoạn trên cao của tuyến đã được đóng điện lưới, đoàn tàu đầu tiên được đưa về Depot vào tháng 10/2020, đến nay trải qua giai đoạn thử nghiệm tĩnh và bắt đầu vào giai đoạn thử nghiệm liên động.
“Đoàn tàu được chạy thử nghiệm trong khu vực Depot và trên chính tuyến từ ga S1 đến ga S5 phục vụ căn chỉnh tốc độ tối đa, tối thiểu, thời gian dừng đỗ tại ga, đèn tín hiệu và các nội dung kỹ thuật khác. Quãng đường tàu chạy thử nghiệm khoảng 500km”, ông Đoàn Việt Dũng, Giám đốc quốc gia của nhà sản xuất đoàn tàu Alstom thông tin.
Cũng theo ông Dũng, các đoàn tàu trên tuyến được sản xuất tại Pháp, trước khi đưa về dự án được thử nghiệm với các yêu cầu kỹ thuật khắt khe nhất. “Trước khi đưa về Việt Nam, nhà sản xuất đã chạy thử tại Pháp đạt mốc 10.000Km và căn chỉnh để đảm bảo các thông số kỹ thuật, an toàn đề ra”, ông Dũng thông tin.
Đại diện nhà sản xuất cho biết, có 10 đoàn tàu được chế tạo theo phạm vi dự án và đoàn tàu thứ 2 đang được vận chuyển về nước.
“Đến tháng 7/2021 sẽ hoàn tất việc sản xuất, vận chuyển các đoàn tàu. Trong giai đoạn sản xuất, các đoàn tàu đã được vận hành thử nghiệm, vì vậy sau này có thể rút ngắn quãng đường thử nghiệm tại dự án so với đoàn tàu đầu tiên”, ông Dũng cho biết thêm.
Theo lãnh đạo MRB, trước đây dự án được UBND TP Hà Nội phê duyệt tiến độ vận hành chính thức 8,5Km đoạn trên cao vào tháng 4/2021 và thêm 4Km đi ngầm vào cuối năm 2022, song do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên tiến độ khai thác đoạn trên cao được điều chỉnh lùi vào cuối năm 2021.
Tìm hiểu của PV, tiến độ xây lắp, chế tạo đoàn tàu và thử nghiệm là khả thi, tuy nhiên việc đào tạo lái tàu, các các nhân sự trực tiếp vận hành đang chậm trễ và có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ khai thác, vận hành. Bởi đến nay vẫn chưa tổ chức đào tạo các bộ phận nhân sự quan trọng như lái tàu, điều hành chạy tàu, vận hành điện…
“Số lượng nhân sự lái tàu được tuyển dụng đến nay đã đủ, song chưa biết khi nào dự án mới tổ chức đào tạo. Theo kế hoạch trước đây, một số học viên sẽ được đưa sang Pháp đào tạo để về hướng dẫn lại cho học viên khác. Song do dịch Covid-19 nên chưa biết kế hoạch thay đổi thế nào”, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (đơn vị tiếp nhận dự án) cho biết.
Tin nổi bật
Tin Video