Tin tức

Sau Phần Lan, Thụy Điển cũng muốn gia nhập NATO

(VOVTV) - Chỉ ít giờ sau khi Phần Lan chính thức tuyên bố muốn xin gia nhập NATO, Thủ tướng Thụy Điển chiều tối 15/5 cũng thông báo sẽ từ bỏ chính sách trung lập và ủng hộ việc nước này trở thành thành viên của Liên minh quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tác giả Quang Dũng / VOV Paris
16/05/2022 06:57

Thông tin trong một cuộc họp báo được tổ chức chỉ ít giờ sau khi nước láng giềng Phần Lan chính thức xác nhận việc xin gia nhập NATO, Thủ tướng Thuỵ Điển, bà Magdalena Andersson cũng cho biết, đảng Dân chủ xã hội cầm quyền của bà sẽ từ bỏ sự phản đối việc Thuỵ Điển gia nhập NATO từ suốt 73 năm qua và sẽ vận động các đảng phái khác trong Quốc hội Thuỵ Điển ủng hộ việc đưa Thuỵ Điển trở thành thành viên của Liên minh quân sự này.

Sau Phần Lan, Thụy Điển cũng muốn gia nhập NATO - Ảnh 2.

Thủ tướng Thuỵ Điển Magdalena Andersson. (Ảnh: Reuters)

Theo nữ Thủ tướng Thuỵ Điển, chính sách trung lập, không tham gia vào các liên minh quân sự mà Thuỵ Điển duy trì suốt 200 năm qua hiện không còn là một đảm bảo an ninh vững chắc cho Thuỵ Điển sau khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra, khiến cấu trúc an ninh tại châu Âu sụp đổ. Bà Magdalena Andersson cũng nhận định, trong tương lai việc Thuỵ Điển là quốc gia duy nhất quanh biển Baltic không phải là thành viên NATO sẽ khiến nước này rơi vào tình thế dễ bị tổn thương trước các sức ép từ Nga nên sau khi Phần Lan xin gia nhập NATO, Thuỵ Điển cũng cần hành động tương tự.

“Đây là thực tế an ninh mới mà Thuỵ Điển phải đối mặt và trong thực tế mới này, tôi tin rằng Thuỵ Điển cần một sự đảm bảo an ninh chính thức mà chỉ có thể có được với tư cách là thành viên của NATO. Nhiều người lo ngại về những rủi ro khi xin gia nhập NATO và tôi cũng không phủ nhận rằng Thuỵ Điển có thể rơi vào tình thế dễ tổn thương trong quá trình xét đơn nhưng Thuỵ Điển thực tế đã ở trong tình thế đó”- Bà Magdalena Andersson nhấn mạnh.

Phản ứng trước việc cả Phần Lan và Thuỵ Điển cùng xin gia nhập NATO, trong ngày 15/5 nhiều nước châu Âu đã lên tiếng ủng hộ. Ngoại trưởng Đức, bà Annalena Baerbock cho biết nước Đức sẽ vận động để các thành viên khác của NATO ủng hộ việc đẩy nhanh quy trình kết nạp Phần Lan và Thuỵ Điển. Bộ Ngoại giao Pháp cũng ra thông cáo hoan nghênh ý định của 2 quốc gia Bắc Âu.

Hiện tại, trong số 30 thành viên của NATO mới chỉ có duy nhất Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng phản đối việc kết nạp Phần Lan và Thuỵ Điển. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng đây chỉ là chiến lược của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ nhằm gây sức ép buộc Phần Lan và Thuỵ Điển từ bỏ sự ủng hộ đối với những lực lượng chống đối chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang sống lưu vong tại hai quốc gia này.

Phát biểu trong buổi họp báo đặc biệt chiều 15/5, Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ không có ý định ngăn cản Phần Lan, Thuỵ Điển đồng thời nhận định các bên sẽ sớm đạt được sự đồng thuận. Ông Stoltenberg cũng cho biết NATO sẽ tìm cách đảm bảo an ninh cho Phần Lan và Thuỵ Điển trong giai đoạn chờ xét đơn xin gia nhập. Dự kiến, việc kết nạp Phần Lan và Thuỵ Điển sẽ là trọng tâm thảo luận của NATO khi khối quân sự này nhóm họp Thượng đỉnh tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha vào cuối tháng 6/2022.

Ý kiến của bạn