Tin tức

Sau ngày 1/10, việc đi lại tại TP.HCM sẽ như thế nào?

(VOVTV) - Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND các quận huyện, TP Thủ Đức và các sở, ngành, Công an Thành phố lấy ý kiến dự thảo phương án tổ chức giao thông từ ngày 1/10.

Tác giả Hà Khánh / VOV TPHCM
24/09/2021 21:24

Theo dự thảo của Sở GTVT TP.HCM, từ ngày 1/10, người ngồi trên phương tiện phải đảm bảo các điều kiện được phép lưu thông của ngành y tế, tuân thủ 5K, thực hiện khai báo qua ứng dụng VNEID. Đối với hoạt động vận tải bằng ô tô, đơn vị vận tải phải đảm bảo các điều kiện theo Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động giao thông vận tải an toàn của thành phố.

Sau ngày 1/10, việc đi lại tại TP.HCM sẽ như thế nào? - Ảnh 1.

TP.HCM đang lấy ý kiến về việc đi lại sau ngày 1/10

Về tổ chức giao thông, ở khu vực phong tỏa chỉ cho phép lưu thông xe công vụ, xe phục vụ công tác phòng chống dịch, phương tiện vận tải hàng hoá, gas, dược phẩm, thiết bị y tế, xe vận chuyển được cấp phép hoạt động hoặc có giấy của Bộ Tư lệnh Thành phố, Sở Y tế, các bệnh viện, cơ sở y tế… 

Trường hợp khu vực phong tỏa có những tuyến đường liên quận lưu thông cắt ngang, bắt buộc có lộ trình cho tất cả các loại xe quá cảnh lưu thông ngang qua và không được dừng đỗ.

Sau ngày 1/10, việc đi lại tại TP.HCM sẽ như thế nào? - Ảnh 2.

Người ra khi ra đường sau ngày 1/10 phải khai báo qua ứng dụng VNEID

Ở khu vực nguy cơ, ngoài các xe được phép lưu thông ở khu vực phong toả, bổ sung thêm xe của shipper, xe vận chuyển hàng hoá, dịch vụ liên quan trực tiếp đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp; xe taxi được Sở GTVT cho phép hoạt động; xe vận chuyển công nhân, xe đưa người dân về quê và đón người dân từ quê vào Thành phố…

Với khu vực bình thường mới, ngoài các loại xe được phép lưu thông ở khu vực nguy cơ, bổ sung thêm xe buýt và xe khách hợp đồng; bến khách ngang sông, bến thủy nội địa và tuyến du lịch đường thuỷ.

Sau ngày 1/10, việc đi lại tại TP.HCM sẽ như thế nào? - Ảnh 3.

Dự kiến TP.HCM vẫn duy trì các chốt kiểm soát (Trong ảnh là kiểm soát tại một chốt trên Quốc lộ 13)

Ngoài ra, Sở GTVT cũng lấy ý kiến về tổ chức giao thông cho một số đối tượng có nhu cầu lưu thông thường xuyên giữa thành phố và các tỉnh, thành; người từ các tỉnh đến thành phố chữa bệnh, hoạt động đi đến sân bay…

Theo dự thảo, các phương tiện vận tải hàng hóa lưu thông đến và ngang qua TP.HCM phải có mã QR. Đối với phương tiện có lộ trình quá cảnh qua thành phố thì không được dừng đỗ phương tiện trong suốt quá trình lưu thông, trừ trường hợp bất khả kháng như phương tiện hư hỏng, sự cố kỹ thuật, vấn đề sức khỏe người trên phương tiện…

Phương tiện vận chuyển hàng hóa đi đến thành phố phải tập trung tại các đầu mối, điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa được phép hoạt động theo quy định của thành phố….

Để phục vụ công tác nhận diện, kiểm tra, kiểm soát, dự kiến TP.HCM tiếp tục duy trì hoạt động trạm kiểm soát COVID-19 tại các cửa ngõ ra vào thành phố, gồm 12 chốt, trạm chính và 49 chốt trạm phụ…

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn