Lăng kính

Sạt lở ở Sóc Sơn, Hà Nội: Do rãnh thoát nước cứu hỏa hay còn có nguyên nhân nào khác?

(VOVTV) - Sáng 7/8, lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn, Hà Nội cho biết, qua đánh giá ban đầu, nguyên nhân dẫn đến vụ sạt lở khiến hàng loạt ô tô bị vùi lấp xảy ra cuối tuần qua là do hai bên rãnh thoát nước của con đường phòng cháy chữa cháy lâu ngày không được nạo vét, chứa nhiều bùn nên khi mưa lớn đã cuốn đất đá tràn xuống phía dưới.

Tác giả Như Nguyên - Anh Dũng / VOVTV
08/08/2023 17:27

Tại hiện trường vụ sạt lở xảy ra khoảng 10h30 ngày 4/8 ở tuyến đường bê tông thuộc địa bàn thôn Phù Ninh, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, sau 4 ngày về cơ bản bùn đất đã được dọn dẹp tương đối sạch sẽ. Đến thời điểm hiện tại, chỉ còn lại vài nhân công với một xe máy xúc dọn dẹp chỗ đất đá phía gần đỉnh dốc, ngay phía bên cạnh một căn homestay diện tích hàng nghìn mét vuông. Trao đổi nhanh với ông Nguyễn Huy Du – Chủ tịch UBND xã Minh Phú, ông cho biết, nguyên nhân ban đầu của vụ sạt trượt là do hai bên rãnh thoát nước của con đường phòng cháy chữa cháy lâu ngày không được nạo vét, chứa nhiều bùn dẫn đến hiện tượng tràn sang xuống phía dưới.

Trước đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, ông Phạm Quang Ngọc cũng xác nhận nguyên nhân vụ sạt lở xảy ra ngày 4/8 vừa qua là do tắc rãnh thoát nước hai bên đường phòng cháy chữa cháy nằm ở phía trên khu vực sạt lở. Cũng theo ông Ngọc, con đường bê tông phía dưới không nằm trong quy hoạch giao thông của huyện, hoàn toàn do người dân tự ý thi công xây dựng. Hầu hết các căn homestay nằm dọc con đường xảy ra vụ việc cũng đều đã bị lập hồ sơ liên quan đến hành vi vi phạm trật tự xây dựng.

Quan sát từ trên cao thì từ điểm đầu tiên của con đường thảm bê tông nơi xảy ra vụ việc, một phần diện tích rừng đã bị phá hủy. Điều này, theo nhận định ban đầu của các chuyên gia, cũng có thể ảnh hưởng đến dòng chảy khi mà địa hình khu vực sườn dốc tương tự, càng ít cây cối lượng nước dồn xuống càng lớn.

Việc cấp phép xây dựng trên khu vực đồi núi, khiến cây cối bị phá hủy, gây nguy cơ sạt lở, thậm chí đã sạt lở, gây thiệt mạng về người đã từng xảy ra ở một số địa phương trong cả nước. Tại Sóc Sơn, tuy nguyên nhân ban đầu của vụ sạt lở được xác định là do liên quan tới con đường phòng cháy chữa cháy, nhưng hình ảnh đồi núi bị san gạt như thế này không khỏi khiến dư luận lo ngại, liệu có còn nguyên nhân nào khác.

Cần nhắc lại, việc lấn chiếm, sử dụng không đúng mục đích đất lâm nghiệp của huyện Sóc Sơn nói chung, xã Minh Phú nói riêng đã nhiều lần được cơ quan chức năng kết luận. Trong đó, năm 2019, Đoàn Thanh tra liên ngành thành phố Hà Nội đã ban hành 2 Kết luận thanh tra về đất rừng Sóc Sơn. Theo đó, huyện Sóc Sơn còn 2.915 trường hợp vi phạm đất đai có công trình xây dựng, trong đó có 2.715 trường hợp vi phạm đất rừng.

Ý kiến của bạn