Tin tức

Sạt lở nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng nguy hiểm ra sao?

Sự cố sạt lở đất tại công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng đã khiến mọi hoạt động thi công bị đình chỉ. Các chuyên gia độc lập nói gì về sự kiện này?

06/12/2021 11:06

Thủy điện Hoà Bình là nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á từ năm 1994 đến 2012. Thủy điện Hòa Bình được mệnh danh là “công trình thế kỷ”, một biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô và sau này là Việt Nam - Liên bang Nga.

Nhà máy thủy điện Hòa Bình do Liên Xô (sau năm 1991 là Nga) giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng và vận hành. Công trình khởi công ngày 6/11/1979, khánh thành 20/12/1994.

Theo một văn bản mà Ban Truyền thông Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gửi cho VTC News, hiện tượng sạt trượt trong quá trình thi công các công trình thủy lợi, thủy điện, giao thông trong điều kiện địa chất, địa hình phức tạp, kèm theo ảnh hưởng thiên tai, mưa lũ lớn kéo dài đã xảy ra ở nhiều nơi.

EVN cho biết trên thực tế họ đã xử lý, khắc phục tốt hiện tượng này ở nhiều công trình thủy điện. Việc xảy ra sạt trượt tại hố móng nhà máy - Công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng không ảnh hưởng đến các công trình hiện hữu lân cận như đập chính thủy điện Hòa Bình, Tượng đài Bác Hồ.

Nhưng sự cố liên quan đến một công trình quan trọng, có vai trò rất to lớn đối với nền kinh tế và đời sống của người dân thu hút sự chú ý của nhiều người. PV VTC News đã tìm gặp các chuyên gia để nghe họ đánh giá và cung cấp thông tin thêm về sự kiện, cũng như những câu chuyện ít người biết liên quan đến công trình thế kỷ 20 ở nước ta.

Sạt lở nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng nguy hiểm ra sao? - Ảnh 1.

Phối cảnh công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng. Khu vực thi công là nơi có hai đường dẫn nước màu xanh, nơi dự kiến lắp đặt thêm 2 tổ máy phát điện, bên vai phải của đập. (ảnh:EVN)

“Nếu vỡ, 6 tỉnh sẽ bị cuốn trôi”

GS.TS Vũ Trọng Hồng - nguyên thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT, nguyên phó hiệu trưởng Đại học Thủy lợi, nguyên chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam nói với VTC News: “Tháng 10/1989, tôi bắt đầu đảm nhiệm chức Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (sau là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT). Chuyến công tác đầu tiên trên cương vị mới tại Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình là vào năm 1990. Khi đó đê Đà Giang (thuộc hữu ngạn sông Đà - PV) xuất hiện tình trạng sạt lở”.

Sạt lở nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng nguy hiểm ra sao? - Ảnh 2.

GS.TS Vũ Trọng Hồng

Theo cựu thứ trưởng Hồng, sau quá trình kiểm tra, giám sát, đoàn công tác nhận định, đê Đà Giang sạt lở do 3 nguyên nhân. Thứ nhất, Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình mở xả quá lớn nhằm hạ mực nước nhanh tránh lũ, cụ thể thời điểm đó đang mở 6 cửa xả với lưu lượng 7000m3/s làm xói chân đập, mất đường bê tông bờ phải. Thứ hai là do tàu hút cát hoạt động. Thứ ba, cẩu chân dê (thiết bị được sử dụng tại hầu hết các nhà máy thủy điện, có chức năng nâng hạ các cửa van, các lưới chắn rác hoặc sử dụng gầu vớt để vớt rác - PV)  bên phía bờ phải và bãi đá chặn lấp dòng chảy.

Đoàn kết luận, đê Đà Giang gặp sự cố do có công trình Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình. Để giải quyết lâu dài, Bộ Thuỷ lợi yêu cầu phải điều chỉnh dòng chảy, gia cố lại đê, dời tàu hút... Đồng thời tỉnh Hoà Bình cần lên phương án sơ tán dân trong trường hợp xấu nhất và cùng với các đơn vị có liên quan tham gia công tác khắc phục.

Sạt lở nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng nguy hiểm ra sao? - Ảnh 3.

Khu vực thi công Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình mở rộng xảy ra tình trạng sạt lở

“Liên hệ với sự kiện dừng thi công hạng mục đào hố móng, hầm phụ dự án Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình mở rộng do sạt lở, tôi thấy các ban ngành chỉ tập trung khắc phục hậu quả sạt lở chứ chưa lên phương án để địa phương sơ tán dân nếu trường hợp xấu nhất xảy ra. Trong phòng chống thiên tai phải sẵn sàng phương châm “4 tại chỗ”, cơ sở phải lo trước”, ông Hồng nói.

Vị chuyên gia cho rằng, tỉnh Hoà Bình đang rơi vào tình trạng lúng túng, bị động, chưa biết xử lý sao khi chưa có ý kiến chỉ đạo. “Không vỡ nhưng vẫn phải chỉ thị, đừng sợ làm mất tinh thần của dân, vì thiên tai không biết lúc nào xảy đến”, ông nói.

Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, về Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình, các thiết kế trước đây của Liên Xô chỉ quan tâm bên trong hàng rào công trình, bên ngoài thì Việt Nam phụ trách. Địa chất tại khu vực xây dựng nhà máy khá phức tạp, không hoàn toàn là đá phún xuất được tạo ra từ mắc ma phun lên mặt đất, mà có cả đá biến chất tức là đá yếu như đá vôi.

“Năm 1994, tôi là một trong những người tham gia nghiệm thu công trình trước khi khánh thành. Thật sự là khi đó không ai nghĩ sẽ mở rộng nhà máy như hiện nay. Đập Hoà Bình được thiết kế để chịu đựng 8 tổ máy, việc nâng cấp thêm chắc chắn địa chất sẽ bị ảnh hưởng”, GS.TS Vũ Trọng Hồng nói.

“Đập Hoà Bình là loại đập lõi sét, đất sét dần dần sẽ bị phong hoá, chất dính mất dần theo thời gian. Chúng ta từng tin tưởng rằng Nhà máy thuỷ điện Sơn La sau khi được xây dựng sẽ bảo vệ Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình. Hiện nay, mưa lũ trên thượng nguồn không còn là nguy cơ mà chính việc thi công, mở rộng đe doạ đến sự an toàn của công trình thuỷ điện Hoà Bình”, ông Hồng nói.

Theo ông, các đơn vị chức năng cần thực hiện ngay 2 nhóm giải pháp:

Thứ nhất, tỉnh Hoà Bình cần lên sẵn phương án sơ tán dân trong trường hợp khẩn cấp. “Một khi đập thuỷ điện Hoà Bình vỡ sẽ gây ra hậu quả khôn lường, toàn bộ 6 tỉnh đồng bằng sông Hồng sẽ bị cuốn trôi ra biển chỉ trong một ngày và Hà Nội sẽ ngập dưới 30m nước tính từ chỗ cao nhất của nhà ga Hàng Cỏ”, ông cảnh báo.

“Thứ hai, về mặt kỹ thuật: đánh giá xem địa chất dưới đập Hoà Bình đã chạm đến giới hạn và bị chuyển vị chưa. Trường hợp đã chuyển vị là có vấn đề, cần phải xử lý bằng cách khoan phun chân đập, làm neo vào lớp đất thì mới có thể tiếp tục thi công dự án mở rộng”.

An toàn phải được đặt lên hàng đầu

Theo PGS.TS Đào Trọng Tứ, Trưởng Ban điều hành Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu), việc thực hiện dự án Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình mở rộng là tốt khi sử dụng chung các hạng mục như hồ chứa, đập dâng, đập tràn của công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình hiện hữu. Dự án có tổng công suất 480 MW, bao gồm hai tổ máy, mỗi tổ công suất 240 MW. Sản lượng phát điện bình quân khoảng 488,3 triệu kWh/năm. Ngoài dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng, EVN cũng đang thi công Nhà máy thuỷ điện Ialy mở rộng.

Sạt lở nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng nguy hiểm ra sao? - Ảnh 4.

PGS.TS Đào Trọng Tứ

"Điều quan trọng nhất đối với các công trình mà đặc biệt công trình cấp quốc gia là phải đánh giá rất đầy đủ về mặt địa chất, khả năng thực hiện và những vấn đề an toàn. Hồ chứa Hoà Bình mà mất an toàn thì hậu quả khủng khiếp lắm.

Việc Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu tạm dừng thi công có nghĩa là dự án này chắn chắn đang có vấn đề về an toàn. Lợi ích kinh tế là quan trọng nhưng an toàn phải đặt lên hàng đầu, nếu không an toàn thì không được phép làm", PGS.TS Đào Trọng Tứ nói.

Sạt lở là do không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật

Trao đổi với phóng viên VTC News, GS.TSKH Phạm Hồng Giang - Phó chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, nguyên thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT cho rằng, sạt lở khi đào hố móng xảy ra khi thực hiện không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và nguyên nhân chính là do quá trình khảo sát, thiết kế thi công sai sót.

Sạt lở nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng nguy hiểm ra sao? - Ảnh 5.

GS.TSKH Phạm Hồng Giang

"Khi mái nghiêng không đảm bảo các yếu tố cần thiết, kết hợp thêm mưa thì tình trạng sạt lở sẽ dễ xảy đến. Sạt lở hố móng tuỳ theo từng mức độ khác nhau nhưng rất nguy hiểm đối với công nhân, trang thiết bị", ông Giang nói.

GS.TSKH Phạm Hồng Giang nhấn mạnh, việc dừng thi công dự án Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình mở rộng sau sự cố sạt lở là hết sức cần thiết, để tiến hành kiểm tra lại tất cả mái đào hố móng, xem mức độ an toàn thế nào. "Công trình này được thực hiện ngay gần hồ chứa với mức nước cao, rất nguy hiểm. Để tiếp tục thi công cần khảo sát, tính toán lại các thông số", ông nói.

Trong các ngày 17, 20/10 và 6/11/2021, tại công trường xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng có hiện tượng sạt lở trong hố móng.

Nguyên nhân, theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là do ảnh hưởng của 2 cơn bão trong tháng 10/2021 gây mưa. Mưa kéo dài kết hợp các yếu tố địa hình làm đất bão hòa nước trong thời gian dài gây sạt trượt với cung trượt lớn.

Ngày 5/11, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại buổi kiểm tra, làm việc về sạt lở khu vực thi công hố móng công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng.

Thông báo nêu rõ, yêu cầu chung đặt ra là phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho nhà máy thủy điện Hòa Bình, nhất là đập thủy điện Hòa Bình. Phải bảo đảm cảnh quan kiến trúc và an toàn cho công trình lịch sử văn hóa tượng đài Bác Hồ; Cần khảo sát, kiểm tra trên thực địa và kiểm tra các hồ sơ liên quan để đánh giá kỹ các nguyên nhân gây ra sạt trượt, từ đó đề ra các giải pháp trước mắt và lâu dài.

Phó Thủ tướng yêu cầu EVN tạm dừng thi công công trình nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng để đảm bảo an toàn cho công nhân.

Thực hiện ngay các giải pháp giảm thiểu rủi ro và nguy cơ sạt lở đã được các chuyên gia và đại diện các bộ, cơ quan góp ý. Bên cạnh đó, chỉ đạo tư vấn thiết kế công trình khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện các giải pháp để đánh giá kỹ về nguyên nhân gây ra hiện tượng sạt trượt và thực hiện ngay các giải pháp phù hợp nhất. Việc thi công trở lại, giao Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng quyết định trên cơ sở bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Nhà máy thủy điện Hòa Bình và tượng đài Bác Hồ.

Thời đó, chuyên gia Bogachenko (ông Pavel Bogachenko, trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô tại công trường xây dựng thủy điện Hòa Bình - PV) nói rằng nhà máy thuỷ điện Hoà Bình nếu muốn mở rộng thêm tổ máy hay làm âu thuyền thì phải làm bên bờ trái. Ông ấy nói điều này trong điều kiện chưa có thuỷ điện đầu nguồn sông Đà để chắn lũ như hiện nay. Nhưng nhìn chung việc sạt lở này đang phản ánh thực tế là dự án có vấn đề, nhà máy thuỷ điện Hoà Bình đang bị đe doạ về an toàn".

Ông Bạch Công Điệu, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình

Công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng

Chủ đầu tư: Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Đại diện chủ đầu tư: Ban Quản lý dự án Điện 1

Tổng mức đầu tư công trình: 9220,83 tỷ đồng

Tư vấn thiết kế: Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 1

Nhà thầu thi công cụm công trình cửa xả: Liên danh nhà thầu Tổng công ty xây dựng Trường Sơn - Bộ Quốc phòng, Công ty cổ phần xây dựng 47, Công ty cổ phần Lilama 10

Khởi công: tháng 1/2021

Phát điện tổ máy 1: Quý III năm 2024

Phát điện tổ máy 2 và hoàn thành công trình: Quý IV năm 2024

Nguồn: Ban Truyền thông EVN

Ý kiến của bạn