Tin tức

Sáp ong trên váy nhuộm tràm tôn thêm vẻ đẹp của phụ nữ Dao Sơn La ngày xuân

(VOVTV) - Bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Dao tiền ở Sơn La không chỉ đẹp bởi những hình hoa văn, hoạ tiết được thêu thùa tỉ mẩn, mà còn rất đặc sắc khi được chấm sáp ong nhuộm chàm. Trong những ngày xuân, vẻ đẹp của chị em phụ nữ Dao Tiền ở đây càng như được tôn thêm bởi những chiếc váy nhuộm chàm chấm sáp ong.

Tác giả Thiều Nghiệp / VOV Tây Bắc
16/02/2021 10:32

Để có được chiếc váy chấm sáp ong đẹp mắt, đầu tiên người phụ nữ Dao sẽ chọn mua những tấm vải màu trắng, hay còn được gọi là (tồm đia) theo cách gọi của đồng bào Dao Sơn La. Đây là loại vải được dùng để thêu thùa, khâu váy áo, khổ vải rộng 40cm, độ dày vừa phải. Tấm vải được cắt thành từng mảnh dài khoảng 45cm. Vải sau khi cắt được đặt lên bề mặt phẳng là chiếc bàn đá, sau đó dùng nanh lợn rừng mài cho miếng vải phẳng, mịn đều, sau đó dải lên lò taoz (cái nia) để tạo hình hoa văn.

Vải được nhuộm chàm.jpg

Vải được nhuộm chàm

Theo bà Triệu Thị Mụi, Tiểu khu Sao Đỏ 2, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La: Chiếc váy đẹp hay không phụ thuộc vào 2 công đoạn đó là: vải phải được mài thật mịn để khi chấm sáp không bị thấm xuống phía dưới, và kỹ thuật nhuộm chàm.

"Để làm được chiếc váy theo đúng trang phục truyền thống của người Dao tiền, quan trọng nhất là miếng vải phải được mài phẳng, mịn và khít. Khi chấm sáp ong mới dính tốt và không bị bong chóc và tránh được màu sắc không đồng đều sau khi nhuộm” - Bà Mụi cho biết thêm.

Vải đã được mài phẳng trước khi chấm sáp ong.jpg

Vải đã được mài phẳng trước khi chấm sáp ong

Dụng cụ để chấm sáp ong gồm: Dụ pơi (một que tre nhỏ được vót nhọn đầu), vè (một que tre nhỏ gắn thanh sắt nhỏ tạo hình chữ T), chùn thố (hai ống tre to và nhỏ) và phong tháo (một que tre nhỏ được gắn sắt ở đầu). Sáp chấm phải là sáp ong khoái. Đây là nguyên liệu chính để tạo ra màu sắc hoa văn là màu trắng.

Sáp ong trước khi được đun nóng chảy.jpg

Sáp ong trước khi được đun nóng chảy

Trước khi chấm, sáp ong được đun nóng chảy trên một chiếc đĩa đặt phía trên than củi. Nhằm tránh họa tiết sau khi chấm không đồng đều, thì sáp ong nhất thiết phải luôn được đun nóng chảy ở nhiệt độ vừa phải.

Đầu tiên dùng vè để tạo hình tam giác trên tấm vải, sau đó dùng dụ pơi chấm phía trong tam giác; phong tháo dùng để tạo các đường viền của các hình tam giác nhọn và chùn thố dùng để chấm hình đồng tiền xu. Đây là bước sau cùng để hoàn chỉnh bộ hoa văn trước khi miếng vải được nhuộm chàm.

Tạo hình chấm sáp ong trên vải.jpg

Tạo hình chấm sáp ong trên vải

Bà Đặng Thị Xuân, ở bản Suối Sìn, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, đã hơn 40 năm duy trì nghề chấm sáp ong trên trang phục của đồng bào Dao tiền chia sẻ: để hoàn thiện một chiếc váy phải mất thời gian gần 2 tháng. Không phải chỉ chấm xong sáp là đã có thể khâu, ghép thành váy được. Mà công đoạn ngâm, luộc vải trong nước nóng và đặc biệt ngâm chàm cũng đòi hỏi sự công phu, và mất nhiều thời gian.

Những miếng vải lần lượt được ngâm vào nước chàm để ngấm đều màu, sau đó phơi ở nơi mát đến khô thì mới đem ra phơi nắng. Công đoạn này lặp đi lặp lại 6-7 lần. Đến khi miếng vải co hết cỡ, và đặc biệt những họa tiết được chấm từ sáp ong nổi đều màu trắng trên bề mặt tấm vải chàm, có màu xanh tím than thì lúc đó mới ghép thành một chiếc váy hoàn chỉnh.

“Miếng vải khi chấm xong phải đem luộc qua nước nóng để bong hết phần sáp khô, và luộc đi luộc lại nhiều lần sau đó đem rũ nước đến khi bong hết phần sáp thì mới được nhuộm chàm. Trước khi ngâm, chàm cũng phải chuẩn bị rất kỹ. Chàm phải trồng được một năm tuổi, sau khi thu hoạch đem về ngâm nước một tháng thì mới cho màu sắc đẹp”. - Bà Xuân nói.

Chiếc váy chấm sáp ong đã hoàn thiện.jpg

Chiếc váy chấm sáp ong đã hoàn thiện

Phải mất thời gian gần hai tháng mới có thể hoàn chỉnh được một chiếc váy đẹp theo đúng bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Dao Tiền ở Sơn La, trong đó không thể không có chấm sáp ong trên váy nhuộm chàm. Thời gian chuẩn bị lâu là vậy, nhưng chị em ở các bản làng người Dao.

Bà Triệu Thị Mụi, Tiểu khu Sao Đỏ 2, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La khẳng định: “Là con cháu bàn vương, xưa kia được phân đi theo phụ mẫu nên mới có trang phục là váy áo. Đã bao đời nay bộ trang phục truyền thống vẫn được chị em người Dao chúng tôi gìn giữ, để nhắc nhở con cháu phải luôn nhớ về cội nguồn dân tộc. Đặc biệt người phụ nữ Dao tiền đều phải biết nghề chấm sáp ong làm trang phục. Chị em chúng tôi luôn bảo nhau phải biết gìn giữ bản sắc”.

Nơi đây vẫn duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác, và coi đó là nét riêng có trong trang phục của dân tộc mình.

Ngày xuân đến với các bản làng người Dao Sơn La, đặc biệt là ở Vân Hồ, Mộc Châu không khó bắt gặp những tốp chị em Dao Tiền diện trên mình bộ trang phục truyền thống. Và vẻ đẹp tinh tế, riêng có từ những chiếc váy nhuộm tràm được chấm sáp ong nhưg tôn thêm vẻ đẹp của những người con gái Dao nơi đây.

Ý kiến của bạn