Sáng tác nghệ thuật bằng AI, bản quyền thuộc về ai?
(VOVTV) - Gần đây, không khó bắt gặp những tác phẩm nghệ thuật và hội họa tạo ra bằng AI. Tuy nhiên, đang có một vấn đề nổi lên. Đó là, ai thực sự là chủ sở hữu bản quyền đối với những tác phẩm này, AI hay con người?
Sáng tác nghệ thuật bằng trí tuệ nhân tạo, khó khăn xác định bản quyềnAi
Năm ngoái, chị Kris Kashtanova nhập hướng dẫn hình ảnh vào một phần mềm trí tuệ nhân tạo để viết tiểu thuyết đồ họa và khơi mào cuộc tranh luận gay gắt về việc ai đã tạo ra tác phẩm nghệ thuật: con người hay thuật toán?
Chị sử dụng Midjourney, một chương trình AI tương tự như ChatGPT tạo ra những hình ảnh minh họa rực rỡ từ lời miêu tả. Chỉ cần nhập vào các lời miêu tả như "Cảnh khoa học viễn tưởng tương lai New York trống rỗng" và hàng trăm lời miêu tả khác là "Zarya of the Dawn", câu chuyện dài 18 trang đã ra đời, kể về một nhân vật giống như nữ diễn viên Zendaya lang thang ở Manhattan hoang vắng trong tương lai cách đây hàng trăm năm.
Kashtanova được cấp bản quyền vào tháng 9/2022 và tuyên bố trên mạng xã hội rằng, điều đó có nghĩa là các nghệ sĩ có quyền được pháp luật bảo vệ với các dự án nghệ thuật AI của họ.
Nhưng việc đó không kéo dài lâu. Vào tháng 2 vừa rồi, Văn phòng Bản quyền Hoa Kỳ bất ngờ đảo ngược chính sách và Kashtanova trở thành người đầu tiên ở nước này bị tước quyền bảo vệ pháp lý đối với nghệ thuật AI. Văn phòng cho biết những hình ảnh trong "Zarya" "không phải là sản phẩm của tác giả con người." Văn phòng chỉ cho phép Kashtanova giữ bản quyền về cách sắp xếp và cốt truyện.
Ở Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác, bất kỳ ai sáng tạo ra cái gì đó thường lập tức được cấp quyền sở hữu trí tuệ. Giấy chứng nhận quyền này sẽ là công cụ để thực thi các quyền của họ nếu như có tranh chấp ra tòa.
Nhưng vào thời điểm mà các chương trình AI mới như ChatGPT, Midjourney và Stable đang liên tục phá vỡ các kỷ lục về tăng trưởng người dùng, hệ thống pháp lý vẫn chưa tìm ra ai là người sở hữu đầu ra, là người dùng hay là chủ sở hữu của chương trình, hoặc có thể không có ai cả. Các chuyên gia pháp lý cho biết hàng tỷ đô la có thể đang phụ thuộc vào câu trả lời này bởi lẽ, nếu người dùng và người sở hữu các chương trình trí tuệ nhân tạo mới có được bản quyền thì họ có thể gặt hái được lợi nhuận khổng lồ. Chẳng hạn, các công ty có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo để sản xuất ra hàng tỷ hình ảnh đồ họa, đoạn nhạc, video, văn bản dùng cho quảng cáo, thương hiệu và giải trí và thu về hàng tỷ đôla.
Nhiều nghệ sĩ và công ty sở hữu nội dung sáng tạo phản đối gay gắt việc cấp bản quyền cho chủ sở hữu hoặc người dùng AI. Họ lập luận rằng vì các thuật toán mới hoạt động bằng cách tự đào tạo trên số lượng lớn tài liệu trên web mở, mà nhiều tài liệu trong đó là tài liệu có bản quyền, tức là các hệ thống trí tuệ nhân tạo đang ngấu nghiến trái phép tài liệu được bảo vệ hợp pháp nên việc cấp bản quyền là cho tác phẩm AI là không thể.
Getty Images - nhóm các nhà cung cấp hình ảnh khổng lồ trên mạng đã khởi kiện một loạt chủ sở hữu chương trình trí tuệ nhân tạo, trong đó có Midjourney, Stability AI và ChatGPT về vi phạm bản quyền.
Dẫu vậy, chị Kashtanova vẫn đang cố gắng để được cấp bản quyền đối với các sáng tạo sử dụng trí tuệ nhân tạo. Tiếp tục với sản phẩm mới, chị đã chuyển sang một chương trình AI khác, Stable Diffusion, cho phép người dùng quét các bản vẽ của chính họ và tinh chỉnh chúng bằng lời nhắc văn bản. Nghệ sĩ tin rằng việc bắt đầu từ những gì do chính nghệ sĩ tạo ra sẽ cung cấp đủ yếu tố "con người" để thuyết phục cơ quan chức năng.
Để thử xem Văn phòng bản quyền chấp nhận mức độ sáng tạo của con người đến đâu trong tác phẩm sử dụng trí tuệ nhân tạo, chị Kashtanova dự định gửi một loạt đơn đăng ký bản quyền cho các hình ảnh riêng lẻ trong cuốn truyện tranh mới, mỗi hình ảnh được thực hiện bằng một chương trình hoặc phương pháp AI riêng.
Tin nổi bật
Tin Video