Tin tức

Sản xuất vụ đông ở Hà Nội: Tạo đột phá để tăng giá trị

Trong bối cảnh kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, vụ đông năm 2021 có ý nghĩa rất quan trọng, vừa bảo đảm lương thực thực phẩm dịp cuối năm, tạo việc làm và thu nhập cho lao động nông thôn, vừa góp phần vào tăng trưởng của ngành Nông nghiệp Thủ đô…

06/10/2021 09:31

Nhằm tạo đột phá mới, nhiều địa phương đã điều chỉnh kế hoạch sản xuất vụ đông theo hướng tăng diện tích cây trồng so với kế hoạch ban đầu và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ các hợp tác xã, hộ sản xuất để mang lại giá trị, thu nhập cao.

Sản xuất vụ đông ở Hà Nội: Tạo đột phá để tăng giá trị - Ảnh 1.

Nông dân xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) sản xuất rau vụ đông (ảnh chụp ngày 4/10). Ảnh: Hoàng Văn

Bám sát khung thời vụ

Nam Phương Tiến là một trong những xã trọng điểm phát triển cây vụ đông của huyện Chương Mỹ. Năm nay, xã phấn đấu gieo trồng 250ha cây vụ đông các loại, với giá trị ước đạt hơn 18 tỷ đồng. "Mấy ngày qua trên địa bàn xảy ra nhiều trận mưa lớn làm chậm tiến độ 1 tuần so với kế hoạch nên ngay khi thời tiết thuận lợi, địa phương đang đẩy nhanh tiến độ xuống giống, nhất là các loại cây như ngô, đậu tương, lạc...”. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Phương Tiến Lê Văn Lanh chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới.

Còn Giám đốc Hợp tác xã rau Tiền Lệ huyện Hoài Đức Nguyễn Văn Hào cho biết, vụ đông này, hợp tác xã sản xuất khoảng 70ha. Tuy nhiên giá vật tư nông nghiệp đang ở mức cao, giá phân bón tăng 30% - 40% so với đầu năm và cùng kỳ năm trước… Do đó địa phương đang khuyến khích các hợp tác xã, nông dân áp dụng các mô hình sản xuất hữu cơ, VietGAP, hạn chế tối đa việc sử dụng hóa chất trên đồng ruộng.

Dù bị ảnh hưởng thời tiết mưa lớn đầu vụ, nhưng huyện Thường Tín đang tập trung nguồn lực, quyết tâm trồng đạt và vượt 1.500ha cây vụ đông. Theo Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Thường Tín Nguyễn Thị Chiêu, xác định thị trường tiêu thụ đang có những biến động thất thường, vụ đông năm nay, huyện chủ động tăng diện tích các loại nông sản dễ vận chuyển và bảo quản được lâu.

Thời vụ gieo trồng vụ đông thường dài hơn các vụ khác (kéo dài từ tháng 9 đến ngày 15/11). Vụ đông năm nay, Hà Nội tăng diện tích các loại cây có thị trường mở như: Ngô, đậu... vừa làm thực phẩm, vừa làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương thông tin: Đến thời điểm này, hầu hết địa phương vùng ngoại thành đều bám sát khung thời vụ, điều chỉnh kế hoạch sản xuất vụ đông theo hướng tăng diện tích và chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đáp ứng nhu cầu thị trường, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất...

Tăng cường hỗ trợ sản xuất

Sản xuất vụ đông ở Hà Nội: Tạo đột phá để tăng giá trị - Ảnh 2.

Sản xuất rau vụ đông tại xã Nam Hồng (huyện Đông Anh)

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, một trong những khó khăn đối với sản xuất vụ đông của Hà Nội và các địa phương là thời tiết diễn biến khó lường, giá vật tư, nguyên liệu sản xuất tăng cao, tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Do đó, cùng với các biện pháp hỗ trợ để tổ chức sản xuất hiệu quả, Hà Nội cần đa dạng các kênh phân phối sản phẩm, hỗ trợ dịch vụ mua, bán nông sản và lưu thông sản phẩm.

Bảo đảm cho thắng lợi vụ đông, các huyện, thị xã đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất. Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng cho biết, vụ đông 2021 huyện gieo trồng khoảng 800ha cây các loại. Cùng với phương châm "2 sớm 4 sát" (xây dựng đề án sớm, triển khai sớm; cơ cấu cây trồng sát với điều kiện tự nhiên, thời vụ sát với thủy văn, sản phẩm sát với thị trường, chỉ đạo sát cơ sở), Ứng Hòa hỗ trợ 50% giống khoai tây, 50% phân hữu cơ cho các mô hình trồng rau, khoai tây trên địa bàn với kinh phí hơn 2 tỷ đồng.

Sóc Sơn là huyện có diện tích cây vụ đông lớn của thành phố với hơn 3.000ha, Phó Chủ tịch UBND huyện Đỗ Minh Tuấn cho hay: Ngoài việc hỗ trợ 50% giống, vật tư nông nghiệp cho các địa phương triển khai vụ đông trên đất 2 lúa, các mô hình cây vụ đông giá trị cao, Sóc Sơn còn xây dựng cơ chế hỗ trợ về kho lạnh, bảo quản sau thu hoạch cho cây vụ đông để bảo đảm tiêu thụ sản phẩm thuận lợi.

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, để hỗ trợ các địa phương tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm vụ đông, cùng với việc đa dạng hóa nội dung của diễn đàn khuyến nông, đơn vị sẽ phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia hỗ trợ các mô hình cây vụ đông mới trên địa bàn thành phố…

Còn Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Hà Nội hỗ trợ phát triển sản xuất cây màu vụ đông (nguồn giống, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí làm đất) theo hướng sản xuất hàng hóa với kinh phí 76,825 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp thành phố sẽ kiểm tra, đánh giá các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, bảo đảm cung cấp đầy đủ nguồn giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; kiên quyết xử lý các hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, trái quy định pháp luật.

Việc triển khai đồng bộ giải pháp cũng như sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, sẽ tạo điều kiện để vụ đông 2021 của Hà Nội đạt hiệu quả cao ở cả 3 tiêu chí: Năng suất, chất lượng, giá thành sản phẩm.

Tổng diện tích cây vụ đông năm 2021 trên địa bàn Hà Nội là 32.548,4ha, tăng 2.859,3ha so với kế hoạch đầu năm. Đến nay toàn thành phố đã gieo trồng được hơn 15.000ha. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với UBND các huyện, thị xã tiếp tục rà soát kế hoạch sản xuất theo hướng phù hợp với điều kiện đất đai, thị trường tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm mục tiêu về diện tích, năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế...

Ý kiến của bạn