Tin tức

San ủi trái phép vườn quốc gia để làm đường ở Tây Nguyên: Kẽ hở lớn cho phá rừng

Dự án đường Trường Sơn Đông đi qua 7 tỉnh Miền trung và Tây Nguyên đã không tuân thủ các quy trình, quy định.

14/02/2022 09:20

Dự án đường Trường Sơn Đông đi qua 7 tỉnh Miền trung và Tây Nguyên, đang chuẩn bị xuyên qua Vườn quốc gia Chư Yang Sin, tỉnh Đắk Lắk và vườn quốc gia Bidoup Núi Bà, tỉnh Lâm Đồng. Là Dự án trọng điểm quốc gia, đi qua khu vực trọng điểm về sinh thái môi trường, đươc bảo vệ nghiêm ngặt, lẽ ra dự án phải được tiến hành thận trọng và chặt chẽ, theo đúng các quy định của pháp luật. Thế nhưng, việc triển khai trong thực tế đã không tuân thủ các quy trình, quy định. Đơn vị thi công xé rừng cấm để làm đường mà chủ rừng và chính quyền địa phương không hề hay biết.

San ủi trái phép vườn quốc gia để làm đường ở Tây Nguyên: Kẽ hở lớn cho phá rừng - Ảnh 1.

Con đường dài hơn 7km, xuyên qua 2 tiểu khu 1383 và 1402 của Vườn Quốc gia Chư Yang Sin đã bị san ủi trắng.

Ngày 12/2, chúng tôi có mặt tại Tiểu khu 1383 và 1402, nơi Ban quản lý dự án 46, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng đang triển khai dự án đường Sơn Đông gói thầu Đ41. Tại đây, một con đường dài hơn 7km, xuyên qua hai tiểu khu đã được san ủi, với hơn 15ha rừng bị thiệt hại. Toàn bộ cây rừng trên tuyến đường này đều bị đào, múc, san lấp mất dấu; chỉ một số cây còn nằm ngổn ngang ven đường.

Ông Y Te Buôn Krông, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk cho biết, không rõ quá trình san ủi bắt đầu từ khi nào. Các cơ quan chức năng của huyện và tỉnh chỉ phát hiện vụ việc vào cuối tháng 1/2022. Còn ông Lộc Xuân Nghĩa, Giám đốc Vườn Quốc gia Chư Yang Sin giải thích, vườn bị san ủi quy mô lớn, đúng vào khi các trạm tập trung bảo vệ các diện tích gần dân cư. Đồng thời, đơn vị cũng chủ quan, không ngờ một đơn vị nhà nước lại phá rừng khi chưa được phép.

San ủi trái phép vườn quốc gia để làm đường ở Tây Nguyên: Kẽ hở lớn cho phá rừng - Ảnh 2.

Vị trí mà đơn vị thi công phá rừng thuộc gói thầu Đ41 của dự án đường Trường Sơn Đông, do Ban quản lý 46 (Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng) làm đại diện chủ đầu tư.

“Anh em ở trạm có sự chủ quan, cứ nghĩ đó là cơ quan Nhà nước nên chủ yếu lại làm khu vực phía ngoài này có nguy cơ phát rẫy. Về phía quản lý đối với lãnh đạo, các phòng ban của Vườn thì việc kiểm tra, giám sát thì đi lại rất khó khăn, ở trong các khu vực sâu cũng chưa đi vào được”, ông Lộc Xuân Nghĩa nói.

Ông Võ Thành Huệ, Phó Chủ tịch UBND huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk) khẳng định, đơn vị thi công đường Trường Sơn Đông đã không thông qua chính quyền địa phương mà ngang nhiên đưa máy móc vào san ủi rừng đặc dụng của Vườn Quốc gia Chư Yang Sin.

Ông Huệ cho biết, 15ha rừng (vừa bị phá) hiện vẫn chưa có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất, bởi thẩm quyền chuyển đổi thuộc Thủ tướng Chính phủ. Huyện xác định đây là hành vi vi phạm pháp luật và đang phối hợp với các sở ngành của tỉnh kiểm tra, làm rõ.

“Các đơn vị khi làm đã không thông qua chính quyền địa phương, chưa thực hiện chuyển đổi, ngang nhiên đưa máy móc, thiết bị vào làm thì như vậy là vi phạm các quy định của nhà nước. Huyện đã giao cho Hạt kiểm lâm kiểm tra, làm việc với đơn vị chủ rừng là Chư Yang Sin, báo cáo về Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm tỉnh để có hướng chỉ đạo”, ông Võ Thành Huệ cho hay.

Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết, vị trí mà đơn vị thi công phá rừng thuộc gói thầu Đ41 của dự án đường Trường Sơn Đông, do Ban quản lý dự án 46 (Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng) làm đại diện chủ đầu tư. Đây chỉ là một trong nhiều gói thầu của dự án Trường Sơn Đông, dự kiến có chiều dài khoảng 36km với hàng chục ha rừng đặc dụng của Vườn Quốc gia Chư Yang Sin cần chuyển đổi.

San ủi trái phép vườn quốc gia để làm đường ở Tây Nguyên: Kẽ hở lớn cho phá rừng - Ảnh 3.

Toàn bộ cây rừng trên tuyến đường này đều bị đào, múc, san lấp mất dấu; chỉ một số cây còn nằm ngổn ngang ven đường.

Ông Hưng khẳng định, tỉnh Đắk Lắk và Bộ NNN&PTNT đã hướng dẫn cụ thể Ban quản lý dự án 46 làm các thủ tục để chuyển đổi rừng. Tuy nhiên, khi chưa hoàn thiện các thủ tục, chưa được phê duyệt chuyển đổi thì đơn vị thi công đã san ủi rừng. Chi cục đang phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ hành vi phá rừng trái pháp luật.

“Chi cục sẽ có trách nhiệm phối hợp về mặt chuyên môn để giám định hiện trường, khám nghiệm hiện trường để xử lý theo đúng quy định, theo Luật Lâm nghiệp, theo các Nghị định. Cái này thì không còn xử phạt hành chính nữa, trên 5 sào rừng sản xuất đã hình sự rồi, mà đây là trên 15ha rừng đặc dụng”, ông Hưng cho hay.

Trao đổi với phóng viên VOV, một lãnh đạo của Ban quản lý dự án 46 cho biết, mới đảm nhận nhiệm vụ tại ban được mấy tháng, hiện đang nắm lại tình hình vụ việc để báo cáo Bộ Quốc phòng. Ban sẽ thông tin, trả lời báo chí sau khi có ý kiến của Bộ.

Không chỉ san ủi vườn quốc gia Chư Yang Sin để thi công dự án đường Trường Sơn Đông, quá trình thực địa, chúng tôi nhận thấy việc này cũng diễn ra tại Vườn Quốc gia BiDoup Núi Bà (tỉnh Lâm Đồng). Ở gói thầu Đ42 và C13 của dự án, một đoạn dài vài km với nhiều diện tích rừng nguyên sinh đã bị phá trắng.

Theo quy định, rừng đặc dụng là tài nguyên quốc gia được bảo vệ nghiêm ngặt; việc chuyển đổi cần phải thông qua Quốc hội, Chính phủ. Việc đơn vị thi công Dự án Đường Trường Sơn Đông tự ý san ủi rừng chẳng những sai quy định mà còn tạo  kẽ hở lớn cho nạn phá rừng và chiếm đoạt tài nguyên gỗ ở các Vườn Quốc gia Chư Yang Sin và Bi Doup Núi Bà./.

Ý kiến của bạn