Sẵn sàng điều trị F0 là trẻ em: Trường học an toàn không phải là 'zero covid'
Khái niệm trường học an toàn không phải là “zero covid” mà phải xây dựng được kịch bản ứng phó, tổ chức được truy vết nhanh, khoanh vùng nhanh khi phát hiện F0 trong nhà trường để đảm bảo chống dịch an toàn.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, các chuyên gia đã đưa ra những kịch bản ứng phó cụ thể cho mọi tình huống phát hiện F0 trong trường học. Đặc biệt trong đó, lưu ý vòng lây nhiễm dịch từ trẻ em trong nhà trường về gia đình. Theo đó, sẵn sàng phương án điều trị học sinh mắc COVID-19.
Dù tỷ lệ trẻ em mắc COVID-19, số ca bệnh diễn biến nặng thấp nhưng vẫn có trường hợp tử vong khi số ca mắc quá nhiều. Do vậy, các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh yếu tố phòng dịch và không để có quá nhiều trẻ lây nhiễm bệnh cùng lúc. Trong khi, các loại thuốc điều trị COVID-19 không khuyến nghị sử dụng cho trẻ em.
Trao đổi với phóng viên, Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư Trần Minh Điển nêu cụ thể những đề xuất từ ứng phó khi phát hiện F0 trong lớp học đến lên phác đồ điều trị cho các ca mắc là học sinh, trẻ em. Theo đó, khẳng định mục tiêu phòng, chống dịch hiệu quả, theo hướng khoanh nhỏ khi phát hiện F0 trong lớp học, đảm bảo trường học vẫn tiếp tục mở cửa an toàn.
PV: Dự báo số ca mắc COVID-19 ở trẻ em sẽ tăng cao khi trường học mở cửa lại, vậy theo ông từ nhà trường đến gia đình cần có sẵn kịch bản và xử trí như thế nào khi có trường hợp học sinh là F0?
Ông Trần Minh Điển: Trong thời gian tới, theo chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cấp ngành, địa phương, chúng ta sẽ mở cửa các trường học đón học sinh trở lại học trực tiếp. Trước mắt, nhóm học sinh 12-17 tuổi đã được tiêm chủng sẽ trở lại trường, nhóm tiếp theo là nhóm học sinh 5-11 tuổi tiếp tục đi học.
Việc làm thế nào để đảm bảo an toàn cho học sinh tới trường có nhiều khía cạnh. Thứ nhất, về phía các trường học, các cấp chính quyền và y tế địa phương sẽ cùng phối hợp xây dựng kịch bản ứng phó an toàn nhất cho trường học dưới sự hướng dẫn của Bộ Y tế. Thứ hai là các bậc phụ huynh, chúng ta phải chuẩn bị tâm lý cho con em như thế nào và phải cùng nhà trường hướng dẫn các cháu tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch nhất là 5K. Trong thời gian tới, khi nhóm trẻ nhỏ tuổi hơn đến trường và nếu xuất hiện tình huống ca nghi hay đã nhiễm virus SARS-CoV-2 trong lớp học, thì việc đầu tiên là nhà trường, phụ huynh phải thật bình tĩnh. Nhà trường phải phối hợp với y tế địa phương để thông tin tới các gia đình nhằm tìm hiểu lịch sử dịch tễ của học sinh này. Theo đó, xác định hoạt động ở nhà và ở trên lớp của học sinh như thế nào. Đặc biệt, cần truy vết cẩn thận tại lớp học và khoanh lại một vài bàn học gần chỗ học sinh ngồi, một vài khu vực học sinh vui chơi, chứ không nhất thiết phải đóng cửa cả lớp học hay cả trường học.
Khái niệm trường học an toàn đôi khi không phải là “zero covid” mà chúng ta phải xây dựng được kịch bản ứng phó, tổ chức được truy vết nhanh, khoanh vùng nhanh khi phát hiện có F0 trong nhà trường để đảm bảo chống dịch an toàn.
Trong trường hợp học sinh không may mắc COVID-19, thì các bậc phụ huynh cần bình tĩnh, không quá căng thẳng và lo ngại. Khi con em ở nhà, các bậc phụ huynh phải theo dõi triệu chứng như thế nào? Diễn tiến các triệu chứng ho sốt như thế nào? Để hỗ trợ và thông báo cho y tế cơ sở để các cháu được điều trị tốt nhất.
Đây là bệnh dịch truyền nhiễm, nên việc cách ly cũng là vấn đề quan trọng nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm cho các thành viên khác trong gia đình. Bố mẹ, người lớn trong gia đình lúc này cần sát sao và thực hiện đúng theo hướng dẫn y tế về cách thức điều trị, cách ly tại nhà như thế nào. Đặc biệt là lưu ý dấu hiệu chuyển nặng để cần thiết phải nhập viện điều trị.
PV: Xin ông nêu cụ thể hơn những lưu ý trong việc theo dõi triệu chứng bệnh ở trẻ tại gia đình mà các bậc phụ huynh cần lưu ý?
Ông Trần Minh Điển: Với trẻ em, chúng ta phân ra nhiều nhóm tuổi khác nhau. Nhóm tuổi đầu tiên chúng tôi lo ngại nhất là trẻ sơ sinh và trẻ bú mẹ đến 18-24 tháng tuổi. Đây là nhóm trẻ dễ có nguy cơ và nếu không may lây nhiễm bệnh thì việc chăm sóc cần đặc biệt lưu ý. Nếu lơ là chăm sóc thì nhóm trẻ này sẽ có nguy cơ dễ chuyển nặng nhất.
Dấu hiệu ban đầu của nhóm trẻ này có thể là hắt hơi sổ mũi, sốt hoặc mệt yếu, bỏ bú… Trong quá trình theo dõi, nếu như một trẻ mắc COVID-19 vẫn ăn, bú và tình trạng sốt không nhiều, hắt hơi nhẹ thì chúng ta hoàn toàn có thể chăm sóc tại nhà theo như điều trị cảm cúm thông thường. Những dấu hiệu chuyển nặng cần lưu ý ở nhóm trẻ này là việc trẻ bú kém, trẻ mệt ngủ nhiều hơn, hoặc sốt cao hơn. Bố mẹ cần lưu ý những dấu hiệu này để khi cần thiết phải đưa trẻ tới các trạm y tế cơ sở và bệnh viện để các bác sĩ thăm khám, hỗ trợ phát hiện các dấu hiệu chuyển nặng tốt hơn và quyết định hướng điều trị tốt nhất cho trẻ.
Nhóm tuổi thứ 2 là trẻ mẫu giáo, khi có vấn đề về hô hấp trên hay vấn đề ở các cơ quan như phổi, ruột… sẽ có dấu hiệu rõ ràng hơn. Với COVID-19, triệu chứng của trẻ chủ yếu là viêm đa hô hấp trên, kèm theo đáp ứng viêm, đáp ứng miễn dịch gây ra tình trạng sốt cao. Với nhóm trẻ này, các bậc phụ huynh và người lớn trong nhà vẫn cần theo cần thận. Đồng thời, cho trẻ ăn uống, vệ sinh mũi họng đầy đủ và theo dõi các dấu hiệu sốt, nhịp thở và tình trạng tri giác để phát hiện những dấu hiệu bất thường như sốt cao và đáp ứng kém với thuốc hạ sốt, hay mệt nhiều hơn, thở nhanh hơn… Những dấu hiệu này cần phá hiện sớm để đưa đến bệnh viện.
Với nhóm trẻ lớn hơn từ tiểu học đến THCS và THPT, các triệu chứng bệnh có thể theo dõi dễ dàng hơn khi trẻ tương tác tốt với người lớn. Do vậy, chúng ta có thể nhận biết dễ dàng hơn tình trạng sốt, khó thở hay mệt mỏi toàn thân. Với bất cứ dấu hiệu chuyển nặng từ trẻ sơ sinh đến trẻ lớn, chúng ta cần thiết phải đưa các cháu đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ hỗ trợ thăm khám, tư vấn việc đưa các cháu đi điều trị kịp thời, hiệu quả hay tiếp tục điều trị tại nhà.
PV: Các bệnh viện sản nhi nói riêng và các bệnh viện điều trị COVID-19 nói chung cần những chuẩn bị như thế nào để chăm sóc trẻ sơ sinh là F1 của các sản phụ mắc COVID-19?
Ông Trần Minh Điển: Trong thời gian vừa qua, một số thai phụ đã mắc COVID-19 và trường hợp này có nguy cơ đẻ non hoặc dễ bị lo lắng căng thẳng trong thai kỳ. Khi mẹ là F0, hầu hết trẻ sơ sinh sinh thường hay mổ đẻ đều không nhiễm virus. Nhưng trẻ sơ sinh trở thành F1 và phải tách khỏi mẹ để tránh tình trạng trẻ sơ sinh lây nhiễm COVID-19 từ mẹ.
Để chăm sóc trẻ sơ sinh F1 cũng cần phân loại theo từng mức độ của trẻ sơ sinh. Cụ thể, có trường hợp trẻ sinh non, trường hợp trẻ suy hô hấp sau sinh… thì vẫn cần có chăm sóc theo thông lệ tại các bệnh viện nhi và sản nhi. Với những trường hợp này, trẻ được theo dõi nồng độ virus và kiểm tra xét nghiệm COVID-19 trong 24 giờ và 48 giờ sau sinh. Nếu như trẻ không có dấu hiệu mắc COVID-19 thì chúng ta có thể đưa về chế độ chăm sóc trẻ sơ sinh thông thường.
Những trường hợp trẻ sơ sinh có tình trạng bình thường và không mắc COVID-19 sau 24 giờ đến 48 giờ, chúng ta có thể hoàn toàn giao cho các gia đình chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, có những trường hợp cả gia đình đều là F0 thì hiện nay các bệnh viện tại các khu vực Hà Nội, cũng như các bệnh viện Trung ương đều có khu cách ly riêng dành cho sản phụ F0 và các điều dưỡng, các bác sĩ sẽ trực tiếp chăm sóc trẻ sơ sinh F1, đặc biệt giữ gìn cho trẻ đủ độ ấm, cho ăn, bú đầy đủ để trẻ không bị lây nhiễm COVID-19 và phát triển bình thường cho đến khi được trao về cho gia đình.
Tin nổi bật
Tin Video