Samsung, Apple sắp phải trả phí hàng tỉ USD cho Huawei
Gặp khó trong mảng di động, song Huawei vẫn có những thế mạnh giúp họ thay đổi cách thức giao dịch với các OEM khác như Samsung, Apple.
Ba năm trước, nhiều người có lẽ đã tin rằng Huawei sẽ trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, sau khi chứng kiến doanh thu tăng trưởng liên tục của gã khổng lồ Trung Quốc.
Thế nhưng, mọi thứ đã thay đổi với Huawei vào tháng 5/2019, khi Chính phủ Mỹ quyết định thêm công ty vào danh sách thực thể, kèm theo cáo buộc lo ngại về an ninh, bảo mật.
Từ đó tới nay, lệnh cấm đã gián tiếp ngăn cản Huawei tiếp cận với các giải pháp phần cứng, cũng như phần mềm của các đối tác từ Mỹ, dẫn tới tình trạng thiếu hụt nguồn cung, và mở ra một tương lai bất định trong thị trường smartphone.
Dẫu vậy, những lợi thế trong mảng nghiên cứu và đổi mới thuộc lĩnh vực viễn thông vẫn giúp cho Huawei có được vị trí quan trọng trên bản đồ thế giới.
Theo một thông tin đáng tin cậy trên diễn đàn XDA dành cho các lập trình viên, Huawei được cho là sẽ bắt đầu cấp phép công nghệ 5G của mình cho các thương hiệu khác bao gồm Apple và Samsung.
Samsung, Apple có thể phải trả từ 1,2 - 1,3 tỷ USD cho Huawei
Theo một báo cáo gần đây từ Bloomberg, Giám đốc pháp lý của Huawei, Song Liuping cho biết công ty có kế hoạch đàm phán "cấp phép chéo" các bằng sáng chế 5G của mình với Apple và Samsung.
Nếu đàm phán diễn ra tốt đẹp, gã khổng lồ Trung Quốc dự kiến sẽ có thu nhập từ 1,2 tỷ đến 1,3 tỷ USD dưới dạng phí cấp phép từ năm 2019 đến năm 2021.
Mặc dù số tiền này có vẻ rất lớn, song Huawei được cho là vẫn tính phí cấp phép thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực thiết bị viễn thông, gồm có Nokia, Qualcomm và Ericsson. Đây chính là lợi thế mà Huawei muốn duy trì, nhằm tạo ra tính hấp dẫn với đối tác.
Cụ thể, Jason Ding, người đứng đầu bộ phận sở hữu trí tuệ tại Huawei, cho biết công ty dự kiến giới hạn số tiền bản quyền ở mức 2,5 USD cho mỗi chiếc smartphone 5G. Con số này chỉ tương đương 30% so với mức giá 7,5 USD mà Qualcomm hiện đang tính cho Apple.
Bên cạnh đó, ngoài điện thoại thông minh, các bằng sáng chế này cũng sẽ được tận dụng cho thiết bị được kết nối (IoT) và những công nghệ cải tiến trong tương lai, bao gồm nhà thông minh, ô tô tự hành, hay robot được sử dụng trong các ngành công nghiệp.
Theo các giám đốc điều hành của Huawei, lệnh trừng phạt của Mỹ được thực thi dưới thời Trump không bao gồm điều khoản ngăn cản công ty thanh toán cho loại hình tài sản trí tuệ, ngay cả khi cơ sở hạ tầng 5G được phát triển bởi một công ty khác.
Bloomberg dự đoán trong một vài năm tới có thể sẽ xảy ra những tranh chấp liên quan tới linh kiện, hệ thống tích hợp công nghệ 5G từ các công ty cung cấp nền tảng như Huawei hoặc Qualcomm. Dẫu vậy, điều này là có thể kiểm soát, do 5G đang dần trở nên phổ biến và tiêu chuẩn hơn.
Theo Allied Market Research, doanh thu toàn cầu từ việc bán các thiết bị hỗ trợ 5G được dự đoán sẽ tăng từ 5,5 tỷ USD vào năm 2020 lên 668 tỷ USD vào năm 2026.