‘Sám hối’: Tiếc cho nỗ lực của Bình Minh trong bộ phim 50 tỷ đồng
Được thực hiện bởi đội ngũ đến từ Ấn Độ cùng kinh phí sản xuất được cho lên đến 50 tỷ đồng, nhưng bộ phim có Bình Minh đóng chính dễ khiến người xem hụt hẫng.
Sám hối do Peter Hein - nhà làm phim người Ấn Độ mang dòng máu Việt - làm biên kịch kiêm đạo diễn. Anh được biết tới qua vai trò đạo diễn hành động và chỉ đạo đóng thế cho một số tác phẩm hành động nổi tiếng tại Bollywood.
Nhân vật chính trong Sám hối là Long (Bình Minh) - một võ sĩ chuyên nghiệp thuộc bộ môn võ tự do. Với thành tích bất bại trên sàn đấu, anh được xem là tay đấm vô địch đang ở đỉnh cao sự nghiệp.
Không chỉ sở hữu tiền tài hay danh vọng, Long còn có cuộc sống gia đình êm ấm với người vợ đảm đang Thủy (Anh Thư) và cô con gái Diệu (Angelina Raja).
Do cá tính có phần tự mãn và quá thẳng thắn, Long đã xung đột với ông Cường (Ramani Raja) - nhà tài trợ chính, đồng thời là ông trùm thế giới ngầm đầy quyền lực. Cho rằng bị xúc phạm, ông Cường tìm mọi thủ đoạn nhằm hạ bệ Long, biến tay đấm đỉnh cao rơi vào cảnh thân bại danh liệt.
Đúng lúc sự nghiệp tụt dốc do bị hãm hại, gia đình anh lại gặp biến cố khi cả vợ lẫn con gái đều gặp bệnh hiểm nghèo. Tất cả dồn nhà vô địch một thời vào đường cùng, biến anh trở thành con người khác để tìm cách đưa gia đình vượt qua cơn giông bão.
Nặng tâm lý, ít hành động
Mô-típ nội dung trong Sám hối không có gì mới mẻ hay đặc biệt, nhưng vẫn là cơn gió lạ đối với điện ảnh Việt Nam khi khai thác câu chuyện về thế giới của các võ sĩ đối kháng chuyên nghiệp.
Một nhà vô địch bất bại đang ở đỉnh cao, gặp phải biến cố dẫn đến cảnh gần như mất tất cả, để rồi đứng lên và giành lại những thứ thuộc về bản thân, đó là ý tưởng cũ, nhưng luôn hấp dẫn khán giả. Cộng với đề tài còn mới mẻ đối với đa phần khán giả Việt, Sám hối hoàn toàn có tiềm năng trở thành một xuất phẩm chất lượng, đáng nhớ nếu được đầu tư đúng mực.
Tuy nhiên, với mô-típ câu chuyện nhân vật “lên voi xuống chó” như vậy, người xem cần xác định bộ phim sẽ thiên về tâm lý hơn là hành động đối kháng. Đặc biệt, do Sám hối được sản xuất bởi ê-kíp đến từ Ấn Độ, đặc điểm này sẽ càng rõ nét.
Dù được tập trung quảng bá xoay quanh bộ môn võ tự do, tâm điểm chính của bộ phim thực tế là câu chuyện gia đình Long. Những trận đấu võ đài, cùng chuỗi mưu mô, toan tính bên ngoài sàn đấu chỉ là yếu tố phụ, có tác dụng dẫn dắt cốt truyện để hướng đến việc nhân vật tập trung toàn bộ lý trí, tình cảm cho gia đình anh ra sao.
Hãy chuẩn bị tinh thần để theo dõi một tác phẩm tâm lý, tình cảm có phần sướt mướt với nhiều nước mắt đậm chất Bollywood mang tựa đề Sám hối, chứ không phải những trận chiến đầy máu lửa, những âm mưu thâm hiểm khiến khán giả muốn bùng cháy của một tác phẩm hành động thể thao đối kháng.
Nếu bản thân kịch bản và năng lực diễn xuất của diễn viên chính đủ sức nặng để gánh vác tác phẩm, sẽ không có vấn đề gì xảy ra. Tuy nhiên, ở chiều hướng ngược lại, bộ phim dễ trở thành nỗi thất vọng với khán giả. Đang tiếc thay, Sám hối lại rơi vào trường hợp thứ hai.
Diễn biến phi lý với nhiều lỗ hổng
Sở hữu ý tưởng câu chuyện mang hơi hướm chính kịch nghiêm túc và tiềm năng, nhưng đạo diễn kiêm biên kịch Peter Hein lại đem đến cho khán giả một kịch bản khó có thể chấp nhận.
Sau màn giới thiệu nhân vật chớp nhoáng tương đối thú vị dù có phần khoa trương, Sám hối sớm thể hiện cho khán giả xung đột giữa Long và ông trùm Cường. Từ đây, hàng loạt chi tiết kỳ cục bắt đầu xuất hiện, bủa vây lấy bộ phim và khiến người xem thấy hoang mang.
Nhịp điệu của tác phẩm được duy trì ở mức khẩn trương từ đầu đến cuối. Tuy nhiên, kịch bản là tập hợp của hàng loạt diễn biến vừa sơ sài, vừa cường điệu, đồng thời phi thực tế. Khó có thể tin được một ông trùm kinh doanh và một võ sĩ chuyên nghiệp từng hợp tác lâu dài, chỉ bởi dăm câu ba điều lại có thể tự tin trở mặt một cách chóng vánh, dứt khoát như trên màn ảnh.
Rồi đến trận đấu đầu tiên của bộ phim. Mang tiếng là có tổng giải thưởng lên đến 200 tỷ đồng, quy tụ nhà vô địch đình đám của hai quốc gia trên sàn đấu, nhưng sự kiện lại được tổ chức nghiệp dư đến mức bị ảnh hưởng bởi một khán giả nhí. Chưa kể, dù là con gái của một võ sĩ chuyên nghiệp từng trải qua hàng trăm trận, cô bé Diệu lúc đó lại hành xử kỳ lạ như thể chưa từng thấy cha mình thi đấu.
Liên tiếp sau đó là hàng loạt sự kiện mang tính bước ngoặt, những pha lật mặt liên tiếp mà chẳng hề có cơ sở vững chắc. Sự nghiệp hoành tráng của một nhà vô địch bị đẩy vào bước đường cùng một cách đơn giản, chỉ qua vài chi tiết nhỏ từ trên trời rơi xuống như phim xã hội đen Hong Kong thập niên 1980, 1990.
Chứng kiến hành trình nhân vật chính sụp đổ, rồi đứng dậy và giành lại vinh quang luôn là tâm điểm hấp dẫn khán giả trong một tác phẩm như Sám hối. Tuy nhiên, bộ phim đến đây cũng chẳng thể hiện được khá hơn.
Câu chuyện gia đình, cơm áo gạo tiền của Long tuy ngập trong bi kịch và nước mắt, nhưng lại khiến khán giả ngao ngán nhiều hơn là đồng cảm bởi nó phi lý một cách khó chấp nhận.
Chẳng biết quyền lực của ông trùm mạnh đến đâu, bệnh tình con gái của Long nặng đến mức nào, mà chỉ trong thời gian ngắn, nhà vô địch từng có thể kiếm hàng chục tỷ đồng chỉ qua một trận đấu lại có thể khánh kiệt hết gia sản, cuộc sống bế tắc đến độ phải đi bốc vác, rồi thậm chí chấp nhận làm “bao cát sống” cho người khác để kiếm vài đồng bạc lẻ. Trong khi đó, chung cư cao cấp của anh vẫn còn đó, sức khỏe lẫn tài năng của anh vẫn còn đó, danh tiếng của anh vẫn còn đó.
Kế đến, các nhân vật đưa ra nhiều hành động, quyết định có thể gọi là “đi vào lòng đất” một cách khó hiểu. Ê-kíp ném vào trong phim vô vàn chi tiết nghe có vẻ hấp dẫn để tạo kịch tính, nhưng chúng chỉ được thể hiện hời hợt mà không được suy xét đến tính logic.
Phi lý trong diễn biến đến từ sự sơ sài, cẩu thả trong cách xây dựng các sự kiện trong Sám hối. Phim không xây dựng hoàn cảnh cá nhân lẫn mối quan hệ hợp tác giữa ông Cường và Long một cách cụ thể, nên cứ thế cho hai nhân vật lật mặt nhau mà chẳng cần quan tâm có hợp lý hay không.
Phim cũng chẳng thể hiện được công danh sự nghiệp của Long huy hoàng là thế, nhưng anh có được điều gì cụ thể. Nên khi bị kịch bản "ép" phải trở nên thân bại danh liệt, anh mặc định là chẳng còn gì đúng nghĩa. Bệnh tình con gái phải chịu phí tổn nặng nề thế nào, áp lực tài chính cụ thể ra sao chẳng được đề cập, khiến khán giả không khỏi thắc mắc tiền bạc trước đây của Long làm sao “bay hơi” nhanh thế.
Đó là những vấn đề lớn nhất trong kịch bản. Các vấn đề nhỏ hơn cũng không thiếu, như việc xây dựng tập đoàn của ông Cường với cách hành xử như xã hội đen một tay che kín bầu trời khá ấu trĩ trong bối cảnh Việt Nam hiện đại. Hay một tay đấm như Long lại chẳng có quản lý riêng tử tế về tiền bạc, công việc. Mọi mối quan hệ công việc trong phim kết nối với nhau hời hợt và có thể chấm dứt đầy chóng vánh.
Sám hối, nhưng sám hối vì điều gì?
Không chỉ mắc lỗi trong cách xây dựng sự kiện và diễn biến, Sám hối còn không thành công trong việc tạo dựng hình tượng nhân vật - điều kiện cơ bản trong một tác phẩm chính kịch mang hơi hướm tiểu sử, tập trung vào hành trình “tái sinh từ tro tàn” của nhân vật chính.
Long ban đầu được xây dựng là nhân vật tương đối kiểu mẫu, dù không thực sự hoàn hảo. Sở hữu sự nghiệp xán lạn, anh còn có một gia đình êm ấm hạnh phúc, đồng thời là người chồng yêu vợ thương con. Là một siêu sao, nhưng Long vẫn duy trì cuộc sống lành mạnh, hướng đến gia đình.
Khuyết điểm của anh chỉ là cá tính quá mạnh. Long quá thẳng tính, quá trọng nghĩa khinh tài nên thiếu khôn khéo trong làm ăn kinh doanh. Anh sẵn sàng thẳng tay chấm dứt nếu đối tác làm ăn gian dối, thực hiện chiêu trò dàn xếp nhằm kiếm lợi và gây ảnh hưởng đến gia đình mình. Điều đó khiến anh bị đẩy vào những âm mưu, toan tính hạ bệ và rơi vào bước đường cùng một cách cay đắng.
Điều đáng bàn là bộ phim xây dựng cá tính của Long tiền hậu bất nhất. Nếu ban đầu Long chính trực bao nhiêu, thì sau đó anh lại sẵn sàng đạp đổ danh dự, liêm sỉ chóng vánh bấy nhiêu - khi sẵn sàng tham gia các trận đấu dàn xếp kết quả một cách lộ liễu vì tiền mà chẳng có bước chuyển biến nào hợp lý.
Dù Long là nhân vật kiểu mẫu gần như không có khiếm khuyết, biên kịch sẵn sàng đạp đổ tất cả để biến anh thành kẻ thất bại trắng tay, chẳng còn lại một chút gì, kể cả ý chí kiên cường của người chiến binh. Bản thân anh là người lương thiện, có tài năng, chính trực, nhưng đời không cho anh lương thiện - hay đúng hơn là biên kịch ép anh không lương thiện nổi.
Lỗi lầm lớn nhất của Long là quá chính trực với cái xấu. Và để “sửa đổi” nó, biên kịch cho anh “linh hoạt” vứt bỏ liêm sỉ, sẵn sàng làm mọi thứ để kiếm tiền. Rồi đội ngũ lại ném cho anh vài câu đạo lý mơ hồ nào đó, như “hãy chiến đấu vì những gì xứng đáng” hoặc những bài học về sự cảm thông.
Việc này vô tình khiến cho hình tượng nhân vật xây dựng ban đầu, lẫn toàn bộ hành trình của Long trong phim, trở nên vô nghĩa. Xuyên suốt tác phẩm, khán giả khó lòng biết được bộ phim muốn nhân vật sám hối, nhưng rốt cuộc là sám hối vì điều gì?
Chất lượng sản xuất không đồng bộ
Phần diễn xuất của Sám hối không có gì quá nổi bật. Là kép chính đóng vai trò gánh vác toàn bộ tác phẩm, nhưng Bình Minh chỉ thể hiện ở mức tròn vai với năng lực diễn xuất giới hạn từ một người mẫu lấn sân sang màn ảnh. Anh diễn không tệ, chịu khó hy sinh ngoại hình cho nhân vật. Song, khả năng biểu cảm của tài tử còn hạn chế, và nét diễn chưa đủ tinh tế để tạo nên chiều sâu cảm xúc.
Dàn diễn viên phụ thì hoặc cường điệu thái quá như Việt Hương trong vai bà giúp việc lắm lời, hoặc nhạt nhòa và sướt mướt như Anh Thư… Vai phản diện do nhà sản xuất Ramani Raja thể hiện gây thất vọng với đài từ tiếng Việt phải lồng tiếng hoàn toàn lệch tông với nét diễn. Các vai khách mời của Quang Minh, Hồng Đào hay Khả Ngân chưa đủ tạo ấn tượng do đất diễn và thời lượng hạn chế.
Vai cô bé Diệu do diễn viên nhí Angelina Raja thể hiện khá tự nhiên và tạo ấn tượng tốt. Tuy nhiên, do mang hai dòng máu Việt - Ấn, vẻ ngoài đậm nét Nam Á của cô bé chưa phù hợp với hình tượng nhân vật, gây ra cảm giác lấn cấn ban đầu cho khán giả.
Dù được đầu tư đến 50 tỷ đồng - con số khổng lồ so với mặt bằng phim Việt, chất lượng sản xuất của Sám hối dễ gây ra cảm xúc trái chiều. Phim dày công xây dựng những bối cảnh hoành tráng nhằm tăng tính chân thực cho các trường đoạn có quy mô bối cảnh lớn như trận đấu đầu phim giữa Long và Brook (Nguyễn Văn Sơn), hay cảnh hai cha con Long tham gia cuộc thi ba môn phối hợp với hàng trăm người tham dự giữa TP.HCM.
Tuy nhiên, có thể dễ dàng nhận ra không ít phân cảnh khác của bộ phim sử dụng kỹ xảo vi tính (CGI) còn giả tạo. Thậm chí, ở những cảnh có bối cảnh tĩnh đơn giản như trong căn hộ nhà Long, với ánh sáng và ngoại cảnh bên ngoài hắt qua cửa sổ, phim bỗng trông như một TVC dành cho nhà chung cư. Điều này có lẽ đến từ sự bất hợp lý trong việc phân phối nguồn lực chế tác.
Phần hành động trong phim cũng không đạt kỳ vọng. Các trận chiến vừa ít, vừa ngắn. Nhiều pha giao đấu tay đôi được cắt dựng còn thô, khiến đòn đánh của nhân vật thiếu liền mạch, mất đi uy lực.
Lạm dụng quay chậm (slow-motion) khiến tiết tấu các cảnh hành động bị kéo giãn và làm giảm sự kịch tính cần thiết. Đây là điểm trừ đáng tiếc với một tác phẩm hành động lấy bối cảnh võ đài và được đầu tư như Sám hối.
Sám hối là một thất bại đáng tiếc đến từ sự non nớt ở nhiều yếu tố, từ cốt truyện, kịch bản cho đến tư duy sản xuất. Có lẽ các nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ hơn đến việc hợp tác cùng ê-kíp nước ngoài trước khi thực hiện một bộ phim Việt Nam, tập trung hơn vào các yếu tố cơ bản để có thể tạo ra thành phẩm chất lượng trước, thay vì chạy theo xu thế hào nhoáng bên ngoài.