Sách Tiếng Việt 1 có vi phạm bản quyền truyện của Lev Tolstoy, La Fontaine?
Sách Tiếng Việp lớp 1 có nhiều câu truyện phỏng theo bị chê ngớ ngẩn, không đúng thông điệp của tác phẩm gốc.
SGK Tiếng Việt lớp 1 trở thành tâm điểm của dư luận những ngày qua với nhiều tranh cãi. Trong đó, có những tranh luận liên quan tới các câu truyện ngụ ngôn được kể lại trong sách. Cụ thể, một số bài viết được ghi “phỏng theo” nhà văn lớn như nhà văn Pháp La Fontaine (1621-1695) và nhà văn Nga Lev Tolstoy (1828-1910) đã chịu nhiều ý kiến trái chiều, như bài “Hai con ngựa”, “Ve và gà”.
Các trích đoạn ngụ ngôn phóng tác này bị chê ngớ ngẩn, dạy trẻ mưu mẹo và khôn lỏi. Đã có những câu hỏi đặt ra, phải chăng ban biên soạn SGK Tiếng Việt lớp 1 cố tình chọn những tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng thế giới ở các thế kỷ trước để né bản quyền? Khi viết phóng tác, các câu chuyện bị chê ngớ ngẩn, méo mó so với tác phẩm gốc thì sẽ chịu trách nhiệm như thế nào?
Nói về vấn đề bản quyền các tác phẩm mang tính “cổ đại”, nhà thơ Đỗ Hàn – Phó Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam cho biết, theo luật thì những tác giả đã mất quá 50 năm thì các tác phẩm của họ hết quyền bảo hộ tác quyền. Người làm tác phẩm phái sinh (dạng phóng tác, phỏng theo) sẽ không phải làm nghĩa vụ tài chính (trả tiền bản quyền) nhưng phải đảm bảo quyền nhân thân của tác giả, tức phải giữ nguyên tên tuổi của tác giả.
Đối với dòng sách giáo khoa có đặc thù riêng và có mục đích riêng nên trong chương trình biên soạn có thể có những tác phẩm viết phỏng theo để phù hợp với đối tượng tiếp nhận, tâm lý và trình độ tiếp nhận của đối tượng ấy.
“Phỏng theo chỉ là một trong những cách làm tác phẩm phái sinh. Từ tác phẩm gốc, anh có thể chuyển sang hình thức khác nhưng vẫn phải giữ nguyên tinh thần của bản gốc. Còn làm bản phái sinh ấy như thế nào lại thuộc về trình độ, cách hiểu biết của người biên soạn”, nhà thơ Đỗ Hàn chia sẻ.
Theo luật sư Phan Vũ Tuấn - Trưởng Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam, những tác phẩm phái sinh từ các tác phẩm đã hết thời hạn bản quyền (tức đã thuộc về công chúng) vẫn phải tuân thủ quy định tại điều 19 luật Sở hữu trí tuệ là không được xuyên tạc, cắt xén tác phẩm theo hướng gây hại cho hình ảnh, uy tín của tác giả bản gốc.
Dù được thực hiện mà không phải trả tiền bản quyền, nhưng khi thực hiện vẫn phải tuân thủ những quy định của pháp luật liên quan đến bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm gốc.
"Chỉ có cơ quan thanh tra hay cơ quan tư pháp Tòa án mới được quyền đưa ra quyết định rằng một tác phẩm nào đó có xâm phạm tới tác phẩm khác hay không. Nếu đặt ra giả định có xâm phạm tới quyền lợi và uy tín của tác giả bản gốc thì đó là trường hợp vi phạm pháp luật, có nhiều cơ sở để xử lý", luật sư Tuấn nhận định.
Trước đó, giải thích về những tranh cãi, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Chủ biên SGK Tiếng Việt 1 đã lên tiếng giải thích, không có bài học nào thiếu tính giáo dục, vấn đề là hiểu các bài học đó như thế nào hay cố tình hiểu theo cách khác.
Ví dụ bài “Hai con ngựa”, được giới thiệu là phỏng theo Lev Tolstoy có bài học đưa ra là “xui người khác làm bậy thì sẽ chịu hậu quả”. Trong truyện gốc của Lev Tolstoy, ngựa cái lười biếng xui ngựa đực không đi cày, nếu chủ quật roi thì tung vó đá lại.
“Vì không thể khuyên trẻ em như nguyên tác câu chuyện nên ở đây, có hai chi tiết chúng tôi phải sửa. Thứ nhất, để ngựa tía khuyên ngựa ô trốn đi. Thứ hai, không đề cập đến giới tính (ngựa đực và ngựa cái) vì dễ gây phản ứng và đến bài này học sinh chưa học các vần "ưc", "ai".
Tương tự, bài tập đọc "Ve và gà" cũng được phỏng theo truyện "Ve và kiến" của La Fontaine. Truyện dài nên phải chia làm 2 phần, có đánh số 1, 2 và dạy liền nhau. Tác giả SGK phải đổi nhân vật "kiến" thành "gà" vì lúc này học sinh chưa học vần ''iên", nhưng cốt truyện cơ bản giữ nguyên”, ông Thuyết giải thích.
Tin nổi bật
Tin Video