Sa Pa: Quả ngọt từ sự vượt khó trong đại dịch
(VOVTV) - Trong suốt kỳ đại dịch, thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) là một trong những địa phương phải chịu ảnh hưởng nặng nề. Do vậy, ngay sau khi tình hình được kiểm soát, Sa Pa đã chủ động triển khai ngay các giải pháp thúc đẩy phục hồi kinh tế; đặc biệt là ngành du lịch - dịch vụ với phương châm vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, khắc phục những khó khăn, tồn tại của thiên tai, dịch bệnh với quyết tâm cao nhất.
Thị xã Sa Pa đã chủ động rà soát, sắp xếp lại thứ tự ưu tiên, lựa chọn các nhiệm vụ trọng yếu cần chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện trong từng thời điểm, từng tháng; xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho từng ngành cụ thể, tạo động lực phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng chung.
Kinh tế - xã hội thị xã Sa Pa từ đó có nhiều khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực. Lượng khách du lịch bắt đầu tăng, có những thời điểm lượng khách đạt hơn 80.000 lượt/tuần, tương đương với thời điểm cao nhất của năm 2019. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành thương mại – dịch vụ tăng 6,42 % so với năm 2021. Các ngành sản xuất cũng bắt đầu phục hồi, việc thu hồi nợ đọng thuế; thu thuế doanh nghiệp đã có nhiều tiến triển và tín hiệu tốt. Vấn đề việc làm cho lao động cũng được giải quyết, góp phần kéo giảm tỷ lệ tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật trong xã hội.
Vốn nổi tiếng là một địa điểm du lịch hấp dẫn, thị xã Sa Pa đã tiếp tục có những chính sách phát triển thiết thực. Địa phương đã thực hiện tốt các quy định về kinh doanh dịch vụ niêm yết và bán đúng giá niêm yết; hướng dẫn, chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch thực hiện phát triển du lịch cộng đồng theo tiêu chuẩn ASEAN gắn với đặc trưng văn hóa dân tộc thiểu số tại các xã Tả Phìn, Mường Hoa, Tả Van, Bản Hồ và Liên Minh giai đoạn 2021-2025.
Sa Pa đã xây dựng hồ sơ di tích danh thắng cấp tỉnh đối với thác Cát Cát, Thác Bạc và khu vực đỉnh Fansipan. Đến nay, Thác Cát Cát đã được UBND tỉnh Lào Cai công nhận là di tích danh thắng cấp tỉnh. Như vậy, tổng số di tích danh thắng trên địa bàn thị xã Sa Pa đến nay là 8 di tích (4 di tích cấp tỉnh và 4 di tích cấp quốc gia).
Lượng khách du lịch đến Sa Pa hết năm ngoái đã đạt 2.536.934 lượt (đạt 101,5% kế hoạch). Doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 7.441 tỷ đồng (đạt 104,4% kế hoạch).
Trong năm 2023, để tiếp tục những thế mạnh về du lịch, thị xã Sa Pa sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt đối với việc chấp hành các quy định về ghi nhãn hàng hóa, chất lượng hàng hóa, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kiểm soát đảm bảo VSATTP.
Bên cạnh đó, địa phương chú trọng đầu tư, xây dựng, hình thành các mô hình Hợp tác xã du lịch cộng đồng tại các xã Mường Hoa, Tả Van, Bản Hồ trong khuôn khổ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thuộc 03 CT MTQG.
Để duy trì bản sắc đặc trưng, 2023 cũng là thời điểm thị xã xây dựng đề án đầu tư bảo tồn làng nghề truyền thống thôn Ý Lình Hồ, bên cạnh đó là 5 Nhà văn hóa cộng đồng tiêu biểu cho năm dân tộc (dân tộc Mông xã Mường Hoa, dân tộc Dao xã Tả Phìn, dân tộc Giáy xã Tả Van, dân tộc Tày xã Bản Hồ và dân tộc Xa Phó xã Liên Minh).
Lãnh đạo thị xã Sa Pa cho biết, địa phương sẽ không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, thân thiện; tăng cường ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý, điều hành và xúc tiến, quảng bá du lịch, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, chuyên nghiệp, văn minh, đảm bảo môi trường du lịch an toàn, thân thiện mang tính bền vững.
Tin nổi bật
Tin Video