Khám phá

Rosh Hashanah - Tết của người Do Thái có gì đặc biệt?

(VOVTV) - Người Do Thái mừng năm mới với Tết Rosh Hashanah. Năm nay, dịp lễ đặc biệt này rơi vào các ngày từ 6 - 8/9/2021 theo dương lịch.

Tác giả Mỹ Linh / VOVTV
09/09/2021 21:44

Tết Do Thái còn được gọi là Rosh Hashanah (nghĩa là "đầu năm"), kéo dài hai ngày và bắt đầu vào ngày đầu tiên của tháng Tishri, tháng đầu tiên theo lịch dân sự và tháng thứ bảy trong lịch tôn giáo, ứng với khoảng tháng 9 - tháng 10 theo  lịch phương Tây. Năm nay, Tết Do Thái diễn ra từ ngày 6/9 - 8/9/2021 theo dương lịch.

Là tết năm mới, Rosh Hashanah là dịp không chỉ để ăn mừng và hướng tới tương lai, mà còn để nhìn lại năm cũ và tự vấn lại lòng thành với Đấng tối cao. Ngoài ra, Rosh Hashanah còn đánh dấu ngày đầu tiên của một giai đoạn gọi là Mười ngày Sợ hãi, hoặc Những ngày ăn năn. Trong những ngày này, người Do Thái tin rằng, hành động của mỗi người có thể tác động đến sự phán xử của Đấng Tối cao cũng như kế hoạch mà Đấng Tối cao dành cho người đó. 

Những ngày này lên đến đỉnh điểm vào Yom Kippur, thời điểm chuộc tội, được coi là ngày thiêng liêng nhất trong năm. 

Tết của người Do Thái - Ảnh 1.

Vào hai ngày Tết Rosh Hashanah, người Do Thái nghỉ làm để tham dự các nghi lễ đặc biệt tại giáo đường, cầu nguyện, nghe đọc các bản văn phụng vụ. Ảnh: Reuters

Tết của người Do Thái - Ảnh 2.

Các bản văn phụng vụ do các giáo sĩ Do Thái đọc từ một cuốn sách cầu nguyện đặc biệt tên là Machzor chỉ dùng cho hai ngày lễ Rosh Hashanah. Ảnh: Reuters

Tết của người Do Thái - Ảnh 3.

Vào ngày lễ Rosh Hashanah, một số người Do Thái thực hành một phong tục được gọi là Tashlich (xua tan tội lỗi). Họ tìm đến nơi gần bờ nơi có nước chảy, đọc một lời nguyện rồi ném đá sỏi hay những mẩu bánh mì vào dòng nước. Ảnh: Reuters

Tết của người Do Thái - Ảnh 4.

Một gia đình Do Thái đang thực hành phong tục Tashlich. Với họ, khi ném những miếng bánh tượng trưng cho những tội lỗi trong năm qua rồi nước cuốn đi, con người sẽ được thanh tẩy và tâm hồn được đổi mới. Ảnh: Reuters

Tết của người Do Thái - Ảnh 5.

Trong ngày lễ này, người ta còn thổi tù và shofar (kèn sừng cừu đực) tại nơi các đền thờ để báo về sự khởi đầu của tuần lễ trọng. Ảnh: Reuters

Tết của người Do Thái - Ảnh 6.

Âm thanh của chiếc sừng có ý nghĩa đánh thức người nghe khỏi giấc ngủ tinh thần, giúp họ nhận thức được hậu quả từ những việc họ đã làm trong quá khứ. Âm thanh ai oán của nhạc cụ cổ xưa này như một lời kêu gọi ăn năn và nhắc nhở người Do Thái rằng Đấng Tối cao là vua của họ. Ảnh: Reuters

Trong thời gian Tết Rosh Hashanah, người Do Thái sẽ thường xuyên chào nhau bằng các cụm từ "Shana Tova" hay "Shana Tova U’Metukah" nghĩa là "một năm tốt lành" hay "một năm tốt và ngọt ngào". Do đó, những thực phẩm ngọt ngào mà người Do Thái ăn trong Rosh Hashanah cũng có ý nghĩa tượng trưng cho hy vọng năm mới ngọt ngào và hạnh phúc phía trước. Ngoài việc nhúng táo vào mật ong, người Do Thái cũng thường xuyên ăn bánh mật ong, lựu và bánh mì tròn nho khô.

Tết của người Do Thái - Ảnh 7.

Challah là một loại bánh người Do Thái thường ăn vào dịp năm mới. Bánh nhồi bột lẫn với nho khô hoặc phết mật mong, ngụ ý cầu mong một năm mới ngọt ngào. Ảnh: Reuters

Với người Do Thái, Rosh Hashanah còn là dịp để tưởng nhớ, nhớ về lịch sử của dân tộc họ và cầu nguyện cho đất nước quê hương. Bên cạnh những nghi thức nhiều ý nghĩa và những món ăn truyền thống, họ còn gửi đến nhau những tấm thiệp đẹp cùng với những lời cầu nguyện đặc biệt.

Ý kiến của bạn