Rạn san hô ở vùng lõi Vịnh Nha Trang xơ xác vì san lấp lấn biển để xây dựng
(VOVTV) - Khu vực biển Hòn Mun là vùng lõi của Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa được đầu tư bảo vệ nghiêm ngặt, có hệ sinh thái biển phong phú đa dạng, ít nơi nào có được. Gần đây rạn san hô tại đây lại bị suy giảm, xác xơ.
Sau 2 năm trầm lắng do dịch bệnh, thời gian gần đây, các tour du lịch lặn ngắm san hô tại Hòn Mun, vịnh Nha Trang tấp nập trở lại. Thế nhưng, nhiều du khách và hướng dẫn viên không khỏi bất ngờ vì rạn san hô nơi này xơ xác. Tại vùng lõi Hòn Mun, chỉ còn rải rác một ít san hô mềm, hình nấm và ít san hô sừng, rất ít cá, tôm.
Trái với khung cảnh rực rỡ trước đây, hiện nay nhiều bãi san hô hoang tàn, gãy đỗ hàng loạt, đáy biển màu xám xịt. Đặc biệt, khu vực phía Tây Hòn Mun lượng san hô chết, bị sóng đánh tấp dạt lên bờ thành lớp dày. Anh Đỗ Thành Quân, hướng dẫn khách lặn biển ở Nha Trang cho biết san hô chết hàng loạt.
“Rất là buồn. Vì du khách nước ngoài khi mà đến đây rất thích đến đảo Hòn Mun để mà bơi và lặn xem san hô. Nhưng hiện nay, khu vực nông dưới 3m cũng không còn, không nghĩ là san hô chết đến nhường đó luôn. Trước kia nó đẹp như một thiên đàng, bị bão sóng đánh lên thì cũng chừa lại một chút xíu luôn chứ không lẽ chết hàng loạt luôn. Chỉ còn màu đen thôi”- anh Quân cho biết.
Khu vực Hòn Mun là vùng lõi của Khu bảo tồn biển Vịnh Nha Trang do Ban quản lý Vịnh Nha Trang quản lý. 3 năm trước, khu vực này có độ phủ san hô đến 60% thì đợt khảo sát mới đây chất lượng san hộ đã suy giảm. Khu vực Tây Nam Hòn Mun tỉ lệ bao phủ của san hô chỉ còn 7- 8%. Rạn san hô chết, sóng đánh lên bờ kéo dài một bãi rộng đến 900m2.
Tình trạng san hô chết hàng loạt cũng diễn ra tại một số vùng biển ở vịnh Nha Trang. Theo Ban quản lý vịnh Nha Trang, có nhiều nguyên nhân khiến rạn san hô suy giảm. Trong đó, việc xây dựng, san lấp các công trình ven biển, đảo dẫn đến trầm tích lắng đọng trên bề mặt khiến san hô chết. Biến đổi khí hậu, các đợt bão trong những năm trước cũng tác động tiêu cực đến hệ sinh thái. Ngoài ra, sự bùng phát của các loài địch hại như sao biển cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến hệ sinh thái.
Thừa nhận tình trạng khai thác hải sản trái phép đang diễn ra ở đây nhưng ông Đàm Hải Vân, Phó trưởng Ban quản lý vịnh Nha Trang lại vin vào lực lượng tuần tra mỏng, hiện chỉ có 1 tàu và 15 cán bộ, nhân viên bảo vệ. Mỗi ca gồm 5 người chỉ tuần tra chủ yếu ở phân khu bảo vệ nghiêm ngặt dẫn đến tình trạng ngư dân vào đánh bắt thủy sản trái phép.
“San lấp lấn biển để xây dựng các khu ven biển, tình trạng khai thác thủy sản trái phép trong vịnh. Đặc biệt là những biến cố về môi trường, biến đổi khí hậu, nhiệt độ nước biển tăng và các hoạt động khác của con người có tác động đến hệ sinh thái. Chúng tôi cũng có những khắc phục nhưng cũng không thể bảo vệ toàn vẹn được, cố gắng bảo vệ trong khả năng tốt nhất”- ông Đàm Hải Vân cho biết.
Những năm gần đây, hệ sinh thái biển của vịnh Nha Trang chịu nhiều áp lực từ sự phát triển kinh tế- xã hội trong đất liền và các đảo. Tiến sĩ Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cho rằng, san hô suy giảm hay chết hàng loạt chỉ là bề nổi, báo động cho sự suy giảm của môi trường sinh thái vịnh Nha Trang. Hậu quả là nguồn lợi thủy sản sẽ suy giảm trầm trọng, kinh tế biển sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Vì vậy, để cứu các rạn san hô, hệ sinh thái biển thì cần có sự đánh giá toàn diện, nghiên cứu nghiêm túc để tìm ra nguyên nhân nhằm bảo vệ vịnh Nha Trang- một trong 29 vịnh đẹp nhất thế giới.
“Gọi là suy thoái môi trường biển, các hệ sinh thái nó liên quan với nhau. San hô chỉ là bề nổi dễ thấy. Đã là vịnh Nha Trang thì sông Cái cũng tác động đến, các dự án cũng tác động lẫn nhau hết, vì môi trường biển là môi trường thống nhất. Mình cũng chưa bàn đến chuyện ô nhiễm của thành phố này. Người ta có làm dự án thì phải có người cho phép chứ. Tất cả những hồ sơ đấy đều ngồi phải lọc lại, trên kết quả đấy, sử dụng để làm chế tài quản lý sơ bộ, hạn chế lại những hoạt động đó” - Tiến sĩ Nguyễn Tác An cho biết.
Tin nổi bật
Tin Video