Thể thao

Rạn nứt lớn trong làng bóng đá châu Âu vì sân chơi riêng của các đại gia

(VOVTV) - Sáng 19/4, làng túc cầu châu Âu chấn động khi một nhóm các câu lạc bộ (CLB) quyền lực nhất lục địa tuyên bố sẽ thành lập một giải đấu mới mang tên European Super League (ESL).

19/04/2021 15:46

Cụ thể, 12 CLB của Anh, Italy và Tây Ban Nha gồm Manchester United, Manchester City, Arsenal, Chelsea, Tottenham, Liverpool, Juventus, AC Milan, Inter Milan, Real Madrid, Atletico Madrid và Barcelona dự kiến thành lập một giải đấu riêng, có thể được diễn ra ngay từ mùa giải năm sau. 

Theo kế hoạch, Chủ tịch Real Madrid - Florentino Perez sẽ là chủ tịch của giải ESL. Trong khi đó, Chủ tịch Juventus là Andrea Agnelli giữ vai trò Phó Chủ tịch ESL. Sau khi đưa ra thông báo về việc thành lập ESL, ông Agnelli cũng đã từ chức Chủ tịch Hiệp hội các CLB châu Âu.

Dự kiến, thể thức của ESL là có 20 đội tham dự, trong đó có 15 CLB nằm trong nhóm sáng lập giải và 5 CLB khác được tuyển chọn dựa trên thành tích ở mùa giải trước đó. Các CLB vẫn sẽ thi đấu ở giải vô địch quốc gia của mình. 

ESL sẽ khởi tranh từ tháng 8 và các CLB được chia làm 2 nhóm 10 đội. 3 đội đầu bảng sẽ lọt vào vòng Tứ kết. Các đội xếp thứ 4 và thứ 5 sẽ phải đá play-off tranh 2 tấm vé cuối cùng dự Tứ kết. Từ vòng knock-out thì thể thức thi đấu cũng sẽ giống như Champions League hiện tại và trận chung kết được tổ chức ở sân trung lập.

Rạn nứt lớn trong làng bóng đá châu Âu - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Reuters

Thông báo về sự ra đời của ESL được đưa ra chưa đầy một ngày sau khi Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) công bố thể thức mới của Champions League kể từ mùa giải 2021/22. Theo những tiết lộ trước đó, số lượng CLB dự giải đấu này theo thể thức mới sẽ tăng từ 24 lên 36 đội. 

Các câu lạc bộ phải thi đấu 10 trận ở vòng bảng thay vì 6 trận như hiện tại và đương nhiên tỉ lệ chia doanh thu của các câu lạc bộ lớn bị giảm sút. Đó là lý do khiến các câu lạc bộ này nhen nhóm ý định thành lập ESL để không phải chia miếng bánh lợi nhuận cho UEFA.

European Super League có giá trị dự kiến lên đến 6 tỷ USD. Các câu lạc bộ tham dự giải đấu mới hứa hẹn tạo nên cuộc cách mạng trong việc kiếm lợi nhuận khổng lồ cho một số ít đội bóng, chứ không bị dàn trải cho nhiều đại diện ở mọi quốc gia châu Âu như bây giờ.

Theo tuyên bố từ ESL, các CLB sáng lập của giải sẽ chia nhau 3,5 tỷ euro (tương đương 4,2 tỷ USD). Tính ra, mỗi đội sẽ nhận 400 triệu euro, gấp 4 lần số tiền thưởng cho nhà vô địch UEFA Champions League 2020.

Tuy nhiên, giải đấu ưu tú mới này tiềm ẩn nguy cơ phá hỏng cấu trúc chuyên nghiệp đang được UEFA vận hành, do đó các nhà lãnh đạo bóng đá châu Âu đã lên tiếng phản đối giải đấu này.

Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) bày tỏ sự "không đồng tình" với các kế hoạch liên quan ESL, đồng thời kêu gọi tất cả các bên "cùng đối thoại một cách bình tĩnh, mang tính xây dựng và cân bằng vì lợi ích của môn thể thao này". 

Thông báo của UEFA thì nêu rõ: "Liên đoàn bóng đá Anh, Tây Ban Nha, Italy đã biết một số CLB có tham vọng gia nhập giải đấu mới mang tên European Super League. UEFA muốn nhắc lại rằng các thành viên trong liên đoàn sẽ đoàn kết để ngăn chặn dự án này. Đây là giải đấu được vẽ ra dựa trên lợi ích của một số CLB. 

Chúng tôi sẽ làm mọi cách để ngăn chặn European Super League. Như FIFA thông báo trước đó, các CLB tham dự giải đấu mới sẽ bị cấm ở đấu trường quốc nội, châu Âu và trên thế giới. Những cầu thủ đầu quân cho CLB tham gia European Super League bị cấm khoác áo đội tuyển. Chúng tôi cảm ơn các CLB, đặc biệt là những đội bóng ở Pháp và Đức đã từ chối tham gia giải đấu này".

Trên trang web của mình, Liên đoàn bóng đá Anh nhận định: "European Super League sẽ làm giảm độ hấp dẫn trong các trận đấu, gây ảnh hưởng nặng nề cho kế hoạch hiện tại và tương lai của Premier League. Chúng tôi sẽ làm việc với các bên liên quan để bảo vệ sự phát triển của bóng đá Anh". 

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng các CLB "phải chịu trách nhiệm với người hâm mộ và cộng đồng bóng đá trước khi thực hiện bất kỳ bước đi nào tiếp theo". Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo kế hoạch thành lập ESL có nguy cơ "đe dọa nguyên tắc đoàn kết và tinh thần thể thao".

Trên Sky Sports, cựu hậu vệ Gary Neville cũng chỉ trích ESL: "Tôi không phản đối chuyện hiện đại hóa bóng đá, nhưng việc đề xuất thành lập giải đấu này trong tình hình dịch bệnh là bê bối. Manchester United và những CLB có thể đã đăng ký tham gia European Super League nên cảm thấy xấu hổ. Những CLB góp mặt trong dự án đó xứng đáng bị trừ điểm ở mùa này".

Ý kiến của bạn