Xã hội

Quyết tâm mới của huyện Lý Nhân

(VOVTV) - Huyện Lý nhân, tỉnh Hà Nam đang triển khai nhiều giải pháp có tính đột phá, có trọng tâm, trọng điểm nhằm tháo gỡ khó khăn để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, xã hội đã đề ra năm 2021. Qua đó, tạo tiền đề vững chắc cho những năm tiếp theo, tiến tới thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Tác giả Trọng Hiếu / VOVTV
31/03/2021 17:12

Xác định rõ những khó khăn, tồn tại

Nhìn lại kết quả thực hiện nhiệm vụ những năm qua, nhất là năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, dịch tả Châu phi, dịch tai xanh ở lợn, nhưng một số chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội vẫn đạt kế hoạch đề ra, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống nhân dân ổn định.

Chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Huyện đã hoàn thành các tiêu chí, được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Lý Nhân đạt chuẩn nông thôn mới 2019 và được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Nhiều hộ dân được vay vốn Ngân hàng CSXH để phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm.jpg

Nhiều hộ dân được vay vốn Ngân hàng CSXH để phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm

Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 51 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách từ kinh tế trên địa bàn được trên 245 tỷ đồng, bằng 173,3% kế hoạch tỉnh giao; giá trị sản xuất nông nghiệp trên 2.170 tỷ đồng, đạt 100,46% kế hoạch; giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt 5.535 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,3%...

Bên cạnh một số thành tựu quan trọng đã đạt được, huyện Lý Nhân vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đối mặt với những khó khăn, thách thức cần phải vượt qua. Các chỉ tiêu CN-TTCN, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng… sụt giảm hoặc chỉ đạt ở mức tăng thấp so với cùng kỳ.

Tiến độ thực hiện một số chương trình, đề án, mô hình trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao liên kết với doanh nghiệp… còn chậm so với kế hoạch, mục tiêu đề ra. Việc xử lý các trường hợp vi phạm trong sử dụng đất ở một số địa phương chưa chủ động, kịp thời.

Công tác cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở một số xã còn chậm. Việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện phân loại rác hữu cơ tại gia đình chưa tốt, còn tình trạng ùn ứ rác thải tại các bể trung chuyển, làm ảnh hưởng môi trường. Công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo ở một số địa phương chưa hiệu quả…

Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân Nguyễn Thành Thăng, cho biết thêm: "Tuy đã đạt được nhiều kết quả nhất định, nhưng huyện cũng cần phải đánh giá đúng, nhìn nhận thẳng vào những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, rồi tìm ra nguyên nhân để có biện pháp tháo gỡ khó khăn.

Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân Nguyễn Thành Thăng (bìa phải), đi kiểm tra tình hình phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.jpg

Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân Nguyễn Thành Thăng (bìa phải), đi kiểm tra tình hình phát triển kinh tế xã hội tại địa phương

Ngoài những yếu tố khách quan thì nguyên nhân chính vẫn do công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của một số đơn vị, địa phương chưa đồng bộ, chặt chẽ. Trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, có địa phương còn thiếu kiểm tra, đôn đốc, chưa kịp thời xử lý những vướng mắc phát sinh".

Nhiều giải pháp trọng tâm, trọng điểm

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lý Nhân nhận thức rõ, năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng các cấp và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Vì vậy, trên cơ sở phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục khó khăn, các cấp ngành, địa phương của huyện đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; nâng cao năng suất, chất lượng của các ngành, lĩnh vực sản phẩm.

Nhiều cánh đồng mẫu lớn được xây dựng cho năng suất, thu nhập cao. Năm 2020, giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác ở huyện Lý Nhân đạt 112 triệu đồng..jpg

Nhiều cánh đồng mẫu lớn được xây dựng cho năng suất, thu nhập cao. Năm 2020, giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác ở huyện Lý Nhân đạt 112 triệu đồng..

Phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa - xã hội; đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và chỉ đạo điều hành của các ngành, các cấp để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đã đề ra trên tất cả các lĩnh vực.

Huyện vẫn xác định phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, thu hút phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là nhiệm vụ then chốt. Trên cơ sở đó, huyện tăng cường công tác quản lý tài nguyên đất đai, khoáng sản, môi trường, xây dựng, thu hút đầu tư; đẩy mạnh áp dụng KHKT, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng vật nuôi…

Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân Nguyễn Thành Thăng cũng cho rằng, cần triển khai các giải pháp về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển sản xuất, ngành nghề nông thôn; nâng cao chất lượng văn hóa, giáo dục, y tế cơ sở; cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường nông thôn; thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Một góc diện mạo mới của huyện Lý Nhân.bmp

Một góc diện mạo mới của huyện Lý Nhân

Tập trung hoàn thành kế hoạch sản xuất trong khung thời vụ tốt nhất để đạt năng suất, sản lượng cao, đặc biệt coi trọng công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh. Đẩy mạnh phát triển các Chương trình, Đề án có hiệu quả trong sản xuất, chăn nuôi.

Tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa; cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu. Tiếp tục duy trì và phát triển các mô hình, hợp tác xã, tổ hợp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết với doanh nghiệp.

Thực hiện Đề án "Mỗi xã một sản phẩm"; đăng ký thêm các sản phẩm "Hạt sen của xã Trần Hưng Đạo", "Miến dong của xã Công Lý, xã Tiến Thắng", "Bánh đa của xã Hợp Lý" để đánh giá, xếp loại những năm tiếp theo.

Rà soát, hoàn thiện hồ sơ để đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân. Tổng hợp hoàn thiện hồ sơ quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2030, đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện sát với thực tế, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện, đảm bảo tiến độ thời gian theo quy định.

Tiếp tục duy trì, phát triển các ngành nghề truyền thống, cơ sở sản xuất CN-TTCN ở những địa phương có thế mạnh. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai các dự án trên địa bàn theo quy định.

Đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân các dự án trên địa bàn. Trong đó, chú trọng dự án cải tạo, nâng cấp đường ĐH.10 từ cống đỏ xã Trần Hưng Đạo đến quốc lộ 38B xã Nhân Mỹ; Tuyến đường nối từ D9T491 đến D9T499 qua KCN Thái Hà; dự án cải tạo, nâng cấp, kiên cố hóa kênh CG2, CG4 và kênh SL huyện Lý Nhân…

Đối với lĩnh vực văn hóa - xã hội, huyện tập trung tuyên truyền Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 – 2026. Thực hiện tốt công tác trung tu, tôn tạo và phát huy các gia trị tâm linh.

Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp học, tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động. Đặc biệt chú trọng đầu tư cải tạo, mở rộng khuôn viên, khu vực thực hành của trường THCS Bắc Lý.

Nơi khởi đầu phong trào thi đua "Hai tốt", một điển hình tiên tiến, là lá cờ đầu của toàn ngành giáo dục những năm 1960. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công. Đẩy mạnh công tác dạy nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn…

Tập trung triển khai nhiều giải pháp thiết thực, huyện Lý Nhân quyết tâm đến hết năm 2021, đạt và vượt mức một số chỉ tiêu quan trọng: Thu nhập bình quân đầu người 58 triệu đồng/người/năm; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt trên 2.239 tỷ đồng, sản xuất CN-TTCN trên 6.915 tỷ đồng; trên 3.100 lao động được giải quyết việc làm mới; tỷ lệ hộ nghèo còn 2,0%, giảm 0,3% so với năm 2020; tỷ lệ hộ dân dùng nước sạch, hợp vệ sinh đạt 99,2% trở lên; tỷ lệ rác thải được thu gom đạt 96,52%; giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác đạt 114 triệu đồng trở lên.

Tin tưởng năm 2021 và những năm tiếp theo, huyện Lý Nhân sẽ có nhiều đổi mới, khởi sắc, kinh tế, xã hội phát triển bền vững hơn; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; hệ thống chính trị của huyện vững mạnh toàn diện, góp phần đưa Hà Nam trở thành một cực tăng trưởng của vùng đồng bằng Bắc Bộ và vùng Thủ đô.

Ý kiến của bạn