Quy hoạch đại học: Trường không hiệu quả nên sáp nhập hay giải thể?
Các chuyên gia cho rằng, quy hoạch mạng lưới các trường đại học là nhiệm vụ cần thiết trong bối cảnh tự chủ đại học, nhằm điều tiết được quy mô đào tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động của các trường.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm. Việc quy hoạch này được giao Bộ GD-ĐT chủ trì thực hiện.
Cần tính đến các trường địa phương đang tồn tại “vật vờ”
Bàn về vấn này, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) cho rằng, khi quy hoạch cần tính đến việc những trường mới sẽ ra đời và sáp nhập những trường cũ đang hoạt động không hiệu quả.
Hệ thống các trường đại học được chia thành 2 nhóm chính gồm đại học định hướng nghiên cứu và đại học khoa học ứng dụng (còn gọi là đại học ứng dụng). Trên cơ sở chia nhóm theo hệ thống xếp loại về chất lượng hiệu quả và đánh giá sẽ tìm ra những trường nào nên tồn tại và trường nào cần sắp xếp lại.
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, để quy hoạch phát triển các trường đại học, cần tính toán, dự báo một số thông số đầu vào cơ bản như nguồn tuyển sinh, nguồn lực tài chính, khả năng chi trả của người học, nhu cầu nhân lực, đất đai… Quy hoạch cần đảm bảo cân đối về trình độ đào tạo, tạo ra đội ngũ nhân lực công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, khai thác nguồn lực xã hội một cách hiệu quả cho giáo dục đại học.
Chuyên gia giáo dục này cũng đồng tình rằng quy hoạch các trường đại học là cần thiết trong bối cảnh tự chủ giáo dục đại học và trước những thay đổi về chiến lược phát triển kinh tế xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 chỉ ra.
“Việc quản lý của nhà nước với các trường là rất quan trọng, cần coi quy hoạch là một công cụ quản lý nhà nước về giáo dục đại học, sắp xếp lại cơ sở giáo dục đại học, điều tiết lại các ngành đào tạo, trên cơ sở đưa ra những thông tin dự báo và áp dụng các tiêu chuẩn đào tạo, tuyển sinh để không quá dư thừa hay thiếu nhân lực ở một ngành, một vùng kinh tế nào đó như đã từng xảy ra.
Nếu không có sự quản lý của nhà nước hợp lý, trong bối cảnh tự chủ, bất cứ ai cũng có thể làm đẹp hồ sơ, mở thêm nhiều ngành, nhưng đào tạo ra chưa chắc người học có việc làm.
Điều quan trọng nhất là cần đảm bảo cân đối những ngành đào tạo, tránh trùng lặp trong bối cảnh tự chủ. Như vậy, nhà nước cần có sự định hướng, dự báo cả nhu cầu của thị trường lao động và điều tiết tỷ lệ sinh viên/giảng viên hoặc bằng cơ chế đặt hàng đào tạo để tránh khủng hoảng thừa hoặc thiếu”, TS Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, TS Hoàng Ngọc Vinh cũng cho rằng, trong bối cảnh mở như hiện nay, quy hoạch chỉ nên mang tính khung và quy hoạch theo vùng kinh tế. Trong đó cần đặc biệt quan tâm đến sắp xếp lại một số trường đại học tại địa phương.
Thực tế hiện nay không ít trường tại địa phương đang hoạt động manh mún, không đảm bảo về điều kiện nhân lực giảng dạy và quản trị, tài chính eo hẹp, dẫn đến không đảm bảo chất lượng, khó tuyển sinh.
Với những trường này cần đánh giá lại hiệu quả để tính đến sáp nhập với một trường mạnh hay giải thể, hoặc chuyển sang đào tạo cao đẳng.
Cần ra đầu bài cụ thể
Là chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong xây dựng và triển khai Luật Quy hoạch, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, trong quy hoạch cần có yếu tố kế thừa và yếu tố phát triển, bắt đầu từ phân tích hiện trạng và dự báo nhu cầu nguồn nhân lực trình độ cao trong các lĩnh vực của cả nước và từng địa phương, từng vùng kinh tế; từ đó xác định yêu cầu về cơ sở vật chất, quỹ đất và đội ngũ giảng viên.
Tiếp theo, cần xác định rõ quan điểm, định hướng phát triển giáo dục, đào tạo. Nếu xác định chuyển đào tạo sang định hướng đổi mới, sáng tạo, gắn với thực tiễn, những điều này cần trở thành cốt lõi trong tư tưởng, lập luận của người viết quy hoạch, dưới sự quản lý của các cơ quan quản lý – đơn vị sử dụng sản phẩm cuối cùng.
Còn theo GS.TS Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, để thực hiện quy hoạch cần xây dựng “đầu bài” và lấy ý kiến các bộ ngành liên quan. Trong đó, “đầu bài” cần thể hiện tư tưởng như bám sát cung cầu, gắn liền với các vùng kinh tế, chuyển hệ thống giáo dục đại học sang giai đoạn đổi mới sáng tạo, lưu ý đến nhu cầu tiếp cận đại học của người dân và phân tầng đại học.
GS Nguyễn Hữu Đức cũng cho rằng, quy hoạch mạng lưới nên chọn lọc một số điểm nhấn, tạo sự khác biệt với giai đoạn trước, bắt kịp với xu thế phát triển của giáo dục đại học thế giới.