Quốc hội đặt mục tiêu thu nhập bình quân đầu người năm 2025 đạt 4.900 USD
Quốc hội đặt mục tiêu tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5-7%, phấn đấu đạt 7-7,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD trong năm 2025.
Chiều 12/11, với 424/426 đại biểu có mặt biểu quyết tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2025 được Quốc hội giao Chính phủ:
STT | Chỉ tiêu | Kế hoạch |
1 | GDP | 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5% |
2 | GDP bình quân đầu người | 4.900 USD |
3 | Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP | 24,1% |
4 | Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng | 4,5% |
5 | Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội | 5,3-5,4% |
6 | Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội | 25-26% |
7 | Tỷ lệ lao động qua đào tạo | 70%, có bằng cấp 29-29,5% |
8 | Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị | dưới 4% |
9 | Tỷ lệ hộ nghèo | giảm 0,8-1% |
10 | Số bác sĩ trên 10.000 người | 15 |
11 | Số giường bệnh trên 10.000 người | 34,5 |
12 | Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế | 95,15% |
13 | Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới | 80,5-81,5% |
14 | Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị | 95% |
15 | Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn | 92% |
Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực; từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm".
Quốc hội cũng đề nghị tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, Trung ương, Chính phủ, Quốc hội giữ vai trò kiến tạo, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tăng cường kiểm tra, giám sát và trách nhiệm giải trình; không để đùn đẩy trách nhiệm, kiên quyết xóa bỏ cơ chế “xin - cho”.
Nghị quyết cũng nêu rõ, cần giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, kịp thời hơn nữa để tháo gỡ thể chế, sớm khắc phục các điểm nghẽn, điểm hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm và các chương trình mục tiêu quốc gia.
Nghị quyết cũng nêu yêu cầu tập trung nguồn lực, phấn đấu hoàn thành mục tiêu cả nước có 3.000km đường bộ cao tốc vào năm 2025; đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án hạ tầng giao thông chiến lược, quan trọng quốc gia; đặc biệt là các tuyến đường cao tốc giai đoạn 2026 - 2030, kịp thời nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường cao tốc phân kỳ theo quy mô quy hoạch.
Một mục tiêu khác là phấn đấu hoàn thành thủ tục, khởi công đầu tư trong năm 2025 đối với tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng và đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị hoàn thiện thủ tục đầu tư toàn tuyến dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Với kế hoạch năm sau, Quốc hội cũng lưu ý triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025; tập trung xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; đẩy mạnh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tháo gỡ các vướng mắc về phương án sử dụng đất sau khi cổ phần hóa.
Cũng theo Nghị quyết của Quốc hội, năm 2025 Việt Nam đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả; tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp tư nhân để thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế. Phấn đấu năm 2025, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt khoảng 55%.