Quốc gia đầu tiên tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ 4 cho người dân
Bệnh viện ở Israel đã khởi động chiến dịch tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ 4 giữa lúc làn sóng Omicron đang bùng phát.
Trung tâm Y tế Sheba gần Tel Aviv, Israel ngày 27/12 đã triển khai tiêm mũi vaccine thứ 4 cho các nhân viên y tế. Cơ sở này gọi đây là nghiên cứu lớn đầu tiên về khả năng đối phó biến chủng Omicron trên những người được tiêm 2 liều vaccine tăng cường.
Người phát ngôn của Trung tâm Y tế Sheba cho biết kết quả của cuộc thử nghiệm sẽ được trình lên Bộ Y tế Israel trong khoảng 2 tuần.
Israel là quốc gia triển khai chiến dịch tiêm chủng nhanh nhất thế giới cách đây một năm và bây giờ lại trở thành một trong những quốc gia đầu tiên triển khai chiến dịch tiêm vaccine tăng cường, sau khi quan sát thấy khả năng miễn dịch suy yếu theo thời gian.
Bộ Y tế Israel ngày 27/12 thông báo rút ngắn thời gian giữa mũi vaccine thứ 2 và thứ 3 từ 5 tháng xuống còn 3 tháng nhằm ngăn chặn tình trạng lây nhiễm gia tăng do biến chủng Omicron.
Gần 2.000 trường hợp nhiễm và nghi nhiễm biến chủng Omicron đã được xác nhận tại Israel. Số ca nhiễm đã tăng mạnh trong tuần qua.
Thủ tướng Naftali Bennett cho biết Israel đang ở trong làn sóng Covid-19 thứ 5 do biến chủng Omicron. Ông Bennett kêu gọi người Israel làm việc ở nhà và khuyến cáo cha mẹ cho trẻ em đi tiêm chủng. Nhiều ca nhiễm mới đều xuất phát từ trẻ em Israel ở độ tuổi từ 5-11 tuổi.
Nhằm ứng phó nhanh chóng với Omicron, Israel đã cấm người nước ngoài nhập cảnh từ ngày 25/11 và áp lệnh cách ly từ 3-14 ngày đối với những người Israel từ nước ngoài trở về.
Do lo ngại nguy cơ gia tăng đột biến số người nhập viện, hội đồng chuyên gia của Bộ Y tế Israel tuần trước đã khuyến nghị Israel trở thành quốc gia đầu tiên tiêm mũi vaccine thứ 4 cho nhân viên y tế và những người trên 60 tuổi hoặc có hệ thống miễn dịch bị suy yếu.
Từ cuối tháng 7, Israel đã bắt đầu triển khai chương trình tiêm vaccine tăng cường cho người dân trên 60 tuổi. Từ tháng 8, các mũi vaccine tăng cường đã được triển khai cho tất cả người dân trên 16 tuổi sau 5 tháng được tiêm mũi thứ 2.
Israel, một quốc gia nhỏ nhưng có hệ thống y tế công hiệu quả, luôn là nước đi đầu trong việc triển khai tiêm vaccine Covid-19. Theo số liệu của Bộ Y tế Israel, khoảng 63% trong 9,4 triệu dân Israel đã được tiêm 2 liều vaccine và gần 45% đã tiêm một mũi vaccine tăng cường.
Mặc dù các bằng chứng cho thấy Omicron, biến chủng được phát hiện lần đầu tiên tại châu Phi vào tháng 11, thường gây ra triệu chứng nhẹ hơn so với các biến chủng trước đó, nhưng các quan chức Israel cho rằng, vào thời điểm có được thông tin rõ ràng hơn về chủng virus này, lúc đó có thể đã quá muộn để bảo vệ những người có nguy cơ cao nhất.
Hội đồng chuyên gia tư vấn cho chính phủ Israel về đại dịch đã khuyến nghị tiêm liều thứ 4, đồng thời nhấn mạnh rằng lợi ích của việc tiêm chủng cao hơn rủi ro. Theo hội đồng này, đã có nhiều dấu hiệu suy giảm khả năng miễn dịch vài tháng sau khi tiêm mũi thứ 3.
Tuy nhiên, một số nhà khoa học cũng cảnh báo, việc tiêm vaccine tăng cường có thể phản tác dụng vì tiêm quá nhiều và quá sớm có thể khiến hệ thống miễn dịch bị "quá tải", ảnh hưởng đến hiệu quả chống lại virus SARS-CoV-2 của cơ thể.