“Quên” hầm tiền tỷ, người đi bộ đánh cược tính mạng khi sang đường
Hành khách len lỏi giữa dòng phương tiện đông đúc qua đường trong khi hầm bộ hành tiền tỷ rất ít người sử dụng.
Đường Phạm Hùng là tuyến giao thông có mật độ giao thông đông, nhu cầu sang đường của người đi bộ rất lớn nhưng hầm bộ hành H1 phía đối diện bến xe Mỹ Đình lại trong cảnh vắng vẻ, đìu hiu.
Ghi nhận của PV tại khu vực này trong nhiều ngày qua, dù đang giờ cao điểm song cũng chỉ lác đác vài người sử dụng hầm bộ hành, dù trong hầm có đủ đèn điện, vệ sinh khá sạch sẽ, có người trông coi.
Trong khi đó, phía trên mặt đường, liên tục xuất hiện những hành khách len lỏi giữa dòng phương tiện đông đúc băng qua dải phân cách sang bến xe Mỹ Đình gây mất ATGT.
“Đứng cạnh hầm đi bộ đón khách nhưng chẳng mấy khi tôi thấy người đi bộ họ di chuyển xuống hầm cho an toàn. Toàn thấy băng qua đường cắt các dòng phương tiện gây mất ATGT”, anh Hiệp, lái xe ôm gần chục năm ở khu vực bến xe Mỹ Đình cho hay.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại khu vực hầm H4 Phạm Hùng.
Chị Trần Thị Ban, trực bảo vệ tại hầm H12 chia sẻ: “Mỗi ngày chúng tôi được chia làm 3 ca trực tại hầm. Thông thường, chúng tôi sẽ trực tại hầm đến 24h. Trong quá trình trực, chúng tôi thường xuyên quét dọn. Tuy nhiên, không hiểu sao vẫn rất ít người đi xuống hầm để sang đường cho an toàn”.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho rằng, hầm đi bộ là giải pháp mang lại hiệu quả trong việc giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn cho người đi bộ khi qua đường ở nội đô Hà Nội.
Từ năm 2001 - 2007, Hà Nội đã hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng 20 hầm đường bộ tại các vị trí giao cắt giao thông trọng điểm của các tuyến đường như: Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, ngã tư Kim Liên và Ngã Tư Sở.
Các hầm này được đầu tư kinh phí xây dựng lên tới hàng trăm tỷ đồng để tạo điều kiện cho người đi bộ tham gia giao thông thuận lợi và an toàn, góp phần giải tỏa xung đột giao thông tại những điểm thường xuyên xảy ra tắc nghẽn. Tuy nhiên, thực tế hầm đi bộ chưa thu hút người dân.
Theo ông Thạch, đối với những công trình đã xây dựng phải tìm cách khắc phục, vì làm ra mà không có giá trị sử dụng, không đem lại hiệu quả là lãng phí nguồn ngân sách. “Để giải quyết câu chuyện thu hút người dân đi bộ phải có kế hoạch tổng thể. Chỉ xây dựng, cải tạo một vài vị trí sẽ khó hiệu quả”, ông Thạch nói.
Tin nổi bật
Tin Video