Quảng Ninh: Tăng cường sức mạnh toàn dân trong xây dựng nông thôn mới
(VOVTV) - Mặc dù còn nhiều khó khăn, song với cách làm thiết thực, khoa học, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã huy động được sự chung tay của cả hệ thống chính trị.
Nhờ đó, đến nay đã có nhiều xã đạt tiêu chí xã NTM và đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM nâng cao. Trong đó, phải kể đến xã Hòa Bình, Dân Chủ và Sơn Dương.
"Khó vạn lần, dân liệu cũng xong"
Xác định chương trình xây dựng NTM là tiền đề, cơ sở để từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đô thị nông thôn, thời gian qua, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xã Hòa Bình, Dân Chủ và Sơn Dương thành phố Hạ Long đã tích cực huy động các nguồn lực, phát huy sức mạnh toàn dân, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn ủng hộ kinh phí, nhân lực, vật lực, chung tay với địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM nâng cao.
Với cách làm khoa học và cụ thể, đến nay phong trào xây dựng NTM nâng cao ở các xã này đã được triển khai sâu rộng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.
Với mục tiêu phấn đấu xây dựng chương trình xây dựng NTM nâng cao giai đoạn 2021-2022, xã Dân Chủ, Hòa Bình và Sơn Dương đang tập trung huy động mọi nguồn lực và sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nỗ lực hoàn thành các tiêu chí.
Để đạt được mục tiêu này, các xã xác định phải tăng cường sức mạnh toàn dân trong thực hiện xây dựng NTM nâng cao. Như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong" đây là bài học quý báu, tạo sự đồng thuận, đoàn kết, phát huy sức dân để xây dựng NMT nâng cao hiệu quả.
Theo chân lãnh đạo địa phương về xã Dân Chủ những ngày cuối tháng 5, mặc dù thời tiết khá oi bức nhưng chúng tôi vẫn thấy rất nhiều người dân đang hăng say tham gia dọn dẹp đường làng, ngõ xóm. Theo chia sẻ của lãnh đạo địa phương, xã Dân Chủ có 86% dân số là đồng bào dân tộc Tày, tuy nhiên ý thức về việc bảo vệ môi trường xanh – sạch – đẹp, xây dựng NTM nâng cao của đồng bào rất tốt.
Đang mải mê dọn dẹp, cụ ông Vi Xuân Tính thôn 2, xã Dân Chủ dù đã ngoài 90 tuổi nhưng vẫn tham gia nhiệt tình công tác vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, phấn khởi chia sẻ: "Trước kia khi chưa về đích NTM đời sống của người dân chúng tôi gặp nhiều khó khăn, giao thông, đường xá, trường học, bệnh viện hay kênh mương… không được đầu tư hiện đại, bê tông hóa như bây giờ.
Đời sống của người dân sau khi về đích NTM cũng khá giả hẳn lên. Mặc dù tuổi cao nhưng tôi rất phấn khởi khi chủ động tham gia dọn dẹp, vệ sinh đường làng ngõ xóm góp công sức để cùng với nhân dân và chính quyền thực hiện các phong trào trong xây dựng NTM nâng cao".
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Dân Chủ đang cùng cụ Vi dọn dẹp cũng dừng tay chia sẻ với phóng viên: "Với sự quan tâm của Nhà nước, cùng với sự vào cuộc tích cực của chính quyền và nhất là sự đồng tình ủng hộ của bà con trong việc chung tay xây dựng NTM nên nhiều mục tiêu đặt ra đều đạt được kết quả. Đặc biệt là ý thức chấp hành và tham gia công tác bảo vệ môi trường của bà con trong xã rất tốt, chính vì thế mà các hộ gia đình hàng ngày rất tự giác vệ sinh khu vực họ sinh sống không cần đợi đến thứ 7 chủ nhật xanh".
Công tác đảm bảo trật tự hành lang, vỉa hè và vệ sinh môi trường luôn được cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân quan tâm, cơ bản đã tạo được đồng thuận, nhất trí cao và sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị xã Dân Chủ, cùng với sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn nên công tác triển khai được thực hiện hiệu quả. Bộ mặt đô thị đã có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức người dân được nâng cao.
Tình trạng lấn chiếm hè, lòng đường để kinh doanh buôn bán đã giảm đáng kể, công tác thu gom rác thải, vệ sinh môi trường thường xuyên được chỉ đạo, thực hiện tích cực, giúp bộ mặt mỹ quan đô thị đã chuyển biến tích cực nề nếp, bà Phạm Thị Thu Hằng chia sẻ thêm.
Ông Nguyễn Tuấn Tú, Chủ tịch UBND xã Hòa Bình chia sẻ, xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ của chính quyền nhưng phải huy động được sức mạnh của toàn thể nhân dân. Vì vậy xã luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đoàn kết trong xây dựng NTM, nhờ đó mà đạt được nhiều kết quả tích cực.
Không chỉ thực hiện tốt công tác môi trường, dọn dẹp vệ sinh và chỉnh trang trụ sở cơ quan, các tuyến đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa và khu dân cư đảm bảo Xanh – Sạch – Đẹp; kinh tế - xã hội của xã thời gian qua cũng phát triển ổn định; các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm; an sinh xã hội được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
"Trái ngọt" trong xây dựng NTM
Chương trình xây dựng NTM tại các xã Hòa Bình, Dân Chủ và Sơn Dương đã giúp đời sống của người dân địa phương được cải thiện đáng kể.
Nhiều hộ gia đình từ sự động viên, hỗ trợ của chính quyền đã chủ động chuyển đổi canh tác, sáng tạo, nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất theo hướng tập trung, hiệu quả; đẩy mạnh thực hiện chương trình OCOP... Đặc biệt phải kể đến mô hình trồng bí xanh tại xã Hòa Bình đã giúp người nông dân có nguồn thu nhập tốt, cải thiện đời sống, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Theo đó, xã Hòa Bình đã lựa chọn bí xanh là sản phẩm chủ lực phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng để triển khai đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ, tạo tiền đề cho việc xây dựng sản phẩm OCOP. Với ưu điểm như: Phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương và đã được người nông dân trồng nhiều trước đây, cho năng suất cao và người dân cũng đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong quá trình sản xuất.
Bên cạnh đó, trên địa bàn Thành phố Hạ Long hiện nay, 33 xã phường chưa có đơn vị nào trồng bí xanh với quy mô lớn, trong khi lượng cầu về bí xanh là tương đối cao. Bí xanh cũng là loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, thu nhập gấp nhiều lần so với trồng lúa truyền thống. Bí xanh là sản phẩm có thể để được nhiều tuần sau khi cắt, khắc phục được nhược điểm nhanh bị hỏng của sản phẩm nông sản thông thường.
Có nhiều loại sản phẩm có giá trị cao được chế biến từ Bí xanh như: Trà Bí xanh, Mứt Bí… là tiền đề để phát triển các sản phẩm chất lượng cao… Các HTX, doanh nghiệp, hộ sản xuất trên địa bàn xã Hòa Bình đã đầu tư ứng dụng công nghệ để nâng cao giá trị, chất lượng của bí xanh.
Xã Hòa Bình đã chủ động kết nối với Trung tâm Chất lượng nông, lâm, thủy sản vùng 1 để được hướng dẫn về kỹ thuật từ khâu lựa chọn giống , ươm giống, làm giàn, gieo hạt…. bí xanh đến khi thu hoạch sản phẩm. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Khuyến nông thành phố Hạ Long mở lớp tập huấn kỹ thuật trồng bí xanh cho các hộ dân tham gia mô hình song song với quá trình sản xuất từ lúc gieo hạt tới lúc thu hoạch.
Là người đi đầu trong việc đưa cây bí xanh về địa phương cho bà con canh tác, anh Nguyễn Hoài Nam, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hòa Bình chia sẻ: "Để tiếp tục hỗ trợ HTX và các hộ nông dân triển khai mô hình trồng bí xanh, Đảng ủy xã đã chỉ đạo UBND, MTTQ và các đoàn thể xã phối hợp, huy động nguồn tài lực, nhân lực hỗ trợ nông dân cải tạo đất ruộng, làm giàn trồng bí xanh để nâng cao năng xuất.
Theo thống kê sơ bộ, tổng sản lượng bí thu hoạch được trong vụ xuân năm 2022 là 80 tấn cho thu nhập 560 triệu đồng, với giá trung bình giao động từ 6.000 – 10.000 đồng, tùy theo từng thời điểm; Thu nhập trung bình /sào/vụ của các hộ dân là 10.000.000đ, gấp nhiều lần so với trồng lúa, ngô trước đây, đầu ra ổn định giúp bà con không phải lo lắng việc trồng được nhưng không bán được".
Cũng đầu tư cây ăn quả để phát triển kinh tế nhưng Cựu chiến binh Đinh Mạnh Đới, thôn 1, xã Dân Chủ lại chọn cây ổi lê Đài Loan. Là người đầu tiên mang giống ổi này về địa phương, ban đầu ông trồng 900 cây trên diện tích 1 ha và nhờ trồng đúng kỹ thuật, ổi cho năng suất cao 2 vụ/năm, cho thu hoạch 10 tấn quả, bán được hơn 60 triệu đồng.
Thấy ổi là giống quả có thể phát triển tốt, ông mua thêm đất, phát triển thêm diện tích ổi, đến nay đã đạt gần 3ha, hàng năm thu từ 100-150 triệu đồng tiền lãi. Từ trồng ổi, ông đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập hơn 4 triệu đồng/người/tháng. Từ hiệu quả của trang trại ổi nhà ông Đới, do bảo đảm kỹ thuật, "Ổi ông Đới" đã được cấp chứng nhận là sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.
Thấy được lợi thế từ cây trồng này, ông Đới cũng đã chủ động chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng mô hình ra nhiều địa phương khác trên địa bàn. Điển hình là mô hình trồng cây ăn quả của ông Vũ Minh Thường CTHĐQT kiêm GĐ HTX DV và SX Nông Lâm Nghiệp Toàn Phú, xã Sơn Dương.
Bên cạnh các loại cây ăn quả khác như bưởi, cam,… nhận thấy mô hình "Ổi ông Đới" có nhiều triển vọng, ông đã quyết định đầu tư phát triển sản xuất theo hướng tập trung, hiệu quả; đẩy mạnh thực hiện chương trình OCOP loại quả này.
Nhờ những nỗ lực của bản thân và sự hỗ trợ của chính quyền, ông Thường đã mở rộng diện tích trồng ổi, đến nay HTX đã có trên 26ha đất nông lâm nghiệp và 7ha đất trồng ổi, bưởi da xanh và cam V1,V2. Sản lượng ổi thu hoạch 100 tấn trên năm, doanh thu đạt 2 tỷ một năm.
Với những "trái ngọt" kể trên cùng sự quyết tâm, chung sức, đồng lòng, tin chắc rằng chính quyền và nhân dân xã Dân Chủ, Hòa Bình, Sơn Dương sẽ hoàn thành các chỉ tiêu trong xây dựng NTM nâng cao, góp phần xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc về mọi mặt.
Tin nổi bật
Tin Video