Quảng Ninh: Gần 150 học sinh lớp 6 đầu tiên của cả nước được tiêm vaccine Covid-19
(VOVTV) - Sáng 14/4, Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ phát động chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho nhóm trẻ từ 5 tuổi tới dưới 12 tuổi và hưởng ứng tuần lễ tiêm chủng năm 2022 trên địa bàn Quảng Ninh. Ông Nguyễn Trường Sơn, thứ trưởng Bộ Y tế dự lễ phát động.
Tại lễ phát động, gần 150 trẻ em là học sinh lớp 6, trường THCS Trần Quốc Toản, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh được tiêm vaccine Morderna phòng chống Covid-19. Đây là những trẻ em đầu tiên của cả nước ở nhóm tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm vaccine Covid-19.
Em Nguyễn Thị Bảo Ngọc (học sinh lớp 6A2 trường trường THCS Trần Quốc Toản, thành phố Hạ Long) chia sẻ: "Lúc đầu con hơi run và sau tiêm thấy không run vì không đau và là điều rất tốt để bảo vệ sức khỏe cho mình. Đặc biệt, con rất vui vì hôm nay là những người đầu tiên của cả nước được tiêm vaccine chống Covid và có thể bảo vệ được sức khỏe của mình”.
Bà Nguyễn Quỳnh Trang, phụ huynh học sinh lớp 6A2, trường THCS Trần Quốc Toản, thành phố Hạ Long cho biết: “Bản thân tôi có 2 con ở độ tuổi từ 5 tới 12 tuổi và tôi đều ủng hộ cho các con tiêm. Trước khi tiêm, nhà trường và ngành y tế địa phương cũng gửi tới chúng tôi những thông tin lấy ý kiến và hướng dẫn, chăm sóc các con trước và sau tiêm rất rõ".
Việc triển khai tiêm vaccine sẽ được tỉnh Quảng Ninh tiến hành trước tiên đối với học sinh lớp 6, sau đó hạ thấp dần độ tuổi theo hình thức cuốn chiếu, từ địa bàn thuận lợi tới khó khăn. Vaccine COVID-19 được lựa chọn tiêm chủng cho trẻ là vaccine Comirnaty của Pfizer/BioNTech cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và vaccine Spikevax của Moderna cho trẻ từ 6 đến dưới 12 tuổi.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Toàn tỉnh Quảng Ninh có số trẻ em có chỉ định tiêm ở độ tuổi này là trên 181.000 . Chúng tôi có quan điểm tiêm đến đâu an toàn đến đó, không chạy theo số lượng mà ưu tiên chất lượng.
Đặc biệt Quảng Ninh sẽ huy động đội tiêm và đội cấp cứu có trình độ chuyên môn tốt nhất, có cơ sở vật chất tốt nhất để triển khai tiêm cả ở thành thị và càng ở những vùng sâu, vùng xa càng phải được trang bị đầy đủ và chỉ đầy đủ mới tiêm".
Hiện nay, tỷ lệ tiêm chủng liều cơ bản cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên tại Việt Nam đã đạt tỷ lệ cao và đang khẩn trương hoàn thành việc tiêm liều vaccine thứ 3 cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên. Với tỷ lệ bao phủ vaccine cao cho nhóm đối tượng, lứa tuổi có nguy cơ cao, Việt Nam đủ điều kiện để tiếp tục mở rộng đối tượng tiêm chủng và triển khai tiêm chủng cho các nhóm đối tượng khác bao gồm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Ông Nguyễn Trường Sơn -Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: "Nguồn vaccine chúng ta sẽ chủ động để không thiếu vaccine tiêm cho người dân. Hiện nay đã có 1 triệu liều vaccine về Việt Nam. Và chúng tôi đã phân bổ cho các tỉnh thành phố và Quảng Ninh là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện tiêm ở độ tuổi này.
Bắt đầu từ ngày hôm nay, cả nước sẽ triển khai tiêm hết 1 triệu liều này. Trong thời gian tới, từ 7 tới 12 ngày sẽ có thêm 1 triệu liều nữa sẽ về và sự cam kết của Chính phủ Úc sẽ có hơn 7 triệu liều sẽ về sớm để có thể tiêm chủng cho các cháu và chúng tôi sẽ cố gắng có được thêm nhiều nguồn vaccine khác bổ sung vào kho Vaccine quốc gia".
Bà Lesley Miiler, Phó Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam: "Việt Nam đã có những thành tựu ấn tượng trong công tác triển khai tiêm chủng COVID-19. Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ tiêm chủng vaccine COVID-19 cao nhất thế giới, đối với mũi thứ 2 đã đạt mức 95% ở người trên 18 tuổi và 93% ở nhóm trẻ em 12 - dưới 18 tuổi.
Không chỉ vậy, chiến dịch tiêm mũi nhắc lại cũng đã được bắt đầu và tới nay đã đạt được tỉ lệ gần 49% với người trên 18 tuổi. Có thể nói, công tác phòng chống và kiểm soát đại dịch COVID-19 của Việt Nam trong 2 năm qua mang tính tiêu biểu. Chúng tôi đánh giá cao điều đó. UNICEF xin tái khẳng định cam kết hỗ trợ chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam và các chiến dịch tiêm chủng COVID-19”.
Việc tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em có ý nghĩa quan trọng trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, giảm các ca bệnh nặng, giảm lây truyền giữa các thế hệ trong gia đình và xã hội, góp phần đưa cuộc sống trở lại bình thường.