Tin tức

Quảng Ngãi: Người làm nghề trồng cau “khóc ròng" sau bão lớn

Giá cau đang ở mức 37.000 đồng/kg, nhiều vườn cau có thể mang về nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Bão số 9 quét qua khiến cau ngã đổ la liệt. Những mảnh vườn “trăm triệu” tan hoang.

05/11/2020 13:55

Một tuần sau cơn bão số 9, ông Hà Thái Cương (xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa) mới bắt đầu dọn dẹp vườn cau ngã đổ ngổn ngang.

Vườn của ông Cương có 130 cây cau 15 năm tuổi đang cho trái. Bão số 9 quét qua quật ngã trên 100 cây, số ít còn lại cũng bị nghiêng ngã khó có thể phát triển bình thường. Những cây cau xanh tốt, buồng chi chít trái non đều bật gốc hoặc gãy ngang thân. Xót của, ông Cương gom những buồng cau chưa bị hư hại nhiều bán cho thương lái thu về trên 3 triệu đồng.

“Giá cau đang ở mức 37.000 đồng/kg và đang tiếp tục tăng. Nếu không có bão làm cau ngã đổ thì riêng năm nay chú thu về khoảng 60 -70 triệu đồng. Vậy mà hư hết, mót cau non bán chỉ được hơn 3 triệu”, ông Cương cho biết.

Quảng Ngãi: Người làm nghề trồng cau “khóc ròng" sau bão lớn - Ảnh 1.

Vườn cau hàng trăm cây xanh tốt bị bão số 9 quật ngã la liệt

Từ khi trồng đến lúc cây cau cho trái phải mất 7 - 8 năm nhưng cây cho thu hoạch kéo dài từ 15 - 20 năm. Mấy năm qua giá cau tăng cao nên người nông dân ra sức chăm bón. Thế nhưng sau bão số 9, công sức của người trồng cau coi như mất trắng.

“Cây cau càng xanh tốt thì càng dễ ngã đổ trong bão. Cây cau cho thu hoạch kéo dài nhiều năm nên tính ra thiệt hại rất lớn”, ông Cương nói thêm.

Quảng Ngãi: Người làm nghề trồng cau “khóc ròng" sau bão lớn - Ảnh 2.

Những buồng cau non chi chít trái hư hỏng

Khoảng vài năm trở lại, hàng ngàn hộ nông dân ở Quảng Ngãi xem cây cau là nguồn thu nhập chính. Diện tích trồng cau phát triển mạnh. Đợt bão số 9 vừa qua, người trồng cau ở các huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức… chịu thiệt hại nặng nhất.

Theo ông Nguyễn Văn Vương (xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành), vùng nào cau xanh tốt, trái càng nhiều càng chịu thiệt hại nặng. Ông lý giải, cau tốt nên lá phát triển khá to, buồng lại nhiều trái. Khi bão đổ bộ, ngọn cây đón gió cùng với sức nặng của trái làm cây bật gốc.

“Mình càng chăm chút cây cau thì càng chịu thiệt hại nặng. Có vườn chỉ ngã một ít nhưng có vườn ngã gần hết. Như chú có 160 cây, bật gốc 140 cây, số còn lại cũng bị ảnh hưởng. Đợi đất khô tí nữa chú mới tìm cách cứu số cây còn lại để giảm bớt thiệt hại”, ông Vương chia sẻ.

Quảng Ngãi: Người làm nghề trồng cau “khóc ròng" sau bão lớn - Ảnh 3.

Vừa mất nguồn thu lớn, người nông dân lại phải tốn kinh phí, công sức trồng mới và đợi khoảng 7 năm cây cau mới có thể cho thu hoạch

Ông Vương nhẩm tính, nếu không có bão thì chỉ riêng năm nay vườn cau có thể mang về nguồn thu khoảng 70 triệu đồng. Cây cau cho trái kéo dài nên nếu tỉnh tổng thiệt hại sẽ lên đến vài trăm triệu đồng.

Ngoài ra, để trồng lại cau phải tốn nhiều công sức, tiền bạc. Quan trọng nhất là phải đợi khoảng 7 năm nữa cây cau mới bắt đầu cho trái.

Ý kiến của bạn