Quảng Ngãi: Bài học đau xót từ vụ tàu hỏa tông ô tô
(VOVTV) - Những ngày qua, dư luận xôn xao quanh vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng xảy ra tại xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi làm chết một cháu bé, bố và mẹ bị thương nặng. Khi trên mạng xã hội đăng tải đoạn clip ghi lại cảnh tàu hỏa tông ô tô, đã có nhiều ý kiến trái chiều từ vụ tai nạn này.
Có người cho rằng, giá như nhân viên gác chắn nhanh chân hơn một chút, kéo barie chắn, ra hiệu cho ô tô dừng lại; giá như tài xế ô tô quan sát, nghe ngóng tín hiệu, giảm tốc độ khi đi qua điểm giao cắt giữa đường dân sinh và đường sắt… và còn rất nhiều câu hỏi đặt ra về nguyên nhân gây ra vụ tai nạn đường sắt xảy ra sáng ngày 7/3 tại thôn Nam Bình 2, xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Nhiều người dân khi xem đoạn clip camera ghi lại thời khắc tàu hỏa hất văng xe ô tô đều không khỏi bàng hoàng.
Chị Hồ Thị Hà, người dân xã Bình Nguyên cho rằng: “Khi xem clip tôi thấy nhân viên gác chắn không kéo barie trước khi tàu đến, chỉ có tín hiệu đèn đỏ nhấp nháy. Mọi người khi đi ngang qua điểm giao nhau với đường sắt cũng cần quan sát, đi chậm lại thì sẽ không xảy ra tai nạn.”
Trước đó, khoảng 6h30 ngày 7/3, tàu chở hàng SH3 lưu thông từ Bắc vào Nam khi đến Km 901+580 thuộc thôn Nam Bình 2, xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, xảy ra va chạm với ô tô 7 chỗ. Vụ tai nạn làm xe ô tô văng ra xa, lật úp, bé trai 1 tuổi tử vong tại chỗ, cha mẹ cháu bé bị thương nặng.
Ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn, các lực lượng chức năng vào cuộc điều tra nguyên nhân. Hiện, nhân viên trực gác chắn là bà Võ Thị Uyên, 30 tuổi bị sang chấn tâm lý và đang tạm nghỉ việc để điều trị.
Theo ông Cao Minh Hỷ, Giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Nghĩa Bình, tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có 41 đường ngang hợp pháp giao nhau với đường sắt và 88 lối đi tự mở. Trong đó, được phân loại đường ngang có gác và đường ngang cảnh báo tự động. Tùy theo mật độ giao thông, tại điểm giao đường ngang có gác ngành đường sắt sẽ bố trí từ 1 đến hai nhân việc trực.
Ông Cao Minh Hỷ cho biết: “Tại gác chắn Km 901+580, việc điều khiển đều do nhân viên gác chắn thực hiện. Tín hiệu chỉ mang tính chất hỗ trợ, còn việc thực hiện quy trình gác chắn thì nhân viên gác chắn phải làm. Khi xảy ra tai nạn, hệ thống thông tin tín hiệu vẫn hoạt động bình thường, chưa có lỗi gì. Kể cả trong sổ giao nhận ca, nhân viên gác chắn cũng ghi rõ các thiết bị hoạt động bình thường.”
Clip vụ tai nạn đường sắt thương tâm
Ngày 9/3, Cục Đường sắt Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng điều tra vụ tai nạn, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan. Đồng thời, yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt chấn chỉnh công tác đảm bảo trật tự đường sắt, siết chặt quy định với các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu như lái tàu, trưởng tàu, gác chắn đường ngang, trực ban chỉ huy chạy tàu...
Cục Đường sắt Việt Nam cũng yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương, các đơn vị có liên quan trong việc triển khai thực hiện các biện pháp đảm bảo ATGT đường sắt như: thu hẹp lối đi tự mở, tổ chức cảnh giới tại các đường ngang, lối đi tự mở có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông; bổ sung biển báo hiệu đường bộ, cọc tiêu, vạch dừng, gồ giảm tốc tại các đường ngang phòng vệ cảnh báo tự động, đường ngang phòng vệ biển báo; giải tỏa vi phạm hành lang ATGT đường sắt.
Ông Nguyễn Phong, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Ngãi cho biết: "Chúng tôi sẽ xóa bỏ, thu hẹp dần các điểm giao cắt đường ngang qua đường sắt theo lộ trình kế hoạch. Chúng tôi cố gắng đảm bảo an toàn, nhất là xây dựng các cầu vượt để đảm bảo an toàn cho người dân tham gia giao thông qua lại giữa đường ngang với đường sắt."