Tin tức

Quảng Bình triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường

(VOVTV) - Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Quảng Bình và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, với nhiều giải pháp đồng bộ, các điểm nóng về ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát, xử lý, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân từng bước được nâng lên.

Tác giả Lê Dung / VOVTV
26/08/2022 11:45

Xác định nhận thức là tiền đề quan trọng

Trong thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về quản lý rác thải sinh hoạt (RTSH), đặc biệt là đối với cộng đồng dân cư khu vực nông thôn.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình, hằng năm, Sở đã chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội tổ chức các hội nghị tuyên truyền về bảo vệ môi trường hoặc lồng ghép trong nội dung hướng dẫn thực hiện tiêu chí môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, mỗi năm tổ chức khoảng 20 đợt với trên 2.000 người tham gia.

ANH 1..jpg

Quảng trường Hồ Chí Minh TP Đồng Hới

Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình còn xây dựng các chuyên mục "Bảo vệ môi trường nông thôn" phát trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh nhằm phổ biến, tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân; xây dựng nội dung, thu âm và cấp phát cho các xã trên trên toàn tỉnh, cổ động tuyên truyền về bảo vệ cảnh quan, tài nguyên thiên nhiên, giữ gìn vệ sinh môi trường, thu gom và xử lý chất thải, hạn chế rác thải nhựa... để tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh xã, phường, thị trấn, thôn.

Đồng thời, nhằm đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường, nâng cao hiệu quả quản lý rác thải, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp trên địa bàn toàn tỉnh, ngày 23/7/2019 Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành văn bản số 1215/UBND-TNMT phát động phong trào "Ngày toàn dân thu gom rác thải" trên địa bàn tỉnh Quảng Bình và được lựa chọn là ngày chủ nhật đầu tiên của các tháng trong năm.

ANH 2..JPG

Các tuyến phố TP Đồng Hới luôn sạch sẽ đảm bảo vệ sinh môi trường

Qua hơn 2 năm thực hiện cho thấy phòng trào đã được người dân hưởng ứng thực hiện có hiệu quả. Sự nỗ lực của các cấp, các ngành, của toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh đã mang lại kết quả kích lệ trong công tác quản lý chất thải rắn nói chung và chất thải sinh hoạt nói riêng và được thể hiện qua tỷ lệ thu gom, xử lý CTRSH tăng lên hàng năm; tỷ lệ thu gom, xử lý CTRSH năm 2015 chỉ đạt 64,3% đến năm 2020 đạt 78,26% và hiện nay đạt 79,52%, phấn đấu đạt 85% vào năm 2025.

Với mục tiêu giảm tỷ lệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng phương pháp chôn lấp và đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng rác thải nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn tỉnh đã kêu gọi đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt với công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.

Đến nay, đã có Nhà máy phân loại xử lý rác thải, sản xuất biogas và phân bón khoáng hữu cơ của Công ty TNHH Phát triển dự án Việt Nam đầu tư hoàn thiện dây chuyền phân loại và đi vào vận hành thử nghiệm, các dây chuyền còn lại (lên men, sản xuất phân hữu cơ, nhiệt phân để phát điện) dự kiến sẽ hoàn thiện đi vào hoạt động thời gian tới. Dây chuyền phân loại rác đi vào vận hành đã góp phần giảm thiểu lượng rác thải sinh hoạt phải chôn lấp tại các Bãi rác. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh.

Vẫn còn đó nhiều rào cản

Bên cạnh những kết quả đã đạt được công tác bảo vệ môi trường tại Quảng Bình vẫn còn tồn tại nhiều rào cản cần khắc phục. Chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc, ông Nguyễn Xuân Dũng, Trưởng phòng quản lý Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình cho biết, công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý CTRSH ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, đặc biệt là ở cấp xã. Ý thức của một số bộ phận cộng đồng dân cư trong công tác vệ sinh môi trường còn hạn chế, hiện tượng xả rác thải bừa bãi ra môi trường vẫn còn diễn ra tại một số khu vực.

ANH 3.JPG

Một con đường vắng bóng rác thải ở TP Đồng Hới

Một số xã địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa giao thông khó khăn, chưa được bao phủ dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, nên tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường tại một số vùng nông thôn còn thấp.

Đặc biệt, Nhà máy phân loại xử lý rác thải, sản xuất biogas và phân bón khoáng hữu cơ của Công ty TNHH Phát triển dự án Việt Nam chưa hoàn thiện các dây chuyền còn lại và chưa xác định cụ thể về thời gian hoàn thiện đảm bảo mục tiêu đầu tư ban đầu là xử lý rác thải sản xuất phân bón và lên men tạo khí đốt. Vì vậy, mục tiêu thực hiện lộ trình tăng tỷ lệ xử lý rác thải bằng phương pháp tái chế, tái sử dụng, xử lý kết hợp thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ; giảm tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp sẽ gặp khó khăn, khó đảm bảo yêu cầu theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

ANH 5 (1).jpg

Tình trạng người dân thiếu ý thức vứt rác bừa bãi vẫn diễn ra ở một số nơi gây khó khăn trong công tác bảo vệ môi trường

Công tác kiểm tra, thanh tra thực thi pháp luật còn nhiều hạn chế, các chế tài quy định về xử phạt đối với các hành vi vi phạm về CTRSH còn chưa đủ sức răn đe, mức thi hành cưỡng chế có hiệu lực chưa cao dẫn đến hiệu quả quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra; lực lượng cán bộ làm công tác quản lý môi trường từ cấp tỉnh đến cấp xã còn rất mỏng, không đủ người nên đã gặp không ít các khó khăn khi giải quyết các vấn đề thực tế.

ANH 4.jpg

Thu gom, phân loại để xử lý rác thải của nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường trên các tuyến phố TP Đồng Hới

Ông Trương Công Định, Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường và Phát triển Đô thị Quảng Bình chia sẻ: "Hiện một số cơ chế chính sách như Nghị định 32/2019/NĐ-CP, quy định giao nhiệm vụ đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn thu thường xuyên và việc cấm xe cơ giới 3 bánh lưu hành gây khó khăn trong việc đầu tư trang thiết bị hiện đại trong việc thu gom và xử lý rác thải. Cùng với đó, do chưa có quy hoạch về đất nên việc xây dựng các điểm tập kết rác gặp khó khăn".

Đồng bộ nhiều giải pháp

Nhằm đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, tạo cảnh quan môi trường sạch - đẹp trên địa bàn toàn tỉnh, chủ động phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững, Sở Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình đưa ra giải pháp, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường nói chung, về quản lý CTRSH nói riêng. Chú trọng nâng cao nhận thức, ý thức đối với công tác BVMT cho nhóm cộng đồng dân cư khu vực vùng sâu, vùng xa.

ANH 6.jpg

Các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình chung tay bảo vệ môi trường

Tổ chức triển khai thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, đồng bộ ở tất cả các khâu từ phân loại đến thu gom, xử lý; đảm bảo lộ trình theo quy định Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường. Có cơ chế chính sách hỗ trợ trong công tác xử lý, thu gom và vận chuyển CTRSH đối với các mô hình tư nhân. Ưu tiên thu hút, kêu gọi đầu tư các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường trong hoạt động xúc tiến đầu tư cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

Đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra về trách nhiệm quản lý về chất thải rắn ở cấp huyện, cấp xã, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các tổ chức cá nhân hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả với lực lượng cảnh sát môi trường trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

1/ Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành: "Để phát triển đất nước theo hướng bền vững, yêu cầu ngành tài nguyên và môi trường tiếp tục chú trọng đến đời sống, sức khỏe của nhân dân cùng với sự phát triển bền vững chúng ta đưa lên hàng đầu. Các địa phương, các ngành cần chú trọng, dành nhiều quỹ đất cây xanh theo đúng Luật quy hoạch cũng như các tiêu chuẩn, tiêu chí quy định hiện hành; kiên quyết giữ quỹ đất cây xanh và phải phát triển cây xanh trong đô thị, các khu vực. Cần tập trung chuyển đổi thành công cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh", từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp".

2/ Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà: "Trước hết, nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân, doanh nghiệp đối với công tác bảo vệ môi trường, trường, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức về lối sống bền vững hài hòa với thiên nhiên; bảo vệ môi trường trở thành xây dựng đạo đức, văn hóa, văn minh sinh thái trong ứng xử với tự nhiên; xây dựng bộ tiêu chí văn hóa, lối sống xanh trong toàn xã hội; khắc phục và loại bỏ ngay tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà bỏ qua trách nhiệm bảo vệ môi trường".


Ý kiến của bạn